05/06/2022 18:34
Cổ phiếu khuyến nghị 6/6: PTB, SZC, OCB, BID, TPB, VOS, KDH
PTB, SZC, OCB, BID, TPB, VOS, KDH là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 6/6, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị PTB: Khả quan
CTCK VNDirect (VND): CTCP Phú Tài (mã PTB) công bố doanh thu quý I/2022 đạt 1.696 tỷ đồng (tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận ròng 145 tỷ đồng (tăng 43%), hoàn thành 21,2% và 23,3% dự phóng cả năm.
Doanh thu từ gỗ tăng 18% lên 952 tỷ đồng nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Mỹ. Doanh thu từ đá giảm 1,4% do nhu cầu trong nước phục hồi chậm và COVID-19 đã trì hoãn việc mở rộng công suất của PTB. Doanh thu phân phối ô tô tăng 27,9%, đạt 261 tỷ đồng nhờ hưởng lợi từ chính sách thuế trước bạ. Ngoài ra, PTB ghi nhận 147 tỷ đồng doanh thu từ PT Residence trong quý I/2022.
Mặc dù có nguy cơ sụt giảm doanh thu do nhu cầu nhà ở tại Mỹ chững lại, nhưng nhu cầu khách hàng của PTB vẫn ở mức cao trong 4 tháng năm 2022. Hiện tại, PTB đã nhận được đơn đặt hàng của khách hàng để giao hàng đến hết tháng 9/2022. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của PTB sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 22 so với quý I/2022 do giảm giá gỗ nguyên liệu và tính kinh tế theo quy mô.
Nhìn chung, chúng tôi phóng biên lợi nhuận gộp của PTB sẽ đạt 22,0% trong năm 2022 (-0,4 điểm %). Ngoài ra, nhà máy Phù Cát 3 dự kiến sẽ khánh thành vào quý IV/2022 và đi vào chạy thương mại vào quý I/2023, nâng tổng công suất sản xuất gỗ của PTB lên 102.000 m3/năm vào năm 2023 (tăng 21% so với năm 2022). Chúng tôi dự phóng mảng gỗ của PTB sẽ đạt 4.056 tỷ đồng (tăng 18,2)/ 4.783 tỷ đồng (tăng 17,9%) trong năm 2022/2023.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 93.700 đồng. Chúng tôi thay đổi định giá nhờ áp dụng trên mức trung bình lợi nhuận ròng năm 2022-2023 cho mỗi mảng hoạt động nhằm thể hiện mức giá mục tiêu trong tầm nhìn 1 năm.
Chúng tôi vẫn ưu tiên PTB cho danh mục đầu tư năm 2022 nhờ (1) tăng trưởng doanh thu 2022-2023 của cả mảng gỗ (tăng 18,2%/17,9%) và mảng đá (tăng 31,4%/tăng 31,1%), (2) việc bàn giao các dự án căn hộ còn lại trong 2022, và (3) lợi nhuận từ các mảng kinh doanh chính có thể duy trì mức tăng trưởng hai con số 15,7%/30,4% trong 2022-23.
Tiềm năng tăng giá là thị trường nhà ở Mỹ tăng trưởng mạnh sẽ thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ nội thất của PTB. Rủi ro giảm giá gồm chi phí logistic và nguyên liệu gỗ cao hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của PTB và việc Mỹ điều tra mặt hàng tủ gỗ nhập từ Việt Nam có thể ảnh hưởng đến doanh thu mảng gỗ của PTB.
Khuyến nghị SZC: Khả quan với giá mục tiêu 81.100 đồng/CP
CTCK VNDirect (VND): CTCP SONADEZI Châu Đức (mã SZC) công bố doanh thu quý I/2022 đạt 277,3 tỷ đồng (tăng 55,6% so với cùng kỳ) nhờ doanh thu khu công nghiệp tăng mạnh (tăng trưởng 56,3%) khi nhu cầu thuê tăng cao ở miền Nam. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm 23,3 điểm % do giá đất bồi thường tại dự án khu công nghiệp Châu Đức tăng 100%, khiến cho giá vốn hàng bán tăng 146,7%. Do đó, lợi nhuận ròng giảm 5,3% xuống 75,3 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 12,8% dự phóng cả năm của chúng tôi.
Từ tháng 3/2022, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã dừng phê duyệt phương án đền bù đất để chờ điều chỉnh giá đất mới. Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp mảng bất động sản khu công nghiệp năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng chi phí đền bù đất. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng SZC sẽ đứng vững trước những khó khăn và tăng trưởng mạnh ở hai mảng kinh doanh cốt lõi: chúng tôi kỳ vọng doanh thu bất động sản khu công nghiệp/bất động sản dân cư năm 2022 sẽ tăng lần lượt 0,7%/100%. Nhìn chung, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng 16,4% so với năm trước, lên 377 tỷ đồng.
Chúng tôi điều chỉnh hạ doanh thu 2022/23 xuống lần lượt 15,5%/13,6% so với dự báo trước đó do chúng tôi lo ngại về việc giải phóng mặt bằng khu công nghiệp có thể chậm hơn dự kiến. Do chi phí bồi thường cao hơn, chúng tôi hạ dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2022/23 lần lượt giảm 11,6/7,3 điểm % so với dự báo trước đó. Do đó, chúng tôi điều chỉnh lợi nhuận sau thuế năm 2022/23 giảm 35,9%/26,0% so với dự báo trước đó.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 81.100 đồng/cp theo phương pháp định giá từng phần. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, tuy nhiên chúng tôi tự tin về kết quả kinh doanh của SZC nhờ 1) khu công nghiệp Châu Đức có vị trí cạnh tranh tại Bà Rịa – Vũng Tàu; 2) đà tăng giá thuê khu công nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu; 3) giai đoạn 2 của Sonadezi Hữu Phước mở bán nửa đầu 2022 sẽ tiếp tục được hưởng lợi giá tăng và đạt tỷ lệ hấp thụ cao.
Khuyến nghị OCB: Khả quan
CTCK VNDirect (VND): Chúng tôi hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông từ khả quan xuống trung lập, và điều chỉnh giảm 28,2% giá mục tiêu 1 năm xuống 23.200 đồng/cp.
Giá mục tiêu mới của chúng tôi phản ánh môi trường lãi suất tăng và rủi ro tín dụng tiềm tàng từ các khoản dư nợ của Tập đoàn FLC và trái phiếu doanh nghiệp, và rủi ro gia tăng từ các khoản dư nợ tái cấu trúc thuộc ngành xây dựng và bất động sản.
Kết quả kinh doanh quý I/2022 kém khả quan, lợi nhuận trước thuế giảm 34,5% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi ròng (NII) tăng mạnh 22% nhờ tăng trưởng tín dụng +5,9% so với đầu năm, nhưng không đủ bù đắp mức giảm 50% so với cùng kỳ của thu nhập ròng ngoài lãi và chi phí tín dụng tăng gấp đôi.
Mặc dù OCB đã thu được 400 tỷ đồng từ Tập đoàn FLC trong tháng 5, các khoản dư nợ của tập đoàn này vẫn chiếm khoảng 1,9% tổng dư nợ tín dụng của OCB tại thời điểm cuối quý I/2022. Mặt khác, số dư trái phiếu doanh nghiệp chiếm 3,6% tổng tín dụng, một tỷ trọng khá cao so với các Ngân hàng cùng cấp.
Khuyến nghị BID: Trung lập
CTCK SSI (SSI): Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID – sàn HOSE) đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý I/2022, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời đều cải thiện, với chất lượng tín dụng được quản lý tốt. Cả năm 2022, chúng tôi ước tính ngân hàng có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tăng 52% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ giảm gánh nặng dự phòng (giảm 19%). ROE do đó có thể tăng lên 16% (từ 9-13% trong 3 năm qua).
Mặc dù vậy, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của BID vẫn chịu giới hạn bởi nguồn vốn (CAR khoảng 9%), trong khi hoạt động dịch vụ hiện tại đang thiếu động lực tăng trưởng chủ lực. Mặc dù ngân hàng đang xem xét về cấu trúc sở hữu liên quan đến mảng bảo hiểm nhân thọ (BIDV MetLife), chúng tôi cho rằng việc này có thể chưa sớm hoàn thành (ít nhất trong năm 2022).
Với giá mục tiêu 1 năm điều chỉnh là 41.200 đồng/cp (từ 42.300 đồng/cp), chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập đối với BID.
Khuyến nghị TPB: Mua với giá mục tiêu 39.400 đồng/CP
CTCK Phú Hưng - PHS: Kết thúc Q1/2021, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE - Mã: TPB) đạt 2.831 tỷ đồng (+25%YoY), chiếm 78% Tổng thu nhập hoạt động (TOI), trong khi thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 47%YoY đạt 784 tỷ đồng, chiếm 22%TOI, qua đó đưa LNST tăng 14%YoY lên 1.299 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng Q1/2022 đạt 11%YTD, thuộc top 25% ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh nhất. Trong đó, dư nợ Cho vay tăng 6,12%YTD lên 149.875, đóng góp 49% vào tăng trưởng tín dụng, tập trung ở dư nợ bán lẻ tăng 11,9%YTD lên 88.581 tỷ đồng (chiếm 59,1% Tổng dư nợ).
Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 48,4%YTD lên 27.634 tỷ đồng, chiếm 9,1% Tổng tài sản và đóng góp 51% vào tăng trưởng tín dụng. Năm 2022, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Ngân Hàng Nhà Nước, TPB dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 18%.
Điểm nhấn đầu tư
Chiến lược chuyển đổi số toàn diện gia tăng lợi thế cạnh tranh. Ngân hàng đã chuyển đổi số tất cả các mảng hoạt động một cách toàn diện và chuyên sâu góp phần giúp tổng tài sản đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2018-2021 là 29%.
Ngân hàng trên đà tăng trưởng nhờ chiến lược kinh doanh hiệu quả. Khả năng cải thiện NIM (2,3% trong năm 2015 lên 4,36% trong năm 2021) được hỗ trợ bởi định hướng chiến lược tập trung cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và số hóa ngân hàng trong nhiều năm qua.
PHS ước tính thận trọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 của TPB sẽ đạt 20,7% nhờ động lực phục hồi của nền kinh tế và hệ thống LiveBank, nền tảng số hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, với mục tiêu tăng thêm 3 triệu khách hàng mới trong năm 2022 và tăng tỷ lệ hoạt động ít nhất 10%.
PHS cho rằng lãi suất cho vay giảm nhưng lãi suất huy động có xu hướng tăng, gia tăng áp lực lên hoạt động ngân hàng, qua đó ước tính NIM năm 2021 của TPB sẽ giảm 50 bps còn 3,86%.
Nhờ sự hỗ trợ của chiến lược chuyển đổi số toàn diện, phát triển hệ sinh thái sản phẩm trên nền tảng số và hợp đồng phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kéo dài 15 năm với Sunlife có giá trị ước tính là 1.700 tỷ đồng, PHS ước tính thu nhập ngoài lãi năm 2022 của TPB tăng trưởng 35%YoY lên 4.813 tỷ đồng.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu TPB là 39.400 đồng/cp. Khuyến nghị: Mua đối với cổ phiếu TPB.
Rủi ro: Áp lực từ lạm phát có thể ảnh hưởng tới hoạt động của TPB trong năm nay.
Khuyến nghị VOS: Mua với giá trị hợp lý năm 2022 là 19.000 đồng/CP
CTCK BIDV - BSC: Quý 1/2022, CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE - Mã: VOS) ghi nhận doanh thu đạt 402 tỷ đồng (+58% yoy), lợi nhuận sau thuế đạt 56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt -19 tỷ đồng nhờ i) giá cước hàng khô tiếp tục ở mức cao trong Quý 1/2022, ii) đóng góp mới từ 2 tàu dầu Đại An và Đại Phú.
Biên lợi nhuận gộp đạt 24%, giảm mạnh so với mức 38% trong Quý 4/2022 do i) giá cước hàng khô trong Quý 1 thấp hơn so với Quý 4/2022, ii) 4/7 tàu của VOS lên đà sửa chữa trong Quý 1, do đó, chỉ đóng góp doanh thu 1.5/3T.
Cho năm 2022, BSC dự báo VOS ghi nhận doanh thu đạt 1.944 tỷ đồng (+37% yoy), lợi nhuận sau thuế đạt 434 tỷ đồng (-11% yoy), EPS FW 2022 =3.103, tương ứng với mức P/E FW 2022 = 5,2, dựa trên các giả định chính sau: Giá cước bình quân tăng +30% so với năm 2021 do giá cước thế giới neo cao; Sản lượng luân chuyển đạt 17.130 triệu tấn.km (+8% yoy) nhờ hưởng lợi từ i) sản lượng luân chuyển toàn cầu tăng nhẹ, ii) đóng góp mới từ 2 tàu dầu; Chi phí lãi vay đạt 78 tỷ đồng (-30% yoy) nhờ nợ vay giảm đáng kể (690 tỷ đồng) trong năm 2021.
Hoạt động kinh doanh vận tải của VOS vẫn tích cực nhờ giá cước hàng khô tiếp tục neo cao trong năm 2022.
Theo đó, BSC khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VOS với giá trị hợp lý năm 2022 là 19.000 đồng/cp, tương đương Upside 17% so với giá đóng cửa ngày 03/06/2022, dựa trên phương pháp P/E với P/E mục tiêu 2022 = 6,1x.
Mặc dù LNST VOS năm 2022 dự báo đạt 434 tỷ đồng (-11% yoy) do mức nền cao từ ghi nhân doanh thu 1 lần năm 2021, tuy nhiên, BSC cho rằng cổ phiếu VOS vẫn được định giá lại do hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn khả quan nhờ giá cước hàng khô duy trì ở mức cao.
Khuyến nghị KDH: Duy trì khả quan với giá mục tiêu 52.400 đồng/CP
CTCK VNDirect - VND: CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE - Mã: KDH) ghi nhận doanh thu Q1/22 sụt giảm 82,9% svck còn 142,7 tỷ đồng do ít dự án bất động sản bàn giao. Tuy nhiên, LN ròng Q1/22 tăng mạnh 46,0% svck lên 299,5 tỷ đồng nhờ khoản thu nhập bất thường 308 tỷ đồng từ đánh giá lại tại Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên, hoàn thanh 20,4% dự phóng cả năm của VND.
VND nhận thấy ngành bất động sản (BĐS) đang đối mặt với nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng ngành, gồm: 1) lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, 2) giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở và 3) thắt chặt các khoản vay ngân hàng ở lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên, VND cho rằng KDH có quỹ sản phẩm sẵn sàng bán lớn và bảng cân đối tài chính lành mạnh sẽ vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong 2022-24.
KDH dự kiến mở bán dự án Classia (176 căn thấp tầng) vào năm 2021 nhưng do dịch bệnh bùng phát đã hạn chế các hoạt động xây dựng và gây ra sự chậm trễ trong việc ra mắt dự án này. Giá trị chưa ghi nhận của KDH tính đến T5/22 chỉ tương đương khoảng 5-10% doanh thu BĐS năm 2022 VND dự phóng trước đó. Bên cạnh đó, ngành BĐS cũng đang nổi lên nhiều thách thức, VND thận trọng điều chỉnh dự báo LN ròng năm 2022-23 giảm 13,8%/23,2% so với dự phóng trước còn 1.471 tỷ đồng (+22,4% svck)/1.823 tỷ đồng (+23,9% svck).
Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn 52.400 đồng/cp. VND điều chỉnh giá mục tiêu KDH giảm 4,4% so với cập nhật trước do doanh số ký bán thấp hơn dự kiến. Cổ phiếu KDH đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh vào đầu 2022; VND nhận thấy cơ hội tích lũy doanh nghiệp BĐS có bảng cân đối tài chính lành mạnh và triển vọng tăng trưởng LN ròng ổn định. Tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn đến từ giá bán trung bình cao hơn dự kiến tại các dự án Classia, Clarita, và 158 An Dương Vương; luận điểm đầu tư trung và dài hạn phụ thuộc vào việc liệu KDH có thể xử lý các vấn đề pháp lý nhằm ra mắt dự án Tân Tạo. Rủi ro giảm giá là 1) việc xin cấp phép mở bán cho các dự án mới chậm hơn dự kiến và 2) giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp