Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu 'vua' chưa hết áp lực

Chứng khoán

05/12/2022 08:02

Cổ phiếu ngân hàng năm 2022 chịu nhiều áp lực, dù giá đã giảm mạnh theo thị trường chung và kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm vẫn khả quan.

Giá giảm 50 - 60%

Thị trường chứng khoán năm 2022 có diễn biến giảm mạnh kể từ quý II. VN-Index sau khi dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm trong quý I đã lùi xuống gần 900 điểm vào giữa tháng 11, giảm khoảng 40%. 

Trong đó, nhiều cổ phiếu mất 60 - 80% giá trị. Ngay cả nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn được coi là cổ phiếu “vua” cũng có mức giảm giá 50 - 60% so với giai đoạn đầu năm như EIB, STB, TCB, MBB, ACB, KLB..., một số mã còn lùi xuống dưới mệnh giá như VAB, VBB, BVB, NAB.

Không ít nhà đầu tư “ôm” cổ phiếu nhà băng trong quý đầu năm 2022, thực hiện bắt đáy hay mua bình quân giá trong các nhịp sụt giảm, đến nay đều không tránh khỏi thua lỗ.

Một nhà đầu tư cho biết, anh chủ yếu đầu tư vào ngành ngân hàng, kết quả kinh doanh khả quan của ngành này cũng không kìm được đà giảm giá của cổ phiếu. Từ đầu năm 2022 đến nay, kết quả đầu tư lỗ khoảng 30%.

“Dù năm ngoái giá tăng mạnh, nhưng không ngờ thị trường nói chung, cổ phiếu ngân hàng nói riêng trong năm nay lại liên tục lao dốc. Mức lỗ của tôi thấp hơn đa số nhà đầu tư khác, vì tôi không mua tất tay ngay từ đầu, mà mua trung bình giá trong các đợt sụt giảm và trước đó có 1 - 2 lần cắt lỗ. Mức định giá đang thấp nên tôi cố gắng gồng lỗ, chờ giá hồi phục”, nhà đầu tư trên chia sẻ.

Cổ phiếu 'vua' chưa hết áp lực - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài

Cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng vào cổ phiếu “vua” là lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn tích cực trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Nửa đầu năm 2022, lợi nhuận của hầu hết nhà băng đều tăng trưởng, nhất là nhóm quy mô lớn, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 60% kế hoạch cả năm. Kết quả kinh doanh quý III nhìn chung tiếp tục ghi nhận những con số khả quan và quý IV có khả năng duy trì đà tăng, bởi đây là mùa kinh doanh của ngành.

Theo Công ty Chứng khoán ACB, lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 có diễn biến tăng, nhưng lãi suất cho vay cũng dần được nâng lên do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế ở mức cao. Hoạt động thu nhập ngoài lãi như thanh toán, kinh doanh ngoại hối, phân phối bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng đầu tư được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho rằng, định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn, nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi xu hướng lãi suất và diễn biến trên thị trường quốc tế, nhất là động thái chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. 

Trong nước, áp lực lạm phát có thể sẽ kéo dài sang nửa đầu năm 2023, nên nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản vẫn sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ. Hoạt động cho vay mua nhà dự kiến giảm tốc do nguồn cung nhà ở mới hạn chế và lãi suất cho vay mua nhà không còn hấp dẫn như trước. Xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm tốc từ quý IV/2022. Nợ xấu ngân hàng có dấu hiệu tăng...

Áp lực nợ xấu tăng

Mức tăng của lãi suất huy động diễn ra trước và cao hơn mức tăng lãi suất cho vay, một số ngân hàng đưa lãi suất lên 10%/năm dành cho kỳ hạn trên 1 năm và lãi suất suất 9%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Theo đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, biên lãi ròng toàn ngành ngân hàng sẽ thu hẹp trong thời gian tới, dù tác động không giống nhau cho từng ngân hàng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI duy trì quan điểm, các ngân hàng phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản suy giảm trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là áp lực tương đối lớn. Thực tế, trong thời gian gần đây, các công ty bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh, điều này có thể sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ. Một số doanh nghiệp đã yêu cầu hoãn thanh toán gốc và lãi.

Đáng lưu ý, tổng số trái phiếu doanh nghiệp sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện đang lưu hành vào khoảng 945.000 tỷ đồng. Trong đó, 27% số trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024, 12% đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này đang nằm trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, không bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân nhưng có bảo lãnh thanh toán.

Trong 2 nhóm chủ thể phát hành trái phiếu nhiều nhất có các doanh nghiệp địa ốc và không ít chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt với khó khăn vì lượng hàng tồn kho tăng, doanh số bán hàng giảm và chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số lô trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn (từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023), kéo nợ xấu gia tăng.

Mặc dù nỗ lực kiểm soát, thu hồi nợ, song trước khó khăn của thị trường, nhất là bất động sản đang trong tình trạng ảm đạm, các ngân hàng không dễ phát mại tài sản bảo đảm. Vì thế, các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, khiến lợi nhuận giảm.

Thực tế, khi Thông tư 14/2021-TT/NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ tháng 6/2022, nhiều ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu nên lợi nhuận sẽ không chịu áp lực từ vấn đề này. 

Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục phân hóa giữa các ngân hàng, tùy tính chất tệp khách hàng của từng ngân hàng và tác động của kinh tế vĩ mô lên các nhóm khách hàng. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa và khách hàng cá nhân thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn trong điều kiện lãi suất và lạm phát có xu hướng tăng.

Cập nhật các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022, hầu hết đều có nợ xấu gia tăng trong 9 tháng đầu năm 2022. Phía ngân hàng cho biết, nguyên nhân nợ xấu tăng một phần do chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14/2021-TT/NHNN hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.

Báo cáo mới đây của WiGroup cho thấy, tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2022 có quý thứ tư tăng liên tiếp, lên mức 1,6%, chủ yếu đến từ các khoản nợ có khả năng mất vốn, tăng hơn 30.000 tỷ đồng (tăng 70%) so với đầu năm nay. Ngược lại, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn 141%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các ngân hàng phát mại tài sản bảo đảm trong bối cảnh hiện nay cũng gặp khó khăn vì tài sản đảm bảo đa phần là bất động sản, trong khi thị trường này đang trầm lắng. Vì thế, nợ xấu ngân hàng sẽ chịu áp lực tăng khi giá bất động sản giảm và áp lực thanh khoản của các doanh nghiệp trong ngành tăng cao vào cuối năm.

Vì thế, dù định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng theo P/B (1,4x) đang ở dưới mức trung bình 5 năm (2x) - vùng giá hấp dẫn để đầu tư, nhưng theo nhận định của TS. Trần Hùng Sơn, Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc Gia TP.HCM), lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021. 

Động lực tăng trưởng của nhóm ngành này cũng giảm khi dư địa tăng trưởng tín dụng năm 2022 không còn nhiều và biên lãi ròng chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng và có độ trễ.

THÙY VINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement