23/10/2020 16:05
COVID-19: Du lịch Việt Nam thất thu 3,75 triệu USD mỗi ngày, Khánh Hòa và TP.HCM thiệt hại nặng nhất
Đề phòng COVID-19 quay trở lại, đến nay Việt Nam vẫn không mở cửa cho khách quốc tế khiến du lịch thất thu 3,75 triệu USD/ngày (hơn 86 tỷ đồng/ngày).
Tính đến hôm nay (23/10), Việt Nam đã ở ngày thứ 51 không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Mong muốn bảo vệ thành quả này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại. Song song với đó, Việt Nam phải chấp nhận đánh đổi kinh tế để giữ mức an toàn. Mỗi ngày, ngành công nghiệp không khói này thất thu 3,75 triệu USD, tương đương 156.250 USD mỗi giờ.
Theo báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2019, trong năm nay, Việt Nam đã đón 18 triệu khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018. Khi đến Việt Nam, trung bình mỗi du khách quốc tế tiêu tốn 96 USD/ngày. Như vậy, trong năm 2019, khách quốc tế mang đến cho Việt Nam gần 1,73 tỷ USD. Tính ra, mỗi ngày ngành công nghiệp không khói thu về 4,8 triệu USD.
Một gốc phố cổ Hội An những ngày vắng khách du lịch. Ảnh: Báo Zing. |
Bước qua năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước quyết định đóng cửa với du khách quốc tế. Điều này làm cho số lượng khách quốc tế giảm mạnh. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam là 3,78 triệu lượt, giảm 70,1% so với cùng kỳ.
Theo một số công ty du lịch dự báo, năm nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ trên dưới 4 triệu lượt, tức là giảm 14 triệu lượt so với năm 2019. Và với mức chi tiêu 96 USD mỗi người như năm 2019, đồng nghĩa Việt Nam thất thu khoảng 1,35 tỷ USD.
Như vậy, trong năm 2020, mỗi ngày ngành du lịch chỉ thu về 1,05 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của năm 2019 là 4,8 triệu USD. Ngoài ra, năm 2019, ngành du lịch nội địa tiếp đón 85 triệu lượt khách, giá trị mang về cho ngành 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lo ngại về COVID-19, người dân hạn chế đi du lịch trong nước cũng khiến ngành du lịch mất đi một nguồn thu đáng kể từ khách đội địa.
Doanh thu du lịch Khánh Hòa, TP.HCM giảm sâu nhất
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 414.100 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung quý III, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1,02 triệu tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 136.500 tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4.600 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 141.800 tỷ đồng.
Một số địa điểm đến tập trung du khách tại Đà Nẵng như chợ đêm Helio vắng khách lặng như tờ. Ảnh: Báo Dân Trí. |
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 8,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,8%; may mặc tăng 0,8%; phương tiện đi lại giảm 1,7%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 2,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 369.300 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu của Khánh Hòa giảm 59,8%; Quảng Nam giảm 53,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 41,3%; TP.HCM giảm 39,9%; Đà Nẵng giảm 35,7%; Cần Thơ giảm 24,7%; Thanh Hóa giảm 16,2%; Hà Nội giảm 15,7%.
Vốn là nơi thu hút nhiều khách ngoại quốc nhất ở Sài Gòn, Bưu điện Thành phố vẫn đìu hiu du khách sau COVID-19. Ảnh: Xuyến Kim. |
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 14.200 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 56,3% so với cùng kỳ năm trước. Khánh Hòa là tỉnh ghi nhận doanh thu giảm mạnh nhất với mức giảm 78,7%; TP.HCM giảm 73,7%; Quảng Nam giảm 70,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 68,5%; Đà Nẵng giảm 68,1%; Cần Thơ giảm 57,1%; Quảng Ninh giảm 49,8%; Hà Nội giảm 42,6%.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 383.000 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu của Quảng Nam giảm 37%; Đà Nẵng giảm 18,9%; Thanh Hóa giảm 12%; TP.HCM giảm 8,6%; Hà Nội giảm 5,1%.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement