19/07/2022 18:24
Cổ phiếu khuyến nghị 20/7: VSH, CSV, AST, VHC
VSH, CSV, AST, VHC là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 20/7, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị VSH: Xem xét ở mức giá hiện tại
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC: Mức Stock Rating của VSH (CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh – Sàn HOSE) ở mức 86 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của VSH đóng cửa tăng 2.4% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ 7% so với phiên trước đó. Đồng thời, đồ thị giá vượt đường trung bình 20 phiên và có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên FSC khuyến nghị các nhà đầu tư nên ưu tiên tích lũy cổ phiếu ở các nhịp điều chỉnh.
Ngoài ra, dòng tiền ngắn hạn đã cải thiện hơn kể từ giai đoạn tháng 04/2022 cùng với đà tăng trưởng tích cực của cổ phiếu này khi quý 1/2022 ghi nhận tăng trưởng mạnh. Với tình hình thủy văn tốt như hiện nay, FSC kỳ vọng Điểm Cơ bản của VSH tiếp tục cải thiện tích cực hơn so với thị trường chung trong bối cảnh vĩ mô đang chịu ảnh hưởng lạm phát cao.
Xu hướng ngắn hạn của VSH cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và có thể tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận xu hướng tăng.
Khuyến nghị CSV: Giá hóa chất cao hỗ trợ lợi nhuận
CTCK Bản Việt - VCSC: CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam (HOSE: CSV) sẽ hưởng lợi từ giá hóa chất cao; tiềm năng tăng trưởng nhờ mở rộng 25% công suất xút-clo. Trong quý 2/2022, giá NaOH 100% trung bình của Trung Quốc là 3.900 USD/tấn - cao hơn 70% so với trung bình 10 năm và 25% so với trung bình của quý 1/2022. Ngoài ra, giá P4 của Việt Nam ghi nhận mức giá cao kỷ lục 7.000 USD trong quý 1/2022, mà VCSC cho rằng sẽ được thể hiện rõ hơn trong KQKD quý 2/2022 của CSV. CSV cũng đang lắp đặt thiết bị để mở rộng công suất xút-clo từ 35.000 đơn vị ECU (1 tấn clo + 1,13 tấn xút) lên 44.000 ECU mỗi năm (+25%).
Việt Nam tiếp tục thiếu nguồn cung NaOH, điều này hỗ trợ tích cực đối với biên lợi nhuận trung hạn của CSV. Theo ước tính của VCSC, nguồn cung NaOH của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước. Nguồn cung thiếu hụt do các rào cản tham gia của ngành sản xuất xút-clo như nhu cầu clo (sản phẩm đi kèm NaOH) trong nước thấp và các quy trình phê duyệt nghiêm ngặt đối với lĩnh vực sản xuất hóa chất. Biên EBITDA trung bình giai đoạn 2013-2021 của CSV là 22% - bao gồm cả mảng kinh doanh phốt pho có biên lợi nhuận thấp - cao hơn mức 18% của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) – một công ty hóa chất tư nhân hàng đầu tập trung vào hóa chất phốt pho. VCSC dự báo nguồn cung NaOH sẽ tiếp tục thiếu hụt trong trung hạn - bất chấp sự tham gia của DGC và CTCP Phân bón & Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) – do nhu cầu ngày càng tăng từ lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là mảng bô-xít-nhôm.
CSV đối mặt chi phí XDCB lớn dành cho việc di dời nhà máy và thay thế thiết bị. Hầu hết các nhà máy của CSV đều nằm trong KCN Biên Hòa 1 ở tỉnh Đồng Nai, vốn sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng thành phi công nghiệp. CSV có kế hoạch hoàn thành di dời các nhà máy này đến KCN Nhơn Trạch 6 trước 2028, và thay thế các thiết bị cũ. Theo CSV, vốn XDCB còn lại của dự án này là 74 triệu USD (gấp 8 lần LNST năm 2021; gấp 1,2 lần tổng tài sản cuối 2021) trong tổng số 92 triệu USD. Số tiền này chưa tính đến khoản bồi thường chưa xác định đối với các nhà máy hiện tại.
Khuyến nghị AST: Quý đầu tiên ghi nhận lãi sau hai năm đại dịch
CTCK Rồng Việt - VDSC: Với sự phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa trong quý II/2022, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST) ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong quý này lần lượt đạt 130 tỷ đồng (tăng 158% so với cùng kỳ) và 14 tỷ đồng.
Sự phục hồi mạnh mẽ của hành khách hàng không nội địa đã củng cố lợi nhuận cốt lõi trong quý II/2022, dự kiến đạt 10 tỷ đồng. Mở rộng hoạt động tại các nhà ga quốc tế, trong bối cảnh thị trường quốc tế đang hồi phục, sẽ tiếp tục giúp cải thiện lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022.
Mặc dù VDSC tin rằng, sự phục hồi của lưu lượng hành khách tại các sân bay sẽ thúc đẩy triển vọng thu nhập trong thời gian tới, tuy nhiên mức định giá hiện tại vẫn thực sự hợp lý với P/E 2022 (giả định rằng công ty đạt được mục tiêu lợi nhuận) là 103 lần.
Khuyến nghị VHC: Khả quan với giá mục tiêu 90.100 đồng/CP
CTCK SSI (SSI): Hầu hết các công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2022. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III/2022.
Bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12.
Mặt khác, vì giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm vốn lấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, do giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 do nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh bùng phát.
Với mức giá 80.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 7,2x và 8,5x, mức P/E trung bình lịch sử là 8x. Giá mục tiêu 1 năm của chúng tôi là 90.100 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 12%), tương ứng với khuyến nghị trung lập.
Chúng tôi đã hạ P/E mục tiêu cho mảng thủy sản từ 9x xuống 8x (và mảng collagen và gelatin của VHC từ 13x xuống 12x) để phản ánh tăng trưởng xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại từ nửa cuối năm 2022.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp