10/03/2020 10:21
Chứng khoán toàn cầu tiếp tục chao đảo
Sáng 10/3, thị trường chứng khoán châu Á lại trượt dốc sau khi chứng khoán phố Wall chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, đầu phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 "bốc hơi" hơn 800 điểm xuống còn 18.891,77 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Chỉ số Topix mất 18,41 điểm (1,33%), xuống mức 1.370,56 điểm.
Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (MSCI), không tính Nhật Bản, giảm 0,3%. Trên sàn chứng khoán của Trung Quốc, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải mất 0,83% còn 2.918,93 điểm, trong khi chỉ số Thâm Quyến giảm 1,14% xuống mức 1.821,58 điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hong Kong chứng kiến sự phục hồi nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch. Chỉ số Hang Seng tăng 0,98% lên 25.285,68 điểm.
Trước đó, chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên ngày 9/3, với chỉ số Dow Jones giảm điểm mạnh nhất, trước những lo ngại gia tăng về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu và việc giá dầu sụt giảm.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones mất 2.013,76 điểm, hay 7,79%, xuống 23.851,02 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này giảm 7,87% vào ngày 15/10/2008 khi thị trường biến động do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chỉ số Nasdaq giảm 624,94 điểm, hay 7,29%, xuống 7.950,68 điểm, còn chỉ số S&P 500 cũng mất hơn 7%.
Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc khi truyền thông nước này đưa tin số ca nhiễm virus SARS-COV-2 gây bệnh COVID-19 tại Mỹ đã vượt 500 người, khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm tốc.
Trên sàn chứng khoán Mexico, chỉ số chứng khoán chốt phiên giảm 6,42% xuống còn 38.730 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Tương tự, chứng khoán của Brazil rớt hơn 12%. Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng chao đảo, với các chỉ số chứng khoán tại Anh, Đức và Italy giảm từ 7,5% đến 11,2%.
Thị trường năng lượng châu Á sôi động trở lại trong phiên mở cửa ngày 10/3, với mức tăng hơn 6%, sau khi chứng kiến đà sụt giảm mạnh nhất của giá dầu thế giới trong gần 30 năm qua. Trong phiên giao dịch buổi sáng, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 6,6% lên mức hơn 36 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 6,1% lên hơn 33 USD/thùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, rất khó có khả năng giá dầu sẽ phục hồi nhanh do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 9/3, giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, chứng kiến ngày sụt giá mạnh nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Chốt phiên ngày 9/3, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao trong tháng 4 đã giảm 25% giảm xuống mức 31,13 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent giao trong tháng 5 giảm 24% xuống còn 34,36 USD/thùng.
Giá “vàng đen” giảm mạnh trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga tuần trước không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác. Moskva từ chối hỗ trợ OPEC giảm sản lượng dầu mạnh hơn để đối phó với nhu cầu giảm đáng kể do tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh tế và du lịch. Sau cuộc họp này, cả Saudi Arabia và Nga đều tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác dầu, nguy cơ khiến nguồn cung dầu toàn cầu dôi dư quá mức.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp