Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu khuyến nghị 19/5: GDT, MBB, BID, VHC

Chứng khoán

18/05/2022 18:59

GDT, MBB, BID, VHC là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 19/5, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị GDT: Mua với giá mục tiêu là 59.800 đồng/CP

CTCK MB (MBS): Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT – sàn HOSE)là một doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời cao và bền vững với biên lợi nhuận gộp dao động từ 29-37%, duy trì mức cổ tức tiền mặt rất hấp dẫn khoảng 40%/năm.

Ban lãnh đạo quan tâm sát sao tới sự phát triển của doanh nghiệp thông qua mở rộng công suất và M&A. Công ty được quan tâm bởi nhiều quỹ ngoại, thông tin luôn được cập nhật thường xuyên cho cổ đông dù chỉ là một doanh nghiệp nhỏ.

Quan hệ tốt lâu năm của GDT với các nhà cung cấp giúp doanh nghiệp có mức trữ lượng nguyên liệu gỗ cao su đầu vào cao với mức giá tốt, giảm ảnh hưởng của biến động giá đầu vào lên biên lợi nhuận.

Triển vọng ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, GDT lại hoạt động ở ngành ngách với sản phẩm chủ lực là thớt, đồ gia dụng nhỏ và đồ chơi gỗ. Quy mô của thị trường các mặt hàng này nhỏ giúp hạn chế cạnh tranh, đồng thời các nhà nhập khẩu nước ngoài tập trung nhiều vào chất lượng hơn là giá cả khiến khiến GDT có thể chuyển một phần mức tăng giá nguyên liệu vào giá bán khi cần thiết.

Kết thúc quý 1/2022, GDT ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 108 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 13%, đạt hơn 20 tỷ đồng nhờ cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức trung bình khoảng 28,4% của 3 quý liền trước lên gần 32.4% cho quý 1/2022. Mức biên lợi nhuận gộp này chỉ kém quý 1/2021 và cao hơn các quý khác từ quý 3/2019 tới nay.

Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 hơn 55% từ mức gần 61 tỷ đồng lên hơn 94 tỷ đồng, và dự kiến tiếp tục chia 40% cổ tức tiền mặt. Ngày 17/05/2022 tới đây, doanh nghiệp sẽ chia cổ tức 2021 với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

GDT đã thương thảo để góp vốn vào công ty Đức Tâm – chuyên sản xuất bàn ghế, giường tủ xuất khẩu, với nhà máy rộng hơn 12 ngàn m2 và doanh thu ước tính khoảng 5 triệu USD.

Doanh số 2 tháng đầu năm 2022 đã đạt 2.31 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Tính tới đầu tháng 3, doanh số đơn hàng nhận được đã lên tới 9 triệu USD, gần 50% kế hoạch cả năm (18.75 triệu USD).

Chúng tôi khuyến nghị mua với GDT với giá mục tiêu là 59.800 đồng/CP (tăng 28% so với mức tham chiếu ngày 16/05/2022) bằng việc kết hợp phương pháp định giá chiết khấu dòng cổ tức (DDM) và phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời kỳ Covid-19 cũng như khả năng duy trì dòng cổ tức tiền mặt dồi dào trong nhiều năm.

Cổ phiếu khuyến nghị 19/5: GDT, MBB, BID, VHC - Ảnh 1.

Biểu đồ giá cổ phiếu GDT trong 1 tháng qua.

Khuyến nghị MBB: Mua với giá mục tiêu 36.500 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Tín dụng quý I/2022 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) tăng trưởng mạnh 14,8% so với thời điểm đầu năm, là động lực giúp thu lãi thuần tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8.385 tỷ đồng.

Thu nhập ngoài lãi đạt 3.248 tỷ đồng (tăng 10,2% so với quý trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Chi phí dự phòng rủi ro tăng nhẹ 5,7% so với quý trước và 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.126 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 tăng 27,3% so với quý trước và 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.910 tỷ đồng.

Lợi suất đầu ra bình quân tăng 35bps so với quý trước nhờ lợi suất cho vay bình quân hồi phục. Lãi suất tiền gửi bình quân của MBB chỉ tăng nhẹ 5 bps dù lãi suất huy động các kỳ hạn tăng khoảng 150 – 200bps do tỷ lệ CASA của ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 43,8%. NIM nhờ đó tăng 39bps so với quý trước lên mức 5,61%.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng nhẹ 9bps so với cuối năm 2021, đạt 0,99% do nợ nhóm 4 và nhóm 5 lần lượt tăng mạnh 52% và 55% so với quý trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn 250% - đứng thứ 2 toàn ngành. Nợ tái cơ cấu vẫn đang chiếm khoảng 1.68% tổng dư nợ, đạt khoảng 6.200 tỷ đồng.

Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 20,3 nghìn tỷ đồng(tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái) trong kịch bản nền kinh tế vĩ mô hồi phục tốt và tín dụng của MBB tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng tiếp tục triển khai phát hành 70 triệu cổ phiếu cho cổ đông lớn là Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu ESOP. Cho năm 2022, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%.

Việc tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém sẽ đem lại nhiều lợi ích như (1) tăng trưởng quy mô cao hơn trung bình ngành 1,5-2 lần; (2) tăng độ phủ của ngân hàng thông qua mạng lưới 400 chi nhánh; (3) nhận được room tín dụng cao hơn và các khoản vay ưu đãi từ NHNN. Quá trình tái cơ cấu dự kiến trong 7-8 năm và sau đó MBBank có thể bán TCTD đó, IPO hoặc sát nhập toàn bộ.

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu MBB là 36.500 đồng/CP, cao hơn 38,9% so với giá tại ngày 17/05/2022, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

Cổ phiếu khuyến nghị 19/5: GDT, MBB, BID, VHC - Ảnh 2.

Biểu đồ giá cổ phiếu MBB trong 1 tháng qua.

Khuyến nghị BID: Mua với giá mục tiêu 41.000 đồng/CP

CTCK Agribank – Agriseco: Tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE - Mã: BID) đạt 16.227 tỷ đồng trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát tốt +7,1%yoy và chi phí dự phòng giảm thiểu đáng kể chỉ nhích nhẹ +3%yoy đã giúp LNTT BID đạt 4.514 tỷ đồng (+32,9%yoy), thực hiện được 22% kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, chi phí trích dự phòng của BID dự kiến sẽ giảm từ 29 nghìn tỷ đồng năm 2021 xuống 23 nghìn tỷ đồng năm 2022 tạo động lực cho lợi nhuận tăng ấn tượng năm 2022 và các năm sau.

Quý đầu năm, tín dụng của BID đã tăng tích cực lên mức 4,7%. Agriseco kỳ vọng trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của BID tiếp tục khả quan khi nền kinh tế dần trở về bình thường và xu hướng chuyển dịch bán lẻ đang dần được đẩy mạnh (chiếm 40% dư nợ).

NIM Q1/2022 giảm nhẹ còn 2,85% so với đầu năm (2,92%) (do lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ trong khi lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được duy trì) nhưng tăng so với cùng kỳ do tỷ lệ CASA được cải thiện khi BID đã thực hiện miễn phí giao dịch kênh số từ đầu năm. Agriseco kỳ vọng NIM thời gian tới sẽ được cải thiện nhờ việc đẩy mạnh bán lẻ, ngân hàng số cùng sự giải tỏa áp lực hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng khi nền kinh tế đang dần bình thường trở lại.

Theo kế hoạch ĐHCĐ 2022, BID dự kiến chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 455,27 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 9%, thời gian thực hiện dự kiến trong 2 năm 2022 – 2023. Điều này sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn lực về vốn và cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Chất lượng tài sản được cải thiện tốt. Nhờ việc tích cực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, tỷ lệ nợ xấu (NPL) hết Q1/2022 của BID dù có tăng nhẹ lên 0,97% từ mức 0,81% đầu năm nhưng vẫn ở mức thấp trong ngành. Cùng với đó, BID đã chủ động tăng cường trích lập dự phòng nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước tới nay 259% từ mức 215% đầu năm sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản và cơ hội hoàn nhập trong tương lai khi các khoản nợ xấu được xử lý.

Agriseco duy trì đánh giá BID là một trong những ngân hàng có quy mô hàng đầu và nhiều tiềm năng tăng trưởng trong 2022. Định giá P/B hiện tại của BID khoảng 1,8x lần thấp hơn so với trung bình các năm qua. Chất lượng tài sản ngân hàng đang dần cải thiện tốt sẽ giúp giảm thiểu đáng kể chi phí dự phòng cho các năm tới. Cùng với đó, kế hoạch tăng trưởng ấn tượng 2022 và việc sẽ phát hành riêng lẻ 9% trong năm nay và 2023 sẽ là các catalyst hấp dẫn để đầu tư cổ phiếu này. Vì vậy, Agriseco khuyến nghị MUA cổ phiếu BID với giá mục tiêu là 41.000 đồng/cp.

Cổ phiếu khuyến nghị 19/5: GDT, MBB, BID, VHC - Ảnh 3.

Biểu đồ giá cổ phiếu BID trong 1 tháng qua.

Khuyến nghị VHC: Mua với giá mục tiêu 112.300 đồng/CP

CTCK ACB - ACBS: Kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu cá tra toàn cầu khi du lịch quốc tế và ké theo đó là ngành F&B sẽ phục hồi vào năm 2022. Giá cá tra nguyên liệu tăng 39,6% n/n kể từ đầu năm trong khi giá cá giống tăng 59,1% n/n. Mặt khác, giá cá giống cũng bắt đầu tăng từ cuối tháng 3/2022. Từ mức giảm 1,4% n/n trong quý 1/2022, giá cá giống đã tăng 54,7% n/n, cho thấy xu hướng tăng liên tục đối với giá cá tra nguyên liệu trong vài tháng tới . Với tỷ lệ tự cung đạt 70% và vị thế vững chắc trên thị trường, giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ giúp CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE - Mã: VHC) thu lợi nhuận tốt hơn đkhi có giá bán bình quân cao hơn.

VHC vừa tăng công suất cấp đông và nâng cấp dây chuyền sản xuất chính để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Công ty cũng đang có kế hoạch tăng diện tích vùng nuôi để duy trì tỷ lệ tự cung 70% với 90ha , giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và đạt tính bền vững cao hơn trong mô hình hoạt động kinh doanh.

Doanh thu từ mảng Wellness tăng 40,4% n/n là tiềm năng lớn cho VHC trong vài năm tới, và doanh nghiệp đang hướng tới phát triển các sản phẩm GTGT khác như Xavia collagen, kẹo mềm… VHC Wellness cũng sẽ tối ưu hóa việc tận dụng các phụ phẩm từ trái cây và rau của VHC Agricultural trong năm tới, nâng cao tỷ suất lợi nhuận của công ty. 

Do đó, ACBS nâng dự báo doanh thu năm 2022 lên 25,0% lên 13.241,2 tỷ đồng, chủ yếu từ sản lượng tăng 13% để phản ánh nhu cầu tăng và giá bán bình quân tăng 17% do ACBS dự báo giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng trong thời gian tới. Với tỷ suất lợi nhuận gộp cao được ghi nhận trong quý 1/2022, ACBS kỳ vọng VHC sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận gộp 20,9% vào năm 2022, mang lại lợi nhuận sau thuế 1.676,1 tỷ đồng (+52,5% n/n và +32,3% so với dự phóng trước đó của ACBS).

ACBS duy trì phương pháp định giá dựa trên trung bình DCF và PE. ACBS đặt mức PE mục tiêu là 10,3x, phù hợp với mức bình quân PE năm 2022 các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Mức bình quân các quốc gia xuất khẩu thủy sản lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ là 13,5x. Đối với POR17, Ấn Độ là quốc gia được chọn làm quốc gia đại diện để so sánh với Việt Nam (trong số 6 nước Bolivia, Ai Cập, Honduras, Ấn Độ, Maroc và Nicaragua). Các DN xuất khẩu thủy sản tại Ấn Độ có mức PE bình quân 21,3x, gấp đôi so với mức bình quân Việt Nam.

Mức giá mục tiêu đạt được cho cổ phiếu VHC là 112.300 đồng/cổ phiếu (+27,1% TSR đã bao gồm 2,2 % tỷ suất cổ tức). Giá cổ phiếu VHC đã được điều chỉnh 20% kể từ giữa tháng 4. ACBS cho rằng điều này đến từ việc điều chỉnh của toàn thị trường và không liên quan đến các yếu tố cơ bản nồng cốt của doanh nghiệp. Cổ phiếu hiện đang giao dịch ở mức 9,9x, tương đương với mức bình quân PE từ năm 2022. 

Đây là cơ hội hấp dẫn để giải ngân và ACBS duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VHC dựa vào các yếu tố tiềm năng từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cổ phiếu khuyến nghị 19/5: GDT, MBB, BID, VHC - Ảnh 4.

Biểu đồ giá cổ phiếu VHC trong 1 tháng qua.

Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.


TRUNG HIẾU
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement