05/07/2018 12:13
Công bố chỉ số xếp hạng ứng dụng Chính phủ Điện tử: Cả Hà Nội và TP.HCM không có mặt trong top 3
Huế là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai chính phủ điện tử, tiếp sau là Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và TP.HCM, Hà Nội xếp thứ 12.
Hà Nội xếp thứ 12 trong danh sách này. Nhìn chung, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh chưa cao, khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển chính phủ điện tử hiện nay cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh gắn kết chặt chẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử với cải cách thủ tục hành chính. |
Đây là một trong những nội dung quan trọng được công bố trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018, diễn ra sáng nay (5/7) do Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và công ty IDG Vietnam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội.
Nhiều điểm đáng lưu ý
Công bố Báo cáo Đánh giá và Xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam 2017, ông Nguyễn Quang Đồng -- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã chỉ ra nhiều điểm đáng chú ý.
Ở hạng mục xếp hạng cấp Bộ và cơ quan ngang Bộ, việc cung cấp dịch vụ công của các Bộ và cơ quan ngang Bộ chỉ ở mức trung bình với tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 46,06%. Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến.
Tỉ lệ các Bộ, cơ quan ngang Bộ phân theo các mức Tốt (chỉ số đạt từ 0,8 trở lên), Khá (chỉ số đạt từ 0,65 đến dưới 0,8) và Trung bình (chỉ số đạt dưới 0,65) về Chỉ số tổng hợp được thể hiện tại biểu đồ.
Xếp hạng Chỉ số tổng hợp mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2017. |
Ở hạng mục Cơ quan thuộc chính phủ, bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CPĐT trong các cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo đánh giá của đơn vị chủ trì thực hiện, do mỗi cơ quan thuộc Chính phủ có đặc thù chuyên môn riêng nên mức độ phát triển CPĐT của từng cơ quan là khác nhau, nhưng về tổng thể, các cơ quan đều đã quan tâm, triển khai hiệu quả CPĐT để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành cũng như để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.
Chỉ số đánh giá tổng thể mức độ phát triển CPĐT của các cơ quan thuộc Chính phủ năm 2017 được thể hiện tại biểu đồ sau:
(*) Ghi chú: Năm 2017, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không gửi báo cáo nên không có số liệu. |
Ở hạng mục Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Huế là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai CPĐT. Tiếp sau đó và Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Nhìn chung, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh chưa cao. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển CPĐT hiện nay cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm.
Các tình thành trong top 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ số tổng hợp mức độ phát triển Chính phủ điện tử cao trong năm 2017. |
Đề xuất tăng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thiết yếu
Về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng phát triển CPĐT tại các tỉnh. Số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến năm 2017 tại các tỉnh chỉ chiếm 11,54% tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Điều này dẫn đến việc số lượng hồ sơ trực tuyến tại một số tỉnh còn rất thấp so với số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 của tỉnh.
Chỉ số Hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của top 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ năm 2017. |
"Quy mô dân số là yếu tố chính quyết định đến số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến của tỉnh. Ngoài ra, các yếu tố khác, đặc biệt là mức độ thành thạo công nghệ kỹ thuật số cũng đóng vai trò lớn trong tổng số hồ sơ giải quyết. Trái ngược với dự đoán, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 không thể hiện quá nhiều đóng góp cho tổng số hồ sơ giải quyết trực tuyến", ông Nguyễn Quang Đồng cho biết.
Do chịu tác động của quy mô dân số, số lượng dịch vụ công trực tuyến, mức độ thành thạo công nghệ kỹ thuật số,… nên số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến không có ý nghĩa so sánh hoạt động giữa các tỉnh.
Đặc biệt, tại báo cáo, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng đề xuất tăng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thiết yếu.
"Việc tập trung phát triển và đưa lên mức độ 3, 4 những dịch vụ hành chính công cần thiết cho người dân như đăng ký khai sinh, khai tử; đăng ký đất đai… sẽ có xu hướng làm tăng số lượng hồ sơ trực tuyến được giải quyết trong năm của tỉnh, đặc biệt là với các địa phương có số lượng hồ sơ giải quyết dưới 8000 hồ sơ/năm.
Các tỉnh nên tập trung phát triển và nâng lên mức độ 3, 4 các dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Dựa trên thống kê về tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trong tỉnh, các địa phương nên xây dựng một hệ thống các dịch vụ công thiết yếu. Các dịch vụ trong danh sách này cần đảm bảo 2 nguyên tắc: Sự cần thiết đối với người dân, được lượng hóa thông qua tỷ lệ tổng số hồ sơ nộp trong năm; và Khả năng nâng cấp độ dịch vụ lên mức độ 3 và 4", ông Quang Đồng nói.
Theo đó, ông Đồng cũng lưu ý các tỉnh cần xây dựng hệ thống dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 phù hợp với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh nhằm tránh gây lãng phí ngân sách và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, báo cáo lần này chưa đánh giá được chính xác tác động của mức độ sử dụng thành thạo Internet của người dân đến số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến trong năm. Giữa các tỉnh hiện nay có sự khác biệt về trình độ của người dân trong việc sử dụng CNTT. Người dân các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhìn chung sẽ có khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tốt hơn nhiều các tỉnh như Cao Bằng hay Cà Mau.
Thế nhưng việc thiếu một phương pháp đánh giá chính xác về mức độ thành thạo công nghệ kỹ thuật số tại Việt Nam nên nhóm nghiên cứu đã đưa ra quyết định bỏ chỉ tiêu này khỏi đánh giá năm nay.
Được biết, báo cáo Đánh giá và Xếp hạng chính phủ điện tử Việt Nam 2017 được thực hiện bởi Hội Truyền thông số Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông chủ trì về mặt kỹ thuật và phương pháp thực hiện nhằm đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong việc phát triển chính phủ điện tử; quản lý, triển khai điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các Bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2017 thông qua việc xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương.
Với quan điểm chính quyền điện tử là cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, Báo cáo tập trung vào yếu tố cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân. Báo cáo năm 2017 đi sâu vào phân tích chỉ số thể hiện kết quả của quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến – số lượng hồ sơ trực tuyến được giải quyết, đặc biệt là ở hạng mục các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp