02/06/2022 18:32
Cổ phiếu khuyến nghị 3/6: VPB, FPT, CTG, PNJ, PTB, MBB, PC1
VPB, FPT, CTG, PNJ, PTB, MBB, PC1 là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 3/6, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị VPB: Mua với giá mục tiêu 57.100 đồng/CP
CTCK MB (MBS): Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB – sàn HOSE) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ toàn diện.
Ngoài kế hoạch lợi nhuận trước thuế 29.662 tỷ đồng (tăng 107% so với thực hiện 2021), tăng trưởng tín dụng mục tiêu năm 2022 của ngân hàng là 35%, trong đó động lực chủ yếu đến từ mảng cho vay bán lẻ bao gồm khách hàng cá nhân và SME của ngân hàng mẹ. Chúng tôi cho rằng điều này hoàn toàn có cơ sở khi mà hiện tại mức CAR của ngân hàng này đã đạt 15,3% vào cuối quý I/2022 và đạt tăng trưởng tín dụng hơn 8,6% trong quý.
Tăng trưởng vững chắc từ các khối chiến lược trong bối cảnh quy mô và trải nghiệm khách hàng được nâng cao nhờ chuyển đổi số. Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ tại ngân hàng mẹ đạt 10,3% đóng góp chủ yếu từ các khối chiến lược (RB và SMEs) song hành cùng tăng trưởng huy động 11,5%, giúp đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn thanh khoản.
Chuyển đổi số được xem là yếu tố then chốt trong quá trình tăng trưởng vượt bậc của các khối RB và SMEs, giúp ngân hàng này không chỉ gia tăng nhanh chóng quy mô tập khách hàng mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hiện nay, tổng số khách hàng VPBank (cả ngân hàng mẹ và các công ty con) đã cán mốc gần 20 triệu khách hàng. Số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ qua kênh số hóa trong quý 1 đạt 90%, tăng 13% so với thời điểm cuối năm 2021. Ngoài ra, việc liên tiếp cho ra đời các sản phẩm số hóa mang tính sáng tạo đã giúp gia tăng đáng kể trải nghiệm người dùng với các dịch vụ số hóa của ngân hàng.
Mảng cho vay tiêu dùng bước đầu hồi phục và đóng góp vào kết quả kinh doanh chung. Trong quý I/2022, ước tính FE Credit đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng dương so với cuối năm 2021 và đóng góp 6% trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank.
FE Credit có cơ sở vững vàng để hoàn thành kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng trong năm 2022 bên cạnh việc ghi nhận các khoản hoàn nhập dự phòng trong năm 2021 khi các khoản nợ của người đi vay dần được cải thiện trong điều kiện nền kinh tế hồi phục, đồng thời tăng trưởng tín dụng của công ty tài chính số 1 Việt Nam cũng sẽ bứt phá trong năm nay khi nhu cầu bị nén lại khá nhiều do đại dịch.
Thu nhập ngoài lãi tăng đột biến nhờ khoản phí hỗ trợ từ hợp đồng banca với AIA. Kết quả kinh doanh quý I/2022 của VPBank có nhiều điểm nhấn, trong đó phải kể đến việc ghi nhận khoản phí hỗ trợ từ hợp đồng bancassurance với AIA giúp thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Điều này không chỉ giúp gia tăng kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022, mà còn cho thấy cam kết cao của VPBank trong việc cung cấp toàn diện các dịch vụ tài chính tới khách hàng của mình.
Kể từ khi ký kết thỏa thuận lần đầu năm 2017, VPBank luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất và trong quý I vừa qua đang đứng thứ 6 toàn thị trường. Cho đến nay, hoạt động phân phối bảo hiểm AIA đã được triển khai ở 237 chi nhánh của VPBank.
Duy trì hiệu quả hoạt động hàng đầu ngành. Hiệu quả hoạt động tiếp tục là yếu tố nổi bật trong kết quả kinh doanh quý I/2022 của VPBank khi đạt mức thấp kỷ lục 16,4%. Điều này đạt được nhờ đóng góp của khoản phí hỗ trợ từ hợp đồng bancassurance giúp TOI tăng trưởng mạnh. Nếu loại bỏ khoản phí ghi nhận một lần này, CIR hợp nhất đạt 23.4%, tương đương với mức thấp trong quý IV/2021. Điều này cho thấy VPBank vẫn duy trì hiệu quả hoạt động rất cao so với các ngân hàng khác và sẽ tiếp tục tối ưu CIR thông qua số hóa và tự động hóa.
Chúng tôi dự phóng mức CIR của ngân hàng sẽ đạt 24,5% trong năm 2022 với kỳ vọng ngân hàng gia tăng mạnh OPEX trong năm nhằm thực hiện chiến lược mở rộng các mảng kinh doanh. Ngoài ra, ROA và ROE cũng tăng trưởng mạnh lên mức 3,9% và 26% trong quý I/2022 so với mức chỉ 2,5% và 19,8% của năm 2021.
Chúng tôi định giá cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 57.100 đồng/CP dựa trên 2 phương pháp thu nhập thặng dư (RI) và định giá tương đối (so sánh P/B và P/E). Chúng tôi sử dụng chi phí sử dụng vốn cổ phần (Re) ở mức 13,5% cho phương pháp RI và mức P/B 2.0x cũng như P/E 11.8x cho phương pháp định giá tương đối (so sánh P/B và P/E).
Chúng tôi lặp lại khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 57.100 đồng/CP (tăng 71,5% upside) dựa trên: (i) kế hoạch kinh doanh tham vọng từ nền tảng vốn tăng trưởng mạnh mẽ; (ii) thu nhập ngoài lãi tăng đột biến nhờ khoản phí hỗ trợ từ hợp đồng banca với AIA; (iii) mảng cho vay tiêu dùng hồi phục mạnh mẽ và đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung; (iv) hiệu quả hoạt động được nâng lên tầm cao mới; (v) quy mô và trải nghiệm khách hàng được nâng cao nhờ chuyển đổi số.
Khuyến nghị FPT: Mua với giá mục tiêu 137.800 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Quý I/2022, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) có mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 9.730 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối Công nghệ tăng 34,6%; khối Viễn Thông tăng 18,7% và khối giáo dục & Đầu tư tăng 31,8%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.539 tỷ đồng, tăng 33,7%.
Doanh thu ký mới tháng 4/2022 của khối dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đạt 9.018 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý I/2022, số lượng khách hàng lớn mới tiếp tục gia tăng với nhóm doanh thu trên 500 nghìn USD, tăng 30,6% và nhóm doanh thu trên 1 triệu USD, tăng 47,6%.
FPT đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm 2022 với doanh thu khối công nghệ, viễn thông và giáo dục lần lượt tăng 21,1%, 14,8% và 32,5%. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch 2022 đạt 7.618 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm ngoái. Chi phí đầu tư dự kiến là 4.000 tỷ trong năm 2022.
Đại hội cổ đông thường niên 2022 thông qua phương án phân phối lợi nhuận cho năm 2021 bao gồm: (1) Chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%; (2) Chi cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, thời gian chi trả cùng với đợt chi trả cổ tức tiền mặt.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT, giá mục tiêu là 137.800 đồng/CP, cao hơn 23,3% so với giá tại ngày 01/06/2022.
Khuyến nghị CTG: Khả quan
CTCK Vietcombank (VCBS): Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng đầu năm tăng tốt, hiện CTG đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao cho năm 2022 là 10%. Chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng của CTG đạt 12% trong năm 2022 do hệ số CAR ở mức thấp chỉ khoảng 9%. Do chưa có kế hoạch phát hành để huy động thêm vốn chủ sở hữu, CTG sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì khả năng tăng trưởng tín dụng cao trong các năm tới.
Bên cạnh đó, tăng trưởng thu nhập ngoài lãi nhờ hoạt động bancasurance với Manulife. Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết, phí trả trước sẽ được ghi nhận trong 5 năm bắt đầu từ năm nay, tương đương với khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm theo ước tính của chúng tôi.
Ngoài ra, Ban lãnh đạo CTG chia sẻ, hiện Ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn hoặc gia tăng vốn tại các công ty con theo Đề án tái cơ cấu, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái gồm 9 công ty con cung cấp các dịch vụ tài chính chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ, chuyển tiền... Trong đó, thương vụ thoái vốn Vietinbank Leasing vẫn đang trong quá trình đàm phán với đối tác để đảm bảo pháp lý và hiệu quả thoái vốn
Rủi ro nợ xấu: Trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi sau dịch, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu của CTG vẫn duy trì ở mức cao là yếu tố cần được theo dõi. Trong trưởng hợp các khoản dư nợ này chuyển thành nợ xấu sẽ khiến cho chi phí trích lập tiếp tục tăng lên vượt mức 15.000 tỷ đồng theo như kế hoạch trước đó.
Biên lãi ròng NIM thu hẹp do lãi suất huy động dự kiến tăng và áp lực duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro này thông qua chuyển dịch cơ cấu dư nợ cho vay sang các phân khúc sinh lời cao là bán lẻ và SME, cũng như cải thiện tỷ lệ CASA hiện còn thấp ở mức 19,5%.
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của CTG đạt 19.731 tỷ đồng (tăng 12,2% so với năm trước), tương đương EPS đạt 3.258 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 22.602 đồng/cổ phiếu
Khuyến nghị: Chúng tôi ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu CTG là 29.228 đồng/cổ phiếu dựa trên 2 phương pháp định giá So sánh P/B và Thu nhập thặng dư (RI). Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu của ngân hàng Vietinbank.
Khuyến nghị PNJ: Mua với giá mục tiêu 136.100 đồng/CP
CTCK MB - MBS: Năm 2021, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE - Mã: PNJ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.593 tỷ đồng (tăng 11,9% yoy) hoàn thành 93.3% kế hoạch năm 2021 và LNST đạt 1.030 tỷ đồng (giảm 3,7% yoy), hoàn thành 84% kế hoạch năm 2021.
Doanh thu Quý 4/2021 của PNJ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp sau khoảng thời gian giãn cách, các cửa hàng được mở cửa trở lại khi các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ, với doanh thu và LNST lần lượt đạt 7.176 tỷ đồng và 457 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,6% và 7% so với cùng kỳ. So với quý 3 - quý bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, doanh thu tăng gấp lần 7 lần và LNST đã tăng trưởng dương.
Năm 2021, tăng trưởng kênh bán lẻ - kênh kinh doanh cốt lõi của PNJ đạt 10,5% yoy trong khi doanh thu vàng miếng tăng mạnh 25% giúp PNJ củng cố vững chắc cho vị trí dẫn đầu về thị phần bán lẻ trang sức tại Việt Nam. Đây là kết quả khá khả quan trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước giảm 3,8% so với năm trước.
Doanh thu sỉ cả năm 2021 giảm 5,5% so với cùng kỳ.Sang đến 2022, chỉ trong 4 tháng đầu năm, PNJ đã có những kết quá kinh doanh rất tích cực. Cụ thể: PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.912 tỷ đồng (+42,9% YoY) và LNST đạt 866 tỷ đồng (+44,9% YoY). PNJ đã hoành thành được 50% kế hoạch doanh thu và 65% kế hoạch lợi nhuận chỉ trong 4 tháng. Tính đến thời điểm cuối tháng 4/2022, PNJ có tổng cộng 343 cửa hàng trên toàn quốc.
Theo đó, MBS khuyến nghị MUA và thay đổi giá mục tiêu của PNJ lên 136.100 đồng/cổ phiếu (+30,24% tăng giá, sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền).
Các yếu tố thúc đẩy giá: (1) dự kiến sức mua dành cho các mặt hàng không thiết yếu như trang sức sẽ phục hồi (2) thị phần gia tăng do những cửa hàng trang sức nhỏ lẻ phải đóng cửa, (3) đổi mới, tái cơ cấu, đẩy mạnh bán hàng online nhằm mở rộng tập khách hàng.
Rủi ro đầu tư: Trong năm 2022, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với các yếu tố gây nên áp lực lạm phát có thể ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với mặt hàng xa xỉ. Tuy khả năng xảy ra không cao, rủi ro dịch bệnh vẫn còn hiện hữu khi có thể xuất hiện 1 biến chủng kháng vắc xin, khiến các lệnh giãn cách xã hội được tái áp dụng. Nếu trường hợp này xảy ra, ngành bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể tương tự như năm 2021.
Khuyến nghị MBB: Mua với mức giá mục tiêu 48.300 đồng/CP
Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE - Mã: MBB) và Vietcombank (VCB) là 2 ngân hàng được lựa chọn nhằm tái cơ cấu các ngân hàng không hiệu quả dưới dạng ngân hàng "0 đồng" và điều này dự kiến sẽ có những ảnh hưởng nhất định cả về mặt tích cực và tiêu cực đến hoạt động của các ngân hàng tiếp quản.
Trong buổi ĐHCĐ năm 2022, MBB đã công bố các dự định liên quan đến việc tái cơ cấu ngân hàng Ocean bank. Theo đó, ngân hàng sẽ nhận được một số quyền và lợi ích như sauCó cơ hội nhận được mức tăng trưởng cao hơn thị trường từ 1,5-2 lần trong dài hạn. Với tỷ trọng cho vay bán lẻ đang gia tăng rất nhanh nhờ hiệu quả chuyển đối số vượt trội, MBS cho rằng điều này sẽ giải quyết vấn đề cạnh tranh mảng cho vay bán lẻ với những ngân hàng tư nhân khác.
Việc sự dụng mạng lưới có sẵn của Ocean bank sẽ giúp MBB tiết kiệm được thời gian và chi phí đầu tư trong việc đưa các sản phẩm chuyển đổi số vào chiến lược mở rộng quy mô của mình, đồng thời có thể gia tăng thêm tệp khách hàng của ngân hàng nhanh hơn.Một số lợi ích như không bắt buộc hợp nhất BCTC, hoặc khi tính tỷ lệ an toàn vốn và các khoản góp vốn vào Ocean bank sẽ không bắt buộc phải trích lập dự phòng,… sẽ không ảnh hưởng đến BCTC của MBB trước khi quá trình tái cơ cấu hoàn tất.
Sau khi tái cơ cấu thành công, MBB có quyền lựa chọn sáp nhập vào MBB nhằm gia tăng quy mô, hoặc bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO thành ngân hàng cổ phần. Điều này giúp ngân hàng có nhiều hướng xử lý hơn đối với TCTD được tái cơ cấu.
MBS dự phóng trong năm 2022, TOI đạt 47.904 tỷ đồng (+29,7% YoY), LNTT đạt 23.924 tỷ đồng (+44,8% YoY), với kịch bản tăng trưởng tín dụng đạt 30%. Chi phí trích lập dự phòng đạt 9.129 tỷ đồng (+13,7% YoY) và tỷ lệ CIR ở mức 31%. ROE và ROA lần lượt đạt 26,6% và 2,9% nhờ NIM ở mức 5,3% cho cả năm 2021.
Theo đó, MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MBB với mức giá mục tiêu 48.300 đồng/cp (+81,2% upside) theo 2 phương pháp Thu nhập thặng dư và so sánh P/B.
Rủi ro đầu tư: Việc tiếp nhận tái cơ cấu ngân hàng Ocean bank dưới dạng ngân hàng 0 đồng có thể khiến đẩy CIR của ngân hàng lên cao hơn so với hiện tại. MBS giả định việc này sẽ tăng 2% tỷ lệ CIR mỗi năm trong KQKD hợp nhất của ngân hàng.
Khuyến nghị PTB: Khả quan với giá mục tiêu 93.700 đồng/CP
CTCK VNDirect - VND: CTCP Phú Tài (HOSE - Mã: PTB) công bố DT Q1/22 đạt 1.696 tỷ đồng (+23,1% yoy) và LN ròng 145 tỷ đồng (+ 43% svck), hoàn thành 21,2% và 23,3% dự phóng cả năm của VND. DT từ gỗ tăng 18% svck lên 952 tỷ đồng nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Mỹ. DT từ đá giảm 1,4% svck do nhu cầu trong nước phục hồi chậm và COVID-19 đã trì hoãn việc mở rộng công suất của PTB. DT phân phối ô tô tăng 27,9% svck, đạt 261 tỷ đồng nhờ hưởng lợi từ chính sách thuế trước bạ. Ngoài ra, PTB ghi nhận 147 tỷ đồng DT từ PT Residence trong Q1/22.
Mặc dù có nguy cơ sụt giảm DT do nhu cầu nhà ở tại Mỹ chững lại, nhưng nhu cầu khách hàng của PTB vẫn ở mức cao trong 4T22. Hiện tại, PTB đã nhận được đơn đặt hàng của khách hàng để giao hàng đến hết ngày T9/22. VND kỳ vọng biên LN gộp của PTB sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 22 so với Q1/22 do giảm giá gỗ nguyên liệu và tính kinh tế theo quy mô. Nhìn chung, VND phóng biên LN gộp của PTB sẽ đạt 22,0% trong năm 2022 (-0,4 điểm %). Ngoài ra, nhà máy Phù Cát 3 dự kiến sẽ khánh thành vào Q4/22 và đi vào chạy thương mại vào Q1/23, nâng tổng công suất sãn xuất gỗ của PTB lên 102.000m3/năm vào năm 2023 (+21% so với năm 2022). VND dự phóng mảng gỗ của PTB sẽ đạt 4.056 tỷ đồng (+18,2 svck)/ 4.783 tỷ đồng (+17,9% svck) trong năm 2022/23.
Theo đó, VND duy trì Khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 93.700 đồng. VND thay đổi định giá nhờ áp dụng trên mức trung bình lợi nhuận ròng năm 2022-23 cho mỗi mảng hoạt động nhằm thể hiện mức giá mục tiêu trong tầm nhìn 1 năm. VND vẫn ưu tiên PTB cho danh mục đầu tư năm 2022 nhờ (1) tăng trưởng doanh thu 2022-23 của cả mảng gỗ (+18,2%/+17,9% svck) và mảng đá (+ 31,4%/+31,1% svck), (2) việc bàn giao các dự án căn hộ còn lại trong 2022, và (3) lợi nhuận từ các mảng kinh doanh chính có thể duy trì mức tăng trưởng hai con số 15,7%/30,4% trong 2022-23.
Tiềm năng tăng giá là thị trường nhà ở Mỹ tăng trưởng mạnh sẽ thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ nội thất của PTB. Rủi ro giảm giá gồm chi phí logistic và nguyên liệu gỗ cao hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến biên LN gộp của PTB và việc Mỹ điều tra mặt hàng tủ gỗ nhập từ Việt Nam có thể ảnh hưởng đến DT mảng gỗ của PTB.
Khuyến nghị PC1: Chốt lãi tại ngưỡng 43.300 đồng/CP
CTCK BIDV - BSC: CTCP Tập Đoàn PC1 (HOSE - Mã: PC1) có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu gần như hoàn hảo. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Đường MACD cắt đường tín hiệu đi lên, chỉ RSI từ vùng quá bán đi lên cho thấy xu hướng hồi phục trở lại.
Đường giá cổ phiếu nằm dưới MA(50) và MA(100) tuy nhiên lại nằm trên đường MA(20) cho thấy tín hiệu hồi phục mạnh mẽ. Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 38.5, chốt lãi tại ngưỡng 43.3 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 35.2.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp