10/10/2019 09:19
Chọn đồ đi phượt như thế nào?
Để có thể phượt an toàn trên những cung đường đèo nguy hiểm, các bạn sẽ cần phải trang bị một số phụ kiện sau khi điều khiển chiếc xe của mình.
Nên trang bị gì cho chuyến đi phượt?
Mục đích ra đời của các loại đồ bảo hộ đi phượt tiêu biểu như mũ bảo hiểm, găng tay xe máy, giáp bảo hộ… là để hỗ trợ chuyến đi diễn ra thuận lợi, đảm bảo an toàn cho dân phượt khi di chuyển trong địa hình hiểm nguy, giảm thiểu mức độ gây ra tai nạn thương tâm không đáng có.
Găng tay
Loại găng tay này được thiết kế tiện dụng trong việc lướt điện thoại mà không cần phải tháo ra và che chắn an toàn khi đi đường. |
Găng tay lái xe tạo cảm giác, nắm chặt hơn, đỡ xây xước bàn tay nên chẳng may bị đổ xe phải chống tay xuống đường.
Dạo gần đây cư dân mạng, chủ yếu là nhóm phượt thủ chia sẻ về dòng găng tay cảm ứng đang rất được ưa chuộng trên thị trường, để bắt kịp xu hướng đó găng tay xe máy có cảm ứng điện thoại đang là một sự lựa chọn tốt.
Theo tìm hiểu của PV, loại găng tay xe máy cảm ứng điện thoại City là sản phẩm của nhãn hiệu đồ bảo hộ nổi tiếng Madbiker nhà sản xuất các sản phẩm bảo hộ mô tô xe máy chất lượng. Găng tay được thiết kế với nhiều chi tiết cấu tạo nên một đôi găng tay đẹp, nếu nói đến sự hoàn hảo có thể đạt chuẩn 90% về sự chấp nhận sử dụng. Còn 10% phụ thuộc và sở thích của người dùng.
Giá của loại găng tay này giao động khoảng 250.000 - 500.000 đồng/cặp.
Dây phản quang
Với giá thành rẻ, phụ kiện này nên được các phượt thủ chuẩn bị sẵn để giữ an toàn khi đi cả ngày lẫn đêm. |
Đây là dây phản quang dạng sợi dùng để đeo bên ngoài áo khoác, áo giáp hoặc áo bình thường khi các biker chạy tour xa, đi phượt đặc biệt là đi đêm (đi ban ngày vẫn có công dụng rất tốt)
Phản quang, dạ quang ánh sáng khi có đèn xe máy chiếu cùng chiều/ngược chiều giúp gây chú ý các xe tải, xe khách, xe lớn đi ngoài xa lộ, đường lớn.
Ngoài ra khi đi theo đoàn, team đông dây phản quang giúp mọi người dễ nhận biết quan sát - kiểm soát các thành viên trong đoàn để chạy xe an toàn, đi phượt không thất lạc nhau.
Giá thị trường trung bình 50.000 đồng/dây.
Mũ bảo hiểm chuyên dụng
Nhân viên tư vấn tên M.T.. của cửa hàng chuyên mũ đi phượt trên đường Tân Sơn, quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, nhu cầu hiện nay khách hàng thường có sự lựa chọn các loại nón 3/4 và full-face (loại che cả mặt) các hãng như: Royal M04 Carbon giá 2,1 triệu đồng; mũ bảo hiểm Royal M03 tem giá 820.000 đồng; mũ bảo hiểm Royal M09 Carbon giá 3,5 triệu đồng; mũ bảo hiểm Chita Fullface CT34 giá 460.000 đồng; mũ bảo hiểm Royal M03 trơn giá 800.000 đồng.
Nhân viên tư vấn cho hay sở dĩ nên chọn mua các loại nón này thay cho các loại mũ thông thường bởi phần vỏ nón được thiết kế chắc chắn, vừa vặn với khuôn đầu, bảo vệ toàn bộ phần đầu và cằm giúp cho bạn yên tâm chinh phục mọi chặng đường. Ngoài ra, nón còn được trang bị lớp kính trong suốt giúp chắn mưa, nắng hiệu quả. Bên cạnh nón full-face thì nón 3/4 cũng là một lựa chọn hợp lý nếu bạn muốn tìm cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, nón 3/4 chỉ phù hợp với những chặng đường ngắn.
Giáp an toàn cho cơ thể
Anh Trịnh Quân chủ một cửa hàng chuyên các trang phục đi phượt hoạt động được 2 năm trên đường Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho hay xu hướng 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm các phượt thủ hào hứng với cung đường Tây Bắc, Đông Bắc bởi nhiều cảnh quan hùng vĩ, đường đèo ngoạn mục, không khí mát mẻ là điều mà nhiều người bất chấp để đi du lịch kiểu “ăn bờ ngủ bụi”.
Với kinh nghiệm 5 năm đi phượt cùng các nhóm bạn trẻ từng có kinh nghiệm chinh phục nhiều cung đường đèo, đường biển đẹp nhất Việt Nam, anh Quân cho biết hiện nay hầu hết các cửa hàng bán giáp tay - chân và áo chắn gió theo dạng combo. Thông thường ở mức giá tầm thấp, bạn có thể mua giáp tay 150.000 đồng/cặp; giáp khủy gối 150.000 đồng/cặp; áo khoác chắn gió 500.000 đồng/cái. Tổng cộng 3 món này là 800.000 đồng, tuy nhiên, nếu mua 1 lúc cả 3 món này thì giá thành sẽ chỉ còn 600.000 đồng và tiết kiệm được 200.000 đồng.
Lý giải cho việc mua trọn combo để được khuyến mãi bởi thời điểm cuối năm các cửa hàng muốn đẩy nhanh sản phẩm cũ để đổi mới mặt hàng từ các nhà sản xuất khác. Nhưng lưu ý khi mua bất kỳ phụ kiện hay trang phục cho việc đi phượt, các bạn nên trình bày rõ ràng với nhân viên tư vấn về nhu cầu của mình đi trải nghiệm ở loại địa hình nào, chứ không nên ham rẻ và thấy mua combo được giá hời mà ẫm trọn cả bộ kẻo sẽ không dùng được hết.
Các thương hiệu trang phục đi phượt uy tín được ưa chuộng
Đối với mọi thương hiệu đồ bảo hộ đi phượt, dù là dòng bình dân hay cao cấp, tiêu chí ấy luôn được đặt lên đầu tiên. Tìm đến những nhãn hàng sản xuất đồ phượt nổi tiếng, được nhiều người biết đến và đã tin tưởng sử dụng, giúp người mua tăng cơ hội lựa chọn những món đồ phượt chất lượng tốt và kèm theo đó là độ an toàn cao.
Có rất nhiều mặt hàng bảo hộ đi phượt giá rẻ tràn lan trên thị trường, nhưng không phải lúc nào rẻ cũng đi kèm với chất lượng. Những lúc muốn mua phụ kiện đi phượt tốt, chất lượng nhưng không có kinh nghiệm, bạn có thể tìm đến các thương hiệu đồ bảo hộ đi phượt nổi tiếng, uy tín và tìm mua món hàng cần. Dẫu sao, mặt hàng của một thương hiệu uy tín sẽ mang lại độ tin cậy cao hơn thương hiệu vô danh.
Anh Quân cho gợi ý cho khách hàng vài thương hiệu đồ đi phượt uy tín như: The North Face. Đây là thương hiệu chuyên về mảng sản xuất đồ outdoor (trang phục ngoài trời), sản phẩm vô cùng đa dạng: ba lô, áo khoác gió, quần chống nước….; thương hiệu Scoyco sản xuất đa dạng loại đồ bảo hộ: găng tay, giáp bảo hộ, giày đi motor, mũ bảo hiểm…, găng tay Scoyco rất được ưa chuộng ở Việt Nam vì chất lượng cao, dù giá thành có hơi cao so với các dòng găng tay xe máy khác.
Hay thiết kế của thương hiệu Probiker cũng rất bắt mắt, thời trang và mang phong cách bụi bặm, cá tính đúng với chất biker và dân phượt. Sản phẩm khá đa dạng: găng tay, mũ bảo hiểm, giáp bảo hộ, tất, giày …. Đây là thương hiệu được nhiều bạn trẻ chọn lựa vì giá thành khá mềm.
Nếu mua cả 2 loại giáp tay và giáp khủy gối loại Probiker sẽ có giá 700.000 đồng. Bó gối chất liệu Carbon Pro-Biker 4 món là loại bó gối dùng để bảo vệ chủ yếu phần đầu gối ở chân, cùi chỏ ở tay.
Công dụng hấp thu xung động, giảm chấn động bảo vệ chân, phần đầu gối nhạy cảm dễ bị trầy, tổn thương khi có sự cố, va chạm khi tham gia giao thông hoặc lưu thông ngoài đường.
Thêm lý do nữa mà các phượt thủ ưa chuộng bởi phần chính bó gối được làm từ 100% chất liệu carbon thật, giúp tăng cường độ bền cũng như an toàn cho người dùng. Phù hợp cho các bạn Biker thường xuyên phải chạy xe đường xa đi tour hoặc đi phượt.
Cộng đồng "Thích Đi Phượt" chia sẻ kinh nghiệm sống còn khi đi đường đèo núi
Các phượt thủ lưu ý dù bo đường đèo núi hay đi đường đồng bằng cũng chỉ nên đi ở 2/3 làn đường của mình, không lấn làn (bám sát theo vạch kẻ đường ở giữa) đối với những đường không có vạch kẻ đường thì phải ước lượng phần làn đường của mình được đi. Không đi sát lề đường quá bởi kinh nghiệm cho thấy khu vực phía Bắc thường có hiện tượng "đinh tặc".
Có nhiều chốt giao thông vì vậy, không nên uống bia rượu khi nghỉ giữa các chặng, vừa đảm bảo an toàn cho chính bạn vừa tránh gặp phải rắc rối với lực lượng CSGT.
Không vượt khi phía trước tầm nhìn bị hạn chế, phía trước là khúc cua. Cố gắng hạn chế tối đa việc vượt phải (các xe khi chạy hầu hết đã bám đường bên phải nên nếu bạn vẫn lựa chọn vượt phải thì phần đường dành cho bạn không nhiều, rất nguy hiểm) khi vượt các xe tải, container hoặc các xe siêu trường siêu trọng nên giữ khoảng cách an toàn với thân xe, không nên chạy sát quá bởi các xe này khi chạy thường tạo ra lực hút xung quanh rất lớn, nếu tay lái không vững bạn có thể bị gió tạo ra từ đây hút vào gầm xe.
Nếu những xe này chạy với tốc độ cao, nên nhường không nên cố vượt hoặc chấp nhận đi chậm theo sau và vượt khi vào khu vực dân cư (lúc này xe đã giảm tốc) Khi vượt phải nháy xi nhan và còi liên tục, đi vào khu vực gương chiếu hậu của xe tải có thể nhìn được bạn và ra tín hiệu đồng ý vượt.
Vào thời điểm cuối năm cung đường Tây Bắc vẫn có mưa phùn nên dễ gặp phải tình trạng bùn lầy lội hoặc đoạn đường trơn thì nên giảm tốc độ, yêu cầu ôm xuống đi bộ nếu đoạn đường khó, cân chỉnh lại đồ đạc để đảm bảo sự cân bằng của xe (tùy tình huống cụ thể mà nên giữ hay nên để nguyên đồ đạc trên xe), giữ chắc tay lái và ga đều, nên lần lượt từng xe qua chứ không nên vượt nhau ở những đoạn đường thế này.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp