06/09/2020 17:00
Chuyên gia mổ xẻ về làn sóng vốn FDI đổ vào Việt Nam giữa dịch COVID-19
Đến 20/8/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 20 tỷ USD. Tín hiệu khả quan này cho thấy dòng vốn FDI đang dịch chuyển vào Việt Nam.
Làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam giữa COVID-19
Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại vì COVID-19 bùng phát, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh.Ông Đỗ Nhất Hoàng,Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,cho biết theo đánh giá của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40%. Các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí âm.
Trong khi ở Việt Nam, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực. Trong đó, riêng vốn thực hiện đạt 11,3 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ 2019.
Dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnhbất chấp dịch COVID-19. Đến 20/8/2020, tổng vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD. Ảnh: Người lao động |
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu đạt 113,3 tỷ USD (giảm 4,5%); nhập khẩu đạt 90,7 tỷ USD (giảm 5,3%). Điều này chứng tỏ gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tốt.
Chia sẻ tại tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá”, tổ chức vào cuối tuần, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hộiDoanh nghiệpđầu tư nước ngoài cho rằng thực tế làn sóng dịch chuyển FDI trên thế giới không phải bây giờ mới xuất hiện. 3 năm gần đây, đầu tư nước ngoài thế giới giảm liên tục, nhưng phải hiểu giảm ở đây là sự thay đổi tư duy về đầu tư nước ngoài. Trước đây, đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ giảm khoảng 300 tỷ USD/năm, bây giờ giảm đi rất nhiều, dự kiến trong năm nay tiếp tục giảm.
“Chúng ta phải đặt vào bối cảnh so sánh như thế để thấy dòng vốn dịch chuyển là làn sóng. Dòng vốn dịch chuyển so với tổng vốn đầu tư nước ngoài cao hơn trước đây rất nhiều. Vấn đề là làn sóng đó có đến Việt Nam hay không? Việt Nam tận dụng làn sóng đó như thế nào? Tôi nghĩ làn sóng FDI mới là có, nhưng có rất nhiều cản trở để làn sóng này có thể đến với chúng ta”, ông Toàn cho biết.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng có nhiều yếu tố thúc đẩy việc cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch đầu tư. Trong đó, dịch COVID-19 làm cho sự dịch chuyển này nhanh hơn, toàn diện và rõ nét hơn.
Đây là điều quan sát thấy thực tế trong những tháng gần đây. Bởi sự thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam thời gian qua tạo tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Đã qua rồi thời thu hút đầu tư bằng lao động rẻ. Lao động Việt Nam được đánh giá không thua kém lao động các nước trong khu vực. Ảnh: Bizlive |
Tuy nhiên, để nói rằng những lý do như chiến tranh thương mại hay COVID-19 khiến làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt đến Việt Nam là chưa toàn diện.
“Theo tôi là Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do, các đối tác đều là những thị trường chủ yếu trên thế giới. Tôi cho rằng đây là điểm nổi trội khác biệt nhất của Việt Nam so với các nước khác, để có thể cạnh tranh trong thu hút đầu tư”, ông Cung nói.
Nhà đầu tư chất lượng rất ít, vốn FDI vào Việt Nam đến từ đâu?
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng phải nhìn vào thực tế đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều là đến từ “các thiên đường thuế”. Phần lớn đầu tư đến từ Châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu.
Việt Nam rất kỳ vọng đầu tư chất lượng cao từ Mỹ và Châu Âu. Những nhà đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, rất phù hợp để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhưng chưa được cải thiện.
“Tôi cho rằng các nhà đầu tư mà chúng ta kỳ vọng họ muốn chính sách, luật pháp của Việt Nam ổn định. Văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được. Không có tiền gầm bàn, không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Mỹ và châu Âu là cực kỳ quan trọng. Bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp”. TS Nguyễn Đình Cung nói và cho rằng đây là điều đầu tiên và trước mắt Việt Nam phải khắc phục, mới có thể thu hút được nhà đầu tư chất lượng.
Điều đáng ngại là từ phía doanh nghiệp Việt Nam
Riêng nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng giai đoạn Việt Nam thu hút đầu tư để sử dụng lao động chi phí thấp đã qua. Lao động chất lượng cao không chỉ là yêu cầu với đầu tư nước ngoài mà ngay cả đầu tư nội địa và nhu cầu phát triển đều cần.
Việt Nam có rất nhiều FTA nhưng doanh nghiệp chưa tận dụng được. Doanh nghiệp Việt phải bắt tay sòng phẳng với nhà đầu tư nước ngoài.Ảnh: Báo Xây dựng |
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng bản thân đã từng quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 10 năm. Ông thấy nguồn nhân lực Việt Nam yếu tính kỷ luật và làm việc theo khuôn mẫu. Nhưng ngược lại, nhân lực Việt Nam làm việc rất linh hoạt. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, tất cả mọi thứ đều rất nhanh, và đó là một điểm mạnh tiềm năng của nhân lực Việt Nam.
Ông Toàn dẫn chứng vừa rồi, Samsung có đánh giá, sau khi được đào tạo cơ bản, những công nhân kĩ thuật Việt Nam sau 3 tháng, 6 tháng đã bắt kịp tương đối với công nhân từ Hàn Quốc. Trong khi đáng nói là lương của công nhân Hàn Quốc cao gấp từ 2-3 lần công nhân Việt Nam. Hay đã có 2 kỹ sư Việt Nam tham gia vào chế tạo camera cho Samsung. Đấy là điển hình về công nghệ.
Theo ông Toàn, điều đáng ngại là từ phía doanh nghiệp Việt Nam. Phần nhiều doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ, tầm nhìn ở mức ngắn hạn, phải vật lộn với cuộc sống và lo cho cán bộ, công nhân.
Một điểm yếu nữa là Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cung cấp nguyên vật liệu và bán thành phẩm.
Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều FTA nhưng doanh nghiệp chưa tận dụng được. Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt trước hết phải nâng cao được tâm thế và tư thế của mình, phải quyết tâm, phải có tầm nhìn. Muốn nâng được tư thế của mình lên để bắt tay sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài thì phải nâng trình độ doanh nghiệp, và phải liên kết.
“Cái chúng ta làm chưa tốt là các doanh nghiệp lớn, các con chim đầu đàn của Việt Nam thực tế rất mạnh mẽ, nhưng các tập đoàn lớn lại không dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham gia vào chuỗi liên kết. Cần phải khuyến khích, có chính sách để doanh nghiệp hỗ trợ nhau", ông Toàn nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp