22/11/2023 08:03
Công ty Trung Quốc tái sử dụng dầu lẩu dư thừa làm nhiên liệu máy bay
Lượng dầu ăn thừa được thải ra từ những nồi lẩu ở Trung Quốc được tái tạo thành nhiên liệu cho máy bay.
Từ dầu thừa thành nhiên liệu xanh
Với khoảng 150.000 tấn dầu ăn đã qua sử dụng bị các nhà hàng trong thành phố thải ra mỗi năm, công ty công nghệ môi trường Kim Thượng Tứ Xuyên (Jinshang) - đơn vị xuất khẩu dầu thải từ thu gom dầu đã qua sử dụng, tại thủ phủ của món lẩu Tứ Xuyên nổi tiếng khắp Trung Quốc, đã tìm được một cơ hội thích hợp để xử lý chất thải dầu mỡ và xuất khẩu để biến thành nhiên liệu hàng không.
Ye Bin, tổng giám đốc công ty, nói với AFP: "Kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2017, tổng sản lượng của chúng tôi đã tăng lên hàng năm. Phương châm của chúng tôi là hãy để dầu từ máng xối bay lên bầu trời".
Ye cho biết công ty của ông hiện đang sản xuất tới 150.000 tấn dầu công nghiệp hàng năm từ sự kết hợp của các nhà hàng lẩu và các quán ăn khác trên khắp Thành Đô, bao gồm cả các cửa hàng KFC.
Quá trình này bắt đầu ngay sau khi khách hàng rời đi, với việc những người phục vụ đổ nước lẩu của họ vào một bộ lọc đặc biệt tách dầu khỏi nước.
Những người thu gom đeo tạp dề dày và găng tay cao su dài đến khuỷu tay bắt đầu đến lấy các thùng đựng mỡ màu đỏ tươi và chất chúng lên xe.
Sau thu gom, công ty loại bỏ các tạp chất, sơ chế thành dầu hỗn hợp công nghiệp và vận chuyển xuống tàu xuất sang các công ty sản xuất nhiên liệu sạch trên thế giới. Dầu này sẽ tiếp tục được tinh chế thành dầu diesel sinh học hoặc nhiên liệu máy bay.
Nhiên liệu đó được xuất khẩu cho các khách hàng chủ yếu ở Châu Âu, Mỹ và Singapore, những người tiếp tục xử lý nó để tạo ra thứ mà những người trong ngành gọi là "nhiên liệu hàng không bền vững" (SAF).
Qúa trình chế biến dầu còn sót lại thành nhiên liệu xanh. Ảnh: CNA
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, SAF rất quan trọng trong việc khử cacbon trong lĩnh vực hàng không. Ngành hàng không tạo ra 2% lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Cùng với ô tô, máy bay chính là một trong những loại phương tiện di chuyển gây ô nhiễm môi trường nhất. Các tổ chức hàng không trên thế giới đều đang đặt ra mục tiêu sẽ giảm thiểu, thậm chí chấm dứt phát thải CO2.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã đưa ra kế hoạch giảm thiểu và bù carbon vào năm 2016, một động thái nhằm khuyến khích sử dụng các nhiên liệu bền vững bên cạnh cải tiến kỹ thuật và vận hành.
Liên minh châu Âu cũng đang thắt chặt các quy định của mình, đưa ra yêu cầu mới buộc các máy bay, sân bay phải sử dụng 5% nhiên liệu hàng không bền vững vào năm 2030 và dần tăng lên 85% vào năm 2050.
Năm ngoái, sản lượng nhiên liệu hàng không bền vững toàn cầu đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 300 triệu lít.
Jinshang có kế hoạch sớm mở rộng cơ sở sản xuất SAF của riêng mình, sử dụng thiết bị của công ty Honeywell, Mỹ để sản xuất 300.000 tấn nhiên liệu mỗi năm.
Tập đoàn Hóa dầu Quốc gia Trung Quốc Sinopec cũng đã bán xuất nhiên liệu sinh học cho máy bay cho châu Âu sau khi đưa loại nhiên liệu này phục vụ các chuyến bay quốc tế chở khách sang châu Âu.
Các hãng bay China Eastern Airlines, China Southern Airlines, Air China ngày càng gia tăng dùng nhiên liệu sinh học từ dầu cống rãnh này.
Sau Mỹ, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc trở thành nước thứ 4 có công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học hàng không sinh học độc lập này.
Vấn đề phát thải thực phẩm
Mô hình kinh doanh của Jinshang là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn ở Trung Quốc nhằm giải quyết hàng núi rác thải thực phẩm do dân số 1,4 tỷ người tạo ra.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Nature, khoảng 350 triệu tấn nông sản - hơn 1/4 sản lượng hàng năm bị lãng phí trong nước mỗi năm, do các nhà hàng, siêu thị hoặc người tiêu dùng vứt bỏ.
Tại các bãi chôn lấp, chất thải thực phẩm thối rữa thải ra khí metan làm nóng bầu khí quyển nhanh hơn hầu hết các vật liệu khác, theo cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ.
Đây là một vấn đề đau đầu đối với các thành phố của Trung Quốc và là mối đe dọa lớn đối với các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Bắc Kinh tuyên bố sẽ giải quyết trong kế hoạch phát thải khí mê-tan gần đây, kêu gọi xây dựng các dự án xử lý chất thải thực phẩm sáng tạo trên khắp đất nước trong vài năm tới.
Tại Thượng Hải, các cơ sở xử lý rác thải đô thị đã sử dụng ruồi lính đen để biến hàng tấn rác thải thực phẩm mỗi năm thành phân bón và thức ăn chăn nuôi.
Trung Quốc tiêu thụ nhiều dầu ăn nhất thế giới, hơn 41 triệu tấn mỗi năm. Trong số này có chưa tới 3 triệu tấn được chế biến thành dầu sinh học. Từ chỗ tốn kém trong xử lý dầu thải, việc sử dụng dầu thải làm nguyên liệu chế biến thành dầu sinh học phục vụ cho máy bay đã mở ra một triển vọng rất lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Gần đây, châu Âu thúc đẩy ứng dụng loại nhiên liệu sạch này. Lãnh đạo PetroChina tại London cho biết, trong những năm gần đây, hợp tác xanh trở thành điểm sáng trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU.
(Nguồn: CNA)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp