Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chứng khoán giữ xu thế uptrend, các chuyên gia điểm danh nhóm cổ phiếu tiềm năng

Chứng khoán

10/06/2024 08:04

Nhiều chuyên gia tài chính gặp nhau ở nhận định, thị trường chứng khoán đang có môi trường thuận lợi để tăng trưởng và sẽ giữ xu thế tăng giá (uptrend) cho tới cuối năm 2024.

Giai đoạn thuận lợi cho chứng khoán

Nhận định về các yếu tố chủ chốt sẽ tác động tới thị trường, ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, trong ngắn hạn có chút quan ngại về áp lực tỷ giá, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng duy trì lãi suất cao lâu hơn, đồng thời nhập khẩu tăng trưởng cũng tạo áp lực nhất định lên tỷ giá.

“Tuy nhiên, chúng ta đều biết thế giới đã ở cuối chu kỳ tăng lãi suất. Việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới hạ lãi suất chỉ là vấn đề thời điểm. Có thể Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9/2024 hoặc muộn hơn, nhưng thị trường chứng khoán luôn phản ánh trước diễn biến này”, ông Huy bày tỏ quan điểm và nhấn mạnh, tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành thị trường tiền tệ rất hợp lý, do đó, rủi ro tỷ giá sẽ được giảm thiểu.

Một yếu tố khác được thị trường quan tâm là lạm phát, song theo ông Huy, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Với diễn biến tỷ giá và lạm phát như vậy, không có lý do gì lãi suất sẽ tăng trong thời gian tới và dù có tăng thì lãi suất vẫn ở vùng rất thấp trong nhiều năm. Lãi suất thấp sẽ ủng hộ phát triển kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Vấn đề cần được quan tâm nhiều nhất là khả năng phục hồi của các nhóm ngành trong nền kinh tế.

Chứng khoán giữ xu thế uptrend, các chuyên gia điểm danh nhóm cổ phiếu tiềm năng- Ảnh 1.

“Chúng tôi đã trao đổi với nhiều doanh nghiệp sản xuất và ghi nhận rằng các đơn hàng đang quay lại, hoạt động sản xuất cải thiện. Các số liệu sản xuất - kinh doanh 5 tháng đầu năm vừa được công bố cũng rất tích cực”, ông Huy chia sẻ.

Từ những phân tích trên, ông Huy cho rằng, lãi suất ở mức thấp, vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi là môi trường lý tưởng với thị trường chứng khoán.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho biết, quỹ này đã theo dõi các chỉ số không phổ biến, ví dụ đo lượng điện tiêu thụ, lượng container ra vào các cảng, hoá đơn mua sắm, chi tiêu tại các chuỗi bán lẻ… và các số liệu cho thấy sự hồi phục đã diễn ra kể từ cuối quý III năm ngoái và “tới thời điểm này, chúng ta đều đồng thuận là nền kinh tế đang trong giai đoạn đầu của hồi phục”.

Theo số liệu của Dragon Capital, lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của Top 80 doanh nghiệp hàng đầu tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, sự tăng trưởng lan rộng ra tất cả các ngành nghề, không riêng nhóm ngân hàng hay các ngành trụ cột như tài chính. Đồng thời, không chỉ doanh nghiệp quy mô lớn, mà các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cũng chứng kiến sự hồi phục.

“Chúng tôi kỳ vọng đà hồi phục lợi nhuận doanh nghiệp sẽ duy trì đến hết năm 2024 và áp lực về tỷ giá sẽ dịu bớt vào quý III và đầu quý IV. Theo đó, đây sẽ là giai đoạn rất thuận lợi cho thị trường chứng khoán”, ông Lộc nói.

Chứng khoán giữ xu thế uptrend, các chuyên gia điểm danh nhóm cổ phiếu tiềm năng- Ảnh 2.

Giới chuyên gia tài chính chia sẻ góc nhìn về cơ hội trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024

Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, một trong những biến số tác động lớn tới thị trường chứng khoán trong nước là câu chuyện nâng hạng. Các công tác chuẩn bị cho việc nâng hạng đã được triển khai tích cực, tuy việc đưa vào vận hành hệ thống KRX bị trì hoãn, gây thất vọng đôi chút, nhưng kỳ vọng vẫn ở phía trước. Bộ Tài chính cũng đã xử lý vấn đề ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài, đây là chất xúc tác giúp việc nâng hạng có thể diễn ra trong thời gian tới.

“Từ nay tới cuối năm, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng uptrend, nhưng sẽ có những giai đoạn điều chỉnh. Việc điều chỉnh có thể liên quan tới diễn biến lãi suất, nhưng không cần quá lo ngại lãi suất sẽ ảnh hưởng tới thị trường cuối năm”, ông Tùng bổ sung thêm.

Lý giải cụ thể hơn, ông Tùng cho biết, lãi suất đã giảm khá sâu trong quý I/2024 khi Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu về tăng trưởng kinh tế, thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng cả năm cho các nhà băng ngay từ đầu năm và phát đi thông điệp sẵn sàng nới room cho nhà băng đáp ứng đủ điều kiện mở rộng tăng trưởng tín dụng và bối cảnh vĩ mô cho phép. Tới nay, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp gia tăng khi hoạt động sản xuất – kinh doanh hồi phục, để đáp ứng nhu cầu vay vốn, ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, nhưng đây không phải rủi ro đáng kể với thị trường, nhất là khi lãi suất đang ở mức thấp hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19.

Các nhóm cổ phiếu tiềm năng

Từ góc độ nhà quản lý quỹ, ông Nguyễn Sang Lộc cho biết, hiện tại, ông đang quản lý quỹ với chiến lược mang tính phòng thủ, tập trung vào các cổ phiếu vốn hoá lớn, hoạt động kinh doanh ổn định, có nguồn trả cổ tức tiền mặt… Bên cạnh đó, một phần nguồn lực ưu tiên phân bổ vào các công ty có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận.

“Sau khi kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp niêm yết được công bố, có thể nhận thấy sự hồi phục đã lan rộng ra toàn thị trường. Trong đó, chúng tôi tập trung vào các nhóm ngành có kỳ vọng nhiều nhất như sản xuất, xuất khẩu… Dù các đơn hàng chưa được như trước nhưng đã quay trở lại. Bên cạnh đó, một số ngành có kỳ vọng ổn định như ngân hàng cũng là một phần trong danh mục cần duy trì. Top 3 nhóm ngành mà chúng tôi đang quan tâm là bán lẻ, ngân hàng và IT”, ông Lộc cho biết.

Chứng khoán giữ xu thế uptrend, các chuyên gia điểm danh nhóm cổ phiếu tiềm năng- Ảnh 3.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Huy cho biết, việc chọn ngành cho nhà đầu tư cá nhân có nhiều khác biệt so với quỹ, bởi quy mô quỹ ảnh hưởng tới khả năng “đi tiền”. Ví dụ, Quỹ VLGF do ông Huy đang quản lý phân bổ 75% khoản đầu tư cho nhóm doanh nghiệp đầu ngành, phần còn lại là các doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng, cổ phiếu giá hấp dẫn.

“Với nhà đầu tư cá nhân, trong 6 tháng tới, có rất nhiều cơ hội vì quy mô đi tiền thoáng hơn, nhiều lựa chọn khác nhau. Nếu ưa thích rủi ro cao hơn một chút thì lựa chọn nhóm cổ phiếu chứng khoán, không chỉ công ty lớn mà công ty nhỏ cũng có tiềm năng bứt phá. Với dòng vốn FDI tích cực, nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi. Nhóm tiêu dùng thiết yếu phù hợp với khẩu vị rủi ro ở mức an toàn hơn. Nhóm cổ phiếu này đã giảm trong năm ngoái và từ đầu năm tới nay mới tăng nhẹ”, ông Huy nhận định.

Còn theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS, có 3 nhóm ngành đặc thù có câu chuyện tăng trưởng:

Thứ nhất là hoá chất, trong đó có nhóm doanh nghiệp cao su, cao su tự nhiên, phân bón.

Thứ hai, nhóm mang tính đặc thù là cổ phiếu thép. Nhóm cổ phiếu thép rất đặc biệt, với những cổ phiếu tên tuổi như Hoà Phát (HPG), Nam Kim (NKG), Hoa Sen (HSG). Đây là nhóm hồi phục kết quả kinh doanh rất tốt trên nền thấp năm 2023. Từ đầu năm tới nay, các cổ phiếu lớn trong nhóm này đã tăng rất mạnh, và cơ hội sẽ đến với nhóm cổ phiếu vừa phải hơn.

Thứ ba là dầu khí, nhóm cổ phiếu mà các nhà đầu tư thường hay kêu khó giao dịch, khó đầu tư. Năm nay, có 2 nhóm mà ông Khánh đánh giá sẽ có kết quả kinh doanh nổi trội, ngoài thép thì có dầu khí, đặc biệt là nhóm thượng nguồn - chuyên về khảo sát, khoan thăm dò, cơ khí dầu khí…

Đáng chú ý, hai nhóm cổ phiếu thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường là cổ phiếu công nghệ và ngân hàng cũng được các chuyên gia đề cập. Cụ thể, ông Lê Đức Khánh cho biết, nhóm dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông là nhóm đặc thù.

“Trong nhóm này, các cổ phiếu như FPT, CMG giai đoạn vừa qua tăng rất mạnh. FPT đang giao dịch trong khoảng 130.000 - 140.000 đồng/cổ phiếu. Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ thông tin viễn thông có thể tăng tiếp, nhưng nhà đầu tư cần xem xét kỹ. Các cổ phiếu midcap vẫn có dư địa tăng trưởng, phù hợp túi tiền và đó có thể là cổ phiếu triển vọng”, ông Khánh nói.

Về nhóm ngân hàng, ông Tùng cho biết, Rồng Việt dự phóng ngành này sẽ hồi phục tốt hơn trong năm 2024. Mức tăng trưởng lợi nhuận năm nay của ngành ngân hàng dự phóng ở mức 15 - 20% và diễn biến tăng trưởng một phần được hỗ trợ bởi mức nền thấp năm ngoái, khi tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh.

“NIM ngân hàng đã tạo đáy từ quý III/2023, phần chi phí vốn giá cao từ cuối năm 2022 và có kỳ hạn dài đã dần đáo hạn, hoặc chuyển thành CASA. Dù chi phí vốn giảm nhưng tăng trưởng tín dụng thấp và cạnh tranh lãi suất đầu ra cũng ảnh hưởng tới NIM quý I. Nhiều khả năng NIM sẽ cải thiện nhưng có sự phân hoá lớn giữa các ngân hàng”, ông Tùng phân tích.

Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu nhóm ngân hàng, ông Khánh cho biết: “Các cổ phiếu ngân hàng về bản chất là nhóm vốn hoá lớn. Theo quan điểm đầu tư của tôi, cần xét thêm nhiều yếu tố ngành, bởi ngành này cần có biện pháp định giá đặc biệt. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu nhà băng chỉ tăng trưởng khi có đột biến về doanh thu, hoặc chất xúc tác khác như đón vốn ngoại, thực hiện các thương vụ M&A… Nếu không có các yếu tố này thì cổ phiếu khó có sự đột phá. Theo đó, đây không phải nhóm ưu tiên cao so với nhóm ngành khác, nhưng vẫn là nhóm nên có khi đầu tư vì tính chất ổn định”.

Có nhiều yếu tố cần quan tâm tới hoạt động của nhóm ngân hàng

Chứng khoán giữ xu thế uptrend, các chuyên gia điểm danh nhóm cổ phiếu tiềm năng- Ảnh 4.

Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á

Đầu năm 2024, có giai đoạn cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường chứng khoán, nhờ đón nhận nhiều thông tin tích cực, ví dụ các nhà băng được cấp room tín dụng ngay từ đầu năm, kỳ vọng NIM tiếp tục cải thiện và chia cổ tức. Trong đó, thay vì trả cổ tức bằng cổ phiếu như các năm trước, năm nay, nhiều ngân hàng đã tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt. Trong đó, VPBank trả cổ tức tiền mặt 10%, MB Bank trả 15% bằng cổ phiếu và 5% tiền mặt, đặc biệt Techcombank trả cổ tức tiền mặt 15%. Ngoài ba ngân hàng kể trên, năm 2024, còn có các ngân hàng khác sẽ triển khai trả cổ tức tiền mặt như TPBank, MSB, VIB, ACB, HDBank, Eximbank và SHB.

Giá cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng khoảng 20% trong quý I, một số cổ phiếu còn tăng hơn 30%. Tuy nhiên, hiện tại, sự hưng phấn đã giảm bớt và mức tăng quay trở lại vào khoảng 14%.

Có nhiều yếu tố cần quan tâm tới hoạt động của nhóm ngân hàng, từ đó sẽ tác động tới giá cổ phiếu trong thời gian tới. Trong đó, các yếu tố cần quan tâm bao gồm cả tỷ giá, lãi suất, câu chuyện chất lượng lợi nhuận, nợ xấu… Từ góc nhìn người kinh doanh tiền tệ, trong "vạn biến" thì tôi nhấn mạnh yếu tố tỷ giá. Tôi tin rằng năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ không hy sinh tỷ giá vì lãi suất. Đích đến là tỷ giá, lãi suất chỉ là phương tiện.

Bên cạnh đó, bức tranh tài chính của các ngân hàng không đẹp như kỳ vọng. Nợ xấu đang tăng lên tại hầu hết các nhà băng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm sâu, từ mức khoảng 150% xuống còn 87% trong quý I. Tăng trưởng lợi nhuận quý I của 27 nhà băng ở mức 9,5%, cũng thấp hơn so với kỳ vọng tăng 12-15%. Đây là những áp lực mà các ngân hàng phải đối diện từ nay tới cuối năm.

Trong bối cảnh kinh doanh như vậy, việc các ngân hàng phân hoá lợi nhuận là tất yếu, từ đó tác động tới diễn biến cổ phiếu.

LAM PHONG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement