Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đại biểu Quốc hội bức xúc chuyện nhà đất, tăng thuế

Phân tích

25/05/2018 15:07

Nhiều ĐBQH bức xúc trước vấn đề đất đai, nhà ở và các vấn đề liên quan đến việc tang thuế, phí…

Báo Điện tử Dân Trí dẫn lời đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho rằng, cử tri phấn khởi trước kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây nhưng vẫn tâm tư, trăn trở trước sự thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản.

 “Tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng chưa thu tiền sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách. Tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ chọn đất vàng để chuyển nhượng, mua bán trục lợi cá nhân còn thất thoát lớn”, đại biểu Cầu cho hay.

Theo đại biểu, trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh, rằng nếu xây một ngôi nhà cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu, còn nhà nước xây ít nhất 1 tỷ mà chất lượng thẩm mỹ không bằng của người dân. Cử tri kiến nghị nhà nước nên tính toán lại định mức, tính toán lại đơn giá, trượt giá nếu không sẽ còn thất thoát hơn.

“Thực tiễn 12 đại dự án thua lỗ mà Chính phủ đang xử lý rốt ráo hiện nay là 1 ví dụ nhãn tiền. Gần đây Kiểm toán nhà nước phát hiện những sai phạm tại các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp. Cá biệt như dự án nạo vét kè sông Kê Sào tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng đến 36 lần từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đã chứng minh những tâm tư của cử tri là có cơ sở”, ông Nguyễn Hữu Cầu phát biểu.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Trung ương quan tâm giải quyết vấn đề bức xúc, phức tạp liên quan đến đất đai. Chính phủ sớm tập trung giải pháp, nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, khu vực đất “vàng”, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

 “Người dân bất bình, thậm chí phẫn nộ vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc rơi vào tay các doanh nghiệp bạch tuộc, không đầu tư cho sản xuất, mà chăm chăm vào sang nhượng dự án và phân lô bán nền bằng nhiều hình thức làm thất thu lớn ngân sách Nhà nước”, đại biểu Vượt nói.

Theo đại biểu đoàn Gia Lai, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức, cùng cộng sinh thâu tóm, lũng đoạn bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lợi ích nhóm, cánh hẩu.

Ngoài ra, đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh việc tồn tại nhiều quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ cần phải rà soát lại vì vừa gây lãng phí, vừa gây bức xúc, khốn đốn cho người dân ở vùng quy hoạch nên cần sớm được giải quyết.

“Cử tri mong muốn cần có sự vào cuộc cơ quan chức năng Trung ương, nếu không sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn, vì “dây mơ rễ má”, hậu duệ, đồ đệ và lợi ích nhóm”, ông Vượt nêu quan điểm.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (TP Đà Nẵng) cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội quan tâm đúng mức điều hành của Chính phủ có trọng tâm, giữ được sự phát triển ổn định của đất nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu nhận thấy nổi lên hàng loạt sai phạm như quy hoạch, quản lý đất đai, công tác cán bộ. Sự sai phạm kéo dài nhiều năm không được phát hiện, xử lý, tháo gỡ… cần sự quan tâm, quyết liệt của Chính phủ.

“Đà Nẵng là một địa phương như thế với nhiều sự chậm trễ, kiện toàn bộ máy tổ chức như không có Chủ tịch HĐND Thành phố, thiếu một Phó Chủ tịch HĐND TP, một Phó Chủ tịch UBND TP”, đại biểu Quang nói.

Về vấn đề thuế, phí, báo Điện tử VnExpress dẫn lời Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại & công nghiệp (VCCI) cho biết ông đồng tình khi Chính phủ cố gắng cân bằng ngân sách trong điều hành chính sách tài khoá, tăng thêm các khoản thu từ bán tài sản công, cổ tức doanh nghiệp Nhà nước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh VnExpress.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh VnExpress.

Song ông Lộc nêu, khi các nguồn lực này cạn kiệt thì chuyển sang tăng thu từ thuế. Giải pháp này sẽ tạo nên sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công kém hiệu quả hơn, không có lợi cho tăng trưởng về dài hạn. "Nếu tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên thực hiện tốt hơn thì đã không phải tăng thuế, phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc", ông nói.

Nghịch lý nữa, trong khi Bộ Tài chính ra sức tìm giải pháp để tăng huy động vốn, tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm. Môi trường kinh doanh cải thiện, tăng 14 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt cao nhất từ năm 2005, nhưng những chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam, như “một thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.

"Một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ, dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó. Không ít tư lệnh ngành còn lơ là nhiệm vụ làm thể chế", ông nhận xét.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI nhận xét, nếu các bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu “luật ống, luật khung” và vẫn cần phải có các nghị định, thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thì tình trạng giấy phép con, cháu không những không biến mất mà sẽ "biến tướng, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác và đè nặng lên doanh nghiệp".

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng "Thể chế, thể chế và thể chế!”, vị đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, những điểm nghẽn trên chỉ được giải quyết nếu các bộ ngành thực sự là “kiến trúc sư trưởng” trong cải cách thể chế ở từng lĩnh vực chứ không chỉ hành xử như những “đốc công”. Chính phủ cũng cần quan tâm hơn đến cải cách thể chế sâu rộng, mang tính hệ thống và dài hạn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng ấn tượng với những "con số biết nói" về kinh tế vĩ mô năm 2017 và đầu năm 2018. Những thành công này, theo ông Lộc, là bước đầu nhờ nhiều giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

Ông minh chứng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng Việt Nam dù nói nhiều về cách mạng 4.0 nhưng nếu vẫn giữ tư duy cũ, không thay đổi chính sách giáo dục, khoa học công nghệ thì "lấy đâu ra sáng chế khoa học mới ứng dụng vào khởi nghiệp, sản xuất".

Báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế năm 2017 Chính phủ gửi tới Quốc hội trước đó, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt trên 1% so với kế hoạch; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% (kế hoạch 4%); xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối là 63,5 tỷ USD.

GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Nổi bật là cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 4,05%; 9,7% và 13,56%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận động lực tăng trưởng năm 2018 được dự báo "sẽ không tăng nhiều, mạnh như 2017".

P.V (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement