21/07/2022 21:48
Cổ phiếu khuyến nghị 22/7: DPM, HAH, DGC, QNS, SBT, BMP
DPM, HAH, DGC, QNS, SBT, BMP là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 22/7, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị DPM: Xem xét ở mức giá hiện tại
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC: Ở mức giá đóng cửa hiện tại, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 3,8x (tương ứng EPS TTM là 12.930 đồng). Mức Stock Rating của DPM ở mức 95 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của DPM đóng cửa tăng 3,9% và đồ thị giá tiến gần đường trung bình 50 phiên, nhưng FSC cho rằng đồ thị giá có thể sớm bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên đồ thị giá có khả năng sẽ sớm vượt đường trung bình 50 phiên. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của DPM cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng nếu xu hướng ngắn hạn của thị trường chung được nâng lên mức tăng.
Khuyến nghị HAH: Chốt lãi tại ngưỡng 78.500 đồng/CP
CTCK BIDV - BSC: HAH (CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An - Sàn HOSE) có một phiên tăng điểm tốt với thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực.
Đường giá cổ phiếu đã ở trên đường MA20 tuy nhiên hiện vẫn nằm dưới đường MA50. Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 67.9, chốt lãi tại ngưỡng 78.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 63.5.
Khuyến nghị DGC: Cắt lỗ đóng cửa dưới 90.000 đồng/CP
CTCK ACB - ACBS: Xu hướng tăng dài hạn kéo dài 2 năm của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) tiếp tục được giữ vững khi DGC tăng mạnh từ năm 2020 cho đến hiện tại. Hiện tại sau nhịp điều chỉnh ngắn hạn cùng với thị trường chung, DGC có lực cầu hỗ trợ mạnh tại vùng hợp lưu của hỗ trợ về giá, đường xu hướng tăng ngắn hạn từ 01/2022, và trung bình động WMA 200.
Khối lượng giao dịch của DGC tăng dần đều trong những phiên gần đây. Đồng thời, khối lượng giao dịch đã vượt ngưỡng trung bình 20 ngày trong phiên 19/7 chứng tỏ dòng tiền đang hướng về cổ phiếu này.
Giá cổ phiếu DGC tăng mạnh khi vừa chạm giá 92.500 đồng/cổ phiếu đã hình thành lên tổ hợp hai mẫu hình nến quan trọng là Tweezers Bottom và Bullish Engulfing trong phiên giao dịch ngày 18/07 và 19/7, một điểm nhấn củng cố cho sự bền vững của vùng hỗ trợ hiện tại. Khung giá vận động hiện tại của DGC vẫn nằm trong vùng từ 92.500 đến kháng cự 117.000 và xa hơn là đỉnh lịch sử tại 134.000 đồng /cp.
Trong phiên 20/07, DGC bước đầu có nhịp tăng vọt tạo GAP đầu phiên vừa vượt qua biên độ tích lũy hẹp quanh 94.000-98.000, thể hiện tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Do xu hướng lên dài hạn vẫn tiếp diễn, thanh khoản tăng dần vượt ngưỡng trung bình 20 ngày, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục tham gia DGC khi giá tiến gần đến hỗ trợ tại 98.500-100.000 đồng/cổ phiếu và bán khi DGC đạt mục tiêu trung hạn tại 117.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời cắt lỗ khi DGC đóng cửa dưới 90.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ trọng DGC cân đối ở mức trung bình khi xu hướng ngắn hạn đang dần đảo chiều, tuy nhiên tránh mua đuổi khi DGC tăng mạnh vượt quá cao vùng mua kỳ vọng.
Khuyến nghị QNS: Khả quan với giá mục tiêu là 62.900 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS): Theo ước tính của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM), lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu Công ty đạt 3.400 tỷ đồng (tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 42,5% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 405 tỷ đồng (tăng trưởng 5,6%).
Triển vọng nửa cuối năm 2022: (1) mảng sữa kỳ vọng tăng trưởng tốt 15% so với cùng kỳ năm ngoái do mức nền năm ngoái thấp và đến từ việc Vinasoy mở rộng danh mục sản phẩm mới và tăng giá sản phẩm 5-6%; và biên gộp sữa đậu sẽ kém tích cực do QNS đã chốt giá cao trong quý II/2022 và giá đậu nành bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 6 đến nay sẽ phản ánh tích cực trong kết quả của quý IV/2022 trở đi, (2) mảng đường kỳ vọng hưởng lợi khi Thuế phòng vệ thương mại được ban hành.
Rủi ro: (1) giá nguyên liệu đậu nành biến động làm giảm biên gộp, (2) mảng đường RS do diện tích mía tăng thêm ít hơn so với kỳ vọng của chúng tôi, đường RE hiện mới chỉ chạy 7% công suất thiết kế do chưa tìm được giải pháp đường thô đầu vào.
Chúng tôi điều chỉnh dự phóng cho QNS với các yếu tố nêu trên, tuy nhiên chúng duy trì khuyến nghị khả quan do thị giá QNS đã điều chỉnh giảm. Giá mục tiêu mới là 50.500 đồng/cp (upside 13%), từ mức giá mục tiêu cũ là 62.900 đồng/cp. Chúng tôi sẽ cung cấp các dự phóng chi tiết trong báo cáo cập nhật tới khi QNS công bố báo cáo tài chính.
Khuyến nghị SBT: Khả quan với giá mục tiêu là 22.500 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS): Với lợi thế về qui mô, hệ thống phân phối cũng như thương hiệu, đồng thời CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT – sàn HOSE) cũng tăng cường mở rộng vùng nguyên liệu mía giúp SBT tiếp tục giữ vững vị thế đầu ngành mía đường Việt Nam. Hiện tại, SBT sở hữu 66.000 ha vùng nguyên liệu tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, mục tiêu đến 2025 công ty mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000 ha.
Tại cuộc họp vào tháng 7 vừa qua, SBT cho biết ước tính niên độ tài chính 2021-2022, doanh thu đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng. So với kế hoạch lần lượt vượt 18% và 36%.
SBT đang được giao dịch tại EV/EBITDA 9,7x lần, khá thấp so với bình quân nằm trong khoảng 12x-16x lần trong 5 năm qua. Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với SBT với giá mục tiêu là 22.500 đồng/CP (upside 18%).
Khuyến nghị BMP: Mua với giá mục tiêu 68.000 đồng/CP
CTCK Agribank (AGR): CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại ống nhựa (PVC, HDPE và PPR) dùng trong xây dựng. BMP có vị thế là doanh nghiệp thị phần ống nhựa dẫn đầu tại miền Nam với gần 50% thị phần trong khu vực và khoảng 27% cả nước.
BMP ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II/2022 với doanh thu đạt 1.518 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 182 tỷ đồng (tăng 248%).
Qua đó 6 tháng đầu năm 2022 BMP ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.911 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái) và 341 tỷ đồng (gấp 2,2 lần cùng kỳ). Tăng trưởng tích cực của BMP đến từ việc giá nguyên vật liệu đầu vào hạt nhựa PVC giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra nhu cầu tiêu thụ cũng đang dần phục hồi hậu đại dịch Covid 19.
Từ đầu năm 2022 tới nay giá hạt nhựa PVC đã trở nên ổn định hơn và thậm chí còn suy giảm trong thời gian gần đây xuống còn khoảng 960 USD/tấn, giảm từ mức trung bình 1.400 USD/tấn trong những tháng đầu năm và giảm từ mức đỉnh 1.850 USD/tấn vào tháng 10 năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành nhựa nói chung và cho BMP nói riêng khi chi phí hạt nhựa chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất.
Giá hạt nhựa giảm sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp lên đáng kể. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của BMP đã giảm xuống còn 15,4% trong năm 2021 so với mức 26,5% của năm 2020. Trong quý 1 năm 2022, biên lợi nhuận gộp đã cải thiện lên lại mức 23,6% và tiếp tục được kỳ vọng cải thiện trong các quý sau đó.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, sản lượng trong quý 2 của BMP đạt 26.400 tấn, tiếp tục tăng 17% so với sản lượng quý 1 là 22.588 tấn. Chúng tôi cho rằng sản lượng sẽ tiếp tục phục hồi trong các quý tiếp theo, đặc biệt là quý 3 khi năm ngoái BMP bị ảnh hưởng nặng bởi đợt bùng phát dịch Covid 19 tại khu vực phía Nam. Quý III/2021, BMP ghi nhận doanh thu sụt giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 26 tỷ đồng. Quý III năm nay chúng tôi kỳ vọng BMP sẽ có tăng trưởng đột biến trên mức nền thấp của năm 2021.
BMP có cơ cấu tài chính lành mạnh khi hầu như không có nợ vay. Doanh nghiệp luôn duy trì tỷ lệ trả cổ tức cao và đều đặn hàng năm. Chúng tôi dự báo tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt các năm tới còn tăng lên khi BMP chưa có kế hoạch đầu tư nào mới khi công suất vẫn được đảm bảo
BMP được hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm và nhu cầu dần phục hồi trên mức nền thấp của năm 2021. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ và được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong quý 3 khi năm ngoái bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid ở khu vực miền Nam. Chúng tôi đánh giá khả quan và khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu là 68.000 đồng/cp (upside 18,3%), cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới vùng 53.000 đồng/cp.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp