12/05/2022 19:28
Cổ phiếu khuyến nghị 13/5: OCB, ACB, VPB, NLG, DIG
OCB, ACB, VPB, NLG, DIG là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 13/5, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị OCB: Mua với giá mục tiêu là 33.000 đồng/CP
Năm 2022, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – sàn HOSE) đặt kế hoạch dư nợ thị trường 1 tăng 25% so với năm ngoái, đạt 129 nghìn tỷ đồng, huy động thị trường 1 tăng 23% đạt 155 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 29% lên 7.110 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Năm 2022, Ngân hàng tiếp tục định hướng tập trung vào hoạt động bán lẻ và các phân khúc ưu tiên của OCB, mở rộng sản phẩm, đa dạng hóa nguồn thu, chuyển đổi số toàn diện OCB, kết nối hệ sinh thái và số hóa quy trình nội bộ, duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Moody’s và đạt xếp loại hạng A theo Thông tư 52/2018/TTNHNN.
Quý I/2022, lợi nhuận trước thuế OCB đạt 1.115 tỷ đồng (giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 15,7% kế hoạch năm 2022. Do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ trong báo cáo tài chính quý I/2022, nên lợi nhuận sau thuế đạt 836 tỷ đồng (giảm 17,4%). Dư nợ tín dụng tăng 6%, tổng tài sản tăng 2%.
Chúng tôi tin rằng thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện và tập trung phát triển cho vay bán lẻ và cho vay SME và MSME, cùng với sự hợp tác chiến lược với Aozora Bank sẽ tạo động lực tăng trưởng cho OCB trong năm 2022.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá hợp lý đối với mỗi cổ phiếu OCB là 33.000 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
Rủi ro: (1) Áp lực từ lạm phát có thể ảnh hưởng tới hoạt động của OCB trong năm nay; (2) Rủi ro pha loãng; (3) Rủi ro cạnh tranh; (4) Rủi ro từ nguồn doanh thu từ mua bán chứng khoán đầu tư không bền vững.
Khuyến nghị ACB: Mua với giá mục tiêu 40.700 đồng/CP
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý I/2022 đạt 5.441 tỷ đồng (tăng 13,5% so với quý trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái), thu nhập ngoài lãi đạt 1.409 tỷ đồng (tăng 19,8% so với quý trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Ngân hàng ghi nhận hoàn nhập 2,84 tỷ đồng chi phí dự phòng trong khi chi phí dự phòng cùng kỳ là 606 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 tăng khoảng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.114 tỷ đồng.
Lợi suất đầu ra bình quân quý I/2022 tăng nhẹ 13bps so với quý trước, đạt 7,02%. Tỷ lệ CASA tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 26.7% giúp tiết giảm 20bps so với quý trước cho chi phí vốn. Biên lãi thuần (NIM) nhờ đó tăng 32bps so với quý trước, đạt 4,22%.
Tỷ lệ nợ xấu 1Q2022 tăng nhẹ 5bps so với cuối năm 2021 do chuyển dịch nợ nhóm 2 xuống các nhóm thấp hơn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn 187,8% - vẫn ở mức cao so với ngành. Nợ tái cơ cấu kéo theo tiếp tục giảm 2.000 tỷ đồng xuống còn 15.000 tỷ đồng (chiếm 3,95% tổng dư nợ).
Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi mục tiêu ở mức 10%YoY và 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu với mức tăng trưởng tín dụng trên là khoảng 15 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% và cho năm 2022 là 10% tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Chúng tôi đánh giá mảng cho vay mua nhà của ngân hàng sẽ khả quan trong năm 2022 do (1) ACB không cho vay đầu tư, xây dựng bất động sản nên chịu ít tác động từ siết tín dụng bất động sản ; (2) nguồn cung hồi phục tại thị trường HCM cùng nhu cầu mua nhà cao; (3) dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn khi ngân hàng mới sử dụng 4.1%/10% được NHNN cấp từ đầu năm. Mảng cho vay thương mại sẽ được thúc đẩy bởi hoạt động xuất nhập khẩu đang được hưởng lợi từ xung đột.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu ACB là 40.700 đồng/CP, cao hơn 32.3% so với giá tại ngày 10/05/2022, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.
Khuyến nghị VPB: Mua với giá mục tiêu 39.159 đồng/CP
Kết quả kinh doanh: Quý I/2022: LNTT hợp nhất của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE - Mã: VPB)đạt 11.146 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu từ phí gia hạn hợp đồng bảo hiểm đạt 5.500 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng LNTT.
Kì vọng nới room tín dụng ở mức cao so với thị trường, khoảng 23%. Do thu từ khoản bán vốn từ FE Credit trị giá gần 24 nghìn tỷ đồng năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPB hợp nhất đang ở Top cao của thị trường, tạo điều kiện để được nới room tín dụng cao. Tập khách hàng cho vay của VPB chủ yếu là khách hàng cá nhân Lower Mass chịu rủi ro cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, do đó là đối tượng ưu tiên được hỗ trợ phục hồi giai đoạn hậu dịch bệnh. (2) Thu nhập từ phí bảo hiểm: VPB đang triển khai phân phối 2 hợp đồng bảo hiểm song song: bảo hiểm nhân thọ với AIA và bảo hiểm phi nhân thọ với OPES. VCBS kỳ vọng thu nhập từ bảo hiểm của VPB có triển vọng tốt từ năm 2022.
Triển vọng thu hồi nợ và cải thiện chất lượng cho vay từ FE Credit: Triển vọng thu hồi nợ xấu đã khả quan hơn nhiều từ cuối quý IV/2021, VCBS cho rằng lợi nhuận năm 2022 của FE Credit sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2021. (2) Kì vọng từ sự hỗ trợ của SMBC: kì vọng đối tác nước ngoài này hỗ trợ lãi suất vay vốn thấp hơn trong nước, nền tảng công nghệ tốt hơn từ tiềm năng của tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản.
Khuyến nghị: VCBS khuyến nghị MUA đối với cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPB với giá trị hợp lý là 39.159 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị NLG: Mua với giá mục tiêu 56.100 đồng/CP
MSB lặp lại khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (Sàn HOSE), với giá mục tiêu 56.100 đồng/cổ phiếu (+22%), dựa trên 4 luận điểm chính:
Doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng trưởng khả quan trong 2022-2023, trong đó giá trị bán hàng năm 2022 ước đạt ~23.000-23.500 tỷ đồng.
NLG sở hữu quỹ đất dự án quy mô lớn (684 ha) với giá vốn thấp. Các dự án của NLG phần lớn ở vùng ven TPHCM với vị trí chiến lược ở các cửa ngõ vào thành phố, đáng chú ý nhất là Waterpoint (Long An) và Izumi City (Đồng Nai). Định hướng trong 2022-2030 Nam Long trở thành Nhà phát triển Khu đô thị tích hợp với việc triển khai đồng loạt các khu đô thị lớn theo mô hình KĐT Hiện đại ("Modern Township") và đa dạng hóa các phân khúc nhà ở tại các KĐT. Ngoài ra NLG còn mở rộng mảng kinh doanh cốt lõi sang BĐS thương mại, quản lý KĐT và đầu tư hệ sinh thái.
Chiến lược của NLG khá hợp lý trong bối cảnh giá đất tăng cao sẽ có khả năng ảnh hưởng đến Chiến lược Nhà ở vừa túi tiền ("Affordable Housing") của NLG (NLG cần để ra 20% quỹ đất và 10% sản phẩm cao tầng). Với việc phát triển KĐT tích hợp NLG sẽ có cơ hội triển khai nhiều dòng sản phẩm đa dạng trung – cao cấp ("mid-end, high-end") bên cạnh duy trì dẫn đầu phân khúc "vừa túi tiền" có thị trường bền vững như Ehome/Flora/Valora.
Định giá hấp dẫn xét trên giá trị thị trường của quỹ đất, tiềm năng lợi nhuận cũng như so với các doanh nghiệp trong ngành. Dự kiến NLG sẽ triển khai các đô thị lớn Southgate, Mizuki, Izumi, Akari, Cân Thơ, Đại Phước, … với mục tiêu tổng doanh số 2 tỷ USD trong 3 năm tới.
NLG là đối tác của nhiều tập đoàn quốc tế, đa số các dự án đều liên doanh 50% với các đối tác Nhật Bản. Điều này khiến các dự án của NLG có được sự an toàn về thu hồi vốn, đồng thời chất lượng và tiến độ pháp lý & xây dựng luôn được đảm bảo.
Với việc Chính phủ tuyên bố chiến lược thích ứng với dịch Covid-19, MSB đánh giá rủi ro từ các đợt giãn cách xã hội là khó xảy ra. Do đó, hiện tại MSB nhận định các rủi ro sau đang hiện hữu.
Lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến: Việc thay đổi điều hành chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng tới kênh tín dụng dẫn vốn vào thị trường BĐS. Tuy nhiên, MSB cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại tương đối ổn định, không gian chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa để nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế.
Chi phí xây dựng có thể tăng cao nếu giá vật liệu, đặc biệt là giá thép (chiếm 12-15% tổng chi phí xây dựng) duy trì ở mức cao trong các năm tới.
Rủi ro pháp lý: Các văn bản pháp lý còn chống chéo, ví dụ Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS chưa đồng bộ làm chậm trễ quá trình phê duyệt dự án và ảnh hưởng hiệu quả các dự án. Tuy nhiên các quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn trong phê duyệt giúp thị trường sôi động trở lại.
Khuyến nghị DIG: Mua với giá mục tiêu 60.900 đồng/CP
Mức Stock Rating của DIG (Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (Sàn HOSE) ở mức 89 điểm, cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá DIG đóng cửa tăng 7% với khối lượng giaodịch tăng mạnh trên mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên và khối lượng giao dịch đã cải thiện trong hai phiên giao dịch gần đây. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần và đồ thị giá bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ biến động hẹp ở những phiên giao dịch tới.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã cảnh báo tín hiệu bán vào phiên 28/03/2022 và đánh giá xu hướng GIẢM ngắn hạn cho nên FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục QUAN SÁT và có thể xem xét mua nếu đồ thị giá vượt được mức kháng cự 60.900 đồng/cp.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp