13/06/2022 19:27
Cổ phiếu khuyến nghị 14/6: VPB, POW, NKG, KBC, ACG
VPB, POW, NKG, KBC, ACG là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 14/6, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị VPB: Mua với giá mục tiêu 49.100 đồng/CP
CTCK Bản Việt - VCSC: VCSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, Sàn HOSE) và tăng giá mục tiêu thêm 2,3% lên 49.100 đồng/cp do (1) tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2023 bù đắp cho (2) dự phóng LNST thấp hơn 2,1% trong giai đoạn 2022-2026 so với dự báo trước đây của VCSC và (3) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu từ 2,0 lần xuống 1,95 lần.
Bên cạnh đó, VCSC tăng dự phóng thu nhập ròng (trước lợi ích CĐTS) năm 2022 thêm 34,9% lên 21,8 nghìn tỷ đồng (+90% YoY) so với dự báo trước đó của VCSC do (1) phí hỗ trợ bancasurrance cao hơn dự kiến được ghi nhận trong quý 1/2022 , (2) chi phí HĐKD (OPEX) giảm 13,9% và (3) giảm 1,1% trong giả định chi phí dự phòng của VCSC.
Ngoài ra, VCSC lập mô hình cho (1) đợt phát hành ESOP sử dụng 30 triệu cổ phiếu quỹ và (2) phát hành riêng lẻ 793,3 triệu cổ phiếu sơ cấp cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho 15% cổ phần vào năm 2022. Các khoản cho vay tái cơ cấu hợp nhất của VPB giảm từ 16,1 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2021 xuống 12,7 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022, trong đó 9,7 nghìn tỷ đồng là từ ngân hàng mẹ và 3,0 nghìn tỷ đồng là từ FE Credit (FEC).
Yếu tố hỗ trợ: Lợi nhuận đóng góp từ CTCP Chứng khoán VPBank và Công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES; tăng trưởng tín dụng cao hơn dự kiến.
Rủi ro: Việc không đảm bảo được nhà đầu tư chiến lược sẽ khiến việc huy động nguồn vốn từ nước ngoài /tăng trưởng tín dụng theo dự báo của VCSC khó đạt được; không kiểm soát được được chi phí tín dụng - đặc biệt là tại FEC.
Khuyến nghị POW: Mua với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP
CTCK BIDV - BSC: Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE - Mã: POW) trong quý 1/2022 lần lượt đạt 7.061 tỷ đồng (-8% yoy) và 803 tỷ đồng (+42% yoy), do: (1) lượng điện thương phẩm giảm (-21% yoy) tại các nhà máy Cà Mau 1&2 (-37% yoy) và Vũng Áng 1 (-33% yoy), tuy vậy (2) giá vốn giảm mạnh bởi chi phí khác giảm mạnh (-49% yoy), khiến LNG tăng (+17% yoy).
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của POW trong năm 2022 lần lượt đạt 28.413 tỷ đồng (+15,7% yoy) và 2.539 tỷ đồng (+24,9% yoy) với giả định: (1) giá CGM tiếp tục được neo mức cao +20%, (2) lượng điện huy động của mảng nhiệt điện khí phục hồi mạnh +62%, (3) lượng điện sản xuất của mảng thủy điện tăng 20% nhờ tình hỉnh thủy văn vẫn khả quan.
Theo đó, BSC khuyến nghị MUA cổ phiếu POW với giá mục tiêu 17.000 đồng/cp cho năm 2022, tương đương với upside 13,3% so với giá ngày 10/06/2022 dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP), trong đó EV/EBITDA trung bình của các mảng điện khí, điện than và thủy điện lần lượt là 6.0x, 6.0x và 8.0x.
Quan điểm đầu tư: Lượng điện huy động của POW khả quan trong trung hạn nhờ nhu cầu tiêu thụ điện hồi phục trong 2022 (dự kiến sẽ tăng ~10%). Giá điện CGM được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tại mức cao (+37% yoy tháng 3/2022
Rủi ro: Sản lượng mảng nhiệt điện khí, than có thể tiếp tục chịu sự cạnh tranh từ mảng điện tái tạo. Rủi ro tới từ khả năng kéo dài thời gian sửa chữa nhà máy Vũng Áng, tác động tiêu cực tới sản lượng điện thương phẩm trong 2022.
Khuyến nghị NKG: Mua với giá mục tiêu 30.400 đồng/CP
CTCK BIDV - BSC: BSC duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim (Sàn HOSE), tuy nhiên điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm về mức 30.400 đồng/cp (sau chia cổ tức) tương đương upside 27% so với giá ngày 09/06/2022.
BSC sử dụng phương pháp PE, với PE mục tiêu được điều chỉnh giảm từ 5,5x về 4,5x so với báo cáo trước do thị trường chung đều đã chiết khấu sâu. BSC cho rằng định giá trên vẫn hấp dẫn do kỳ vọng NKG có trưởng sản lượng tiêu thụ trong năm 2022, cũng như triển vọng tăng công suất trong tương lai.
So với báo cáo trước, BSC điều chỉnh giảm doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của NKG năm 2022 lần lượt về mức 31.653 tỷ đồng (+12,3% YoY) và 2.026 tỷ đồng (-8,9% YoY), EPS FW (pha loãng) = 7.697 đồng/cp.
BSC giữ nguyên giả định: (i) Giá thép -5% yoy, và điều chỉnh giả định, (ii) Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thép giảm từ 23,7% yoy về 17,8% yoy (ii) Biên LNG -1,6% yoy so với mức -1% trong báo cáo trước.
Quan điểm đầu tư: Sản lượng tiêu thụ năm 2022 tăng nhờ nhờ tăng công suất +20% và hạn ngạch xuất khẩu tại thị trường EU được tăng thêm sau lệnh cấm nhập khẩu thép từ Nga; Định giá hấp dẫn so với doanh nghiệp cùng ngành và so với những cải thiện trong hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Rủi ro: Tắc nghẽn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến hoạt động giao hàng xuất khẩu; Biến động giá nguyên vật liệu; Nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu suy giảm.
Cập nhật doanh nghiệp: Tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép trong quý 1/2022 ước đạt 257 nghìn tấn (+6% YoY), trong đó sản lượng tôn mạ đạt 214 nghìn tấn (+12%yoy), sản lượng thép ống đạt 43 nghìn tấn (-17% yoy). Sản lượng xuất khẩu tôn mạ trong quý 1/2022 chiếm 72,5% tổng sản lượng tiêu thụ, đạt 155 nghìn tấn.
Khuyến nghị KBC: Mua với giá mục tiêu 70.000 đồng/CP
CTCK ACB - ACBS: Kết quả kinh doanh quý 1/2022 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE - Mã: KBC) thấp hơn kỳ vọng của ACBS với doanh thu thuần gần 700 tỷ đồng (-65% n/n) và lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng (-27% n/n) do sự lây lan COVID-19 ảnh hưởng đến việc bàn giao dự án (gần 9ha tại KCN Tân Phú Trung và 3,6ha tại Khu đô thị Tràng Duệ so với 66,5ha tại các KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tràng Duệ, Tân Phú Trung và 1,3ha tại Khu đô thị Tràng Duệ được bàn giao trong quý 1/2021).
Biên lợi nhuận gộp giảm 16 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái xuống 40% do biên lợi nhuận gộp của KCN Tân Phú Trung thấp. LNST giảm ít hơn doanh thu nhờ gần 500 tỷ đồng lợi nhuận từ đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Nhơn Hội khi tăng tỷ lệ sở hữu từ 10% lên 35,35%. Công ty mới hoàn thành 7% kế hoạch doanh thu và 12% kế hoạch lợi nhuận.
ACBS cho rằng, tăng trưởng trong năm 2022 chủ yếu phụ thuộc vào việc bàn giao khu đô thị Tràng Cát, dự kiến chiếm 45% tổng doanh thu và 53% lợi nhuận gộp. Một số quỹ đầu tư nước ngoài có kế hoạch mua sỉ hoặc cùng hợp tác phát triển dự án này nhưng hiện tại vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Theo công ty thì dự án này đã san lấp được 100ha và dự kiến tăng lên 200ha vào cuối năm nay. KBC đang xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 để tăng tổng diện tích của dự án từ 585 ha lên 900 ha.
Sử dụng phương pháp NAV, ACBS điều chỉnh giá mục tiêu giảm 7% xuống gần 70.000 đồng/cp nhưng lặp lại khuyến nghị Mua vì kỳ vọng vào triển vọng tích cực đối với phân khúc bất động sản công nghiệp nhờ nhu cầu ổn định, xu hướng Trung Quốc +1 và việc chính phủ đầu tư nhiều hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng.
KBC sẽ phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 3:1, tương đương 191,9 triệu cổ phiếu vào cuối tháng này. Sau đó, công ty sẽ triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu tương đương 26% số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại với giá chào bán chưa được công bố nhưng có thể gây áp lực lên giá cổ phiếu.
Dựa theo giá phát hành cổ phiếu riêng lẻ gần nhất vào năm 2021 là thấp hơn giá thị trường 15%, ACBS giả định giá phát hành năm nay là 40.000 đồng/cp, tương ứng với giá mục tiêu sau phát hành cổ phiếu thưởng và cổ phiếu riêng lẻ là 50.455 đồng/cp.
Khuyến nghị ACG: Khả quan với giá mục tiêu 88.000 đồng/CP
CTCK VNDirect (VND): CTCP Gỗ An Cường (mã ACG) công bố doanh thu 4 tháng đầu năm 2022 là 1.187 tỷ đồng (tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận ròng 168 tỷ đồng (tăng 22,3%), hoàn thành 26,2%/28,7% dự phóng cả năm của chúng tôi.
ACG đã góp vốn 500 tỷ đồng vào Thắng Lợi Group (nắm giữ 13% cổ phần). ACG sẽ cung cấp toàn bộ sản phẩm gỗ nội thất cho các dự án bất động sản của Thắng Lợi Group. Theo ban lãnh đạo, việc góp vốn vào Thắng Lợi Group có thể mang lại cho ACG 100 tỷ đồng lợi nhuận ròng mỗi năm.
Bên cạnh đó, ACG có kế hoạch phủ sóng các showroom AConcept và Malloca tại 53 tỉnh thành vào năm 2023 (23 tỉnh vào năm 2022); Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất MDF bị hoãn lại do rủi ro pháp lý và tình trạng dư cung trên thị trường nội địa.
Ban lãnh đạo ACG kỳ vọng nhà máy tại Khu công nghiệp Đất Quốc, Bình Dương sẽ chạy 100% công suất vào năm 2024 và có thể vượt công suất thiết kế trong năm 2025, tương tự như việc ACG vận hành nhà máy đầu tiên với công suất 140% trước khi nhà máy thứ hai được vận hành.
Xuất khẩu đang có nhiều dư địa để tăng trưởng. ACG có kế hoạch mở rộng doanh thu xuất khẩu hàng năm từ 30 triệu USD hiện tại lên 50 triệu USD vào năm 2024. Ngoài xuất khẩu cho khách hàng, ACG có kế hoạch làm việc với các đối tác nước ngoài (bao gồm Sumitomo - cổ đông chiến lược) để bán lẻ đồ nội thất cao cấp tại thị trường Mỹ. ACG không có kế hoạch tham gia vào thị trường ASEAN, nơi có các đối thủ cạnh tranh lớn.
Chính sách cổ tức ACG thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 80%. Trong đó, đã trả cổ tức bằng cổ phiếu 50% và công ty cũng tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5%. ACG dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% (theo vốn điều lệ mới) ngay trong tháng 7/2022.
Với triển vọng ngắn hạn và dài hạn tích cực, chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu ACG với giá mục tiêu 88.8000 đồng/CP.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp