03/11/2017 08:07
Cục Quản lý thị trường còn chưa làm tốt, nâng thành Tổng cục làm gì?
Vụ Khaisilk bán hàng Việt gắn mác “Made in China” đặt ra rất nhiều câu hỏi về vai trò của lực lượng quản lý thị trường.
Để những sai phạm này tồn tại, diễn ra thời gian dài mà “không hay biết”, lực lượng quản lý thị trường không những chưa làm tròn nhiệm vụ được giao, mà còn không loại trừ khả năng “chống lưng” cho doanh nghiệp!
Công an chưa nhận được hồ sơ vụ Khaisilk
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có yêu cầu bàn giao hồ sơvụ Khaisilksang cơ quan công an để xem xét và làm rõ các hành vi vi phạm liên quan. Sau chỉ đạo, ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, kiêm Chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội - khẳng định đã chuyển hồ sơ vụ Khaisilk đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ.
Tuy nhiên, đến chiều 2.11 trả lời Lao Động, đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an Hà Nội) - lại cho biết vẫn chưa nhận được hồ sơ gì liên quan đến vụ Khaisilk bán khăn “Made in China”.
Điều đáng nói, cũng liên quan đến việc này, ông Chu Xuân Kiên cho hay: “Đây là việc của hai bên chúng tôi, báo chí có việc gì thì gửi văn bản lên cơ quan. Trách nhiệm của chúng tôi phải làm ở mức cao nhất, đừng tranh luận về việc này nữa”. Câu trả lời “ngang ngạnh” của vị Chi cục trưởng khiến dư luận bức xúc.
Tại nghị trường Quốc hội, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ: “Phát biểu của Chi cục QLTT Hà Nội, nếu anh ấy nói ý rằng lúc này chưa cung cấp thông tin được cho báo chí thì tôi chấp nhận. Nhưng nếu ý nói hoàn toàn không phải việc của báo chí thì tôi cho rằng không nên. Bởi vì báo chí làm việc theo luật báo chí, được quyền giám sát theo kênh của báo chí. Nên nói như vậy là không đúng với quy định hiện hành về hoạt động báo chí”.
Không loại trừ khả năng Cục QLTT “chống lưng” cho doanh nghiệp
Chia sẻ với PV, TS Đoàn Hương - người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp - cho hay những doanh nghiệp “buôn gian bán lận”, lợi dụng lòng tin khách hàng, khách hàng hoàn toàn có quyền kiện. Khi bê bối Khaisilk bị vỡ lở, nhiều ý kiến chia sẻ, vai trò của Cục QLTT, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng quá mờ nhạt. Thậm chí không loại trừ khả năng những đơn vị này “nhắm mắt” cho qua các sai phạm của doanh nghiệp.
PGS-TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - cho hay qua vụ Khaisilk có thể thấy Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng chưa có biện pháp kiểm soát, bảo vệ người tiêu dùng, nếu Hội không phát huy được vai trò của mình nên tự giải thể. Còn Cục QLTT - cơ quan quản lý nhà nước đang thả nổi, thiếu trách nhiệm để xảy ra nhiều lỗ hổng trong quản lý thị trường. Vị chuyên gia này không loại trừ khả năng Cục QLTT “chống lưng” cho doanh nghiệp.
“Cục QLTT phải đi sâu nghiên cứu các biện pháp phòng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Theo đó việc kiểm tra không để xử lý vi phạm, quan trọng để tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa. Trong vụ bê bối Khaisilk, Cục QLTT cần cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để xử lý nghiêm minh”.
Quản lý thị trườngkiểu cát cứ
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi rất tán thành với nhiều ý kiến lực lượng QLTT hiện nay chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao ở cả hai khía cạnh là tổ chức chưa chặt chẽ. Thị trường là một vấn đề rộng lớn linh hoạt nhưng lại được tổ chức theo kiểu cát cứ. Thứ hai là cán bộ chưa đủ trình độ và tổ chức cán bộ còn mỏng nên dẫn tới việc không thể thực hiện được hết nhiệm vụ. Đồng thời cán bộ QLTT có người còn tắc trách, thiếu trách nhiệm, thậm chí là vi phạm pháp luật như bao che cho người sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Qua vụ Khaisilk, dù không phải là vụ việc quá lớn nhưng đã gióng lên hồi chuông rằng sẽ còn nhiều câu chuyện kiểu như thế này nữa. Chính vì thế việc củng cố lực lượng quản lý thị trường để sao cho vừa giỏi chuyên môn lại vừa trong sạch liêm khiết là vấn đề hết sức cần thiết. Còn nếu xây dựng nền kinh tế thị trường mà không có lực lượng QLTT thực sự đủ mạnh mà chỉ quản lý trên giấy tờ, trên mạng thì người dân sẽ hoàn toàn chịu hậu quả lớn của hàng giả, hàng kém chất lượng”.
Trước ý kiến Chính phủ sẽ thành lập Tổng cục QLTT hoạt động theo hệ thống ngành dọc, thực hiện theo Pháp lệnh QLTT, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho hay, việc làm này không cần thiết bởi hiện tại, Cục QLTT chưa làm tốt vai trò của mình. Khi thành lập Tổng cục QLTT sẽ phình to bộ máy quản lý, trong khi Nhà nước đang tinh giản biên chế, nâng cao năng lực cán bộ.
“Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung nâng cao năng lực cán bộ, thay vì thành lập Tổng cục QLTT gây phình to bộ máy quản lý” - bà An cho hay.
Advertisement
Advertisement