Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson lung lay sau 2 lần thất bại tại Quốc hội Anh

Phân tích

10/09/2019 14:24

Sau một tuần đầy thất bại, Thủ tướng Anh Boris Johnson lại đang bắt đầu một tuần mới với bầu không khi vô cùng ảm đạm liên quan hồ sơ Brexit

Theo đài CNBC, đây là lần thứ hai trong vòng một tuần các nhà làm luật Anh bác bỏ đề nghị của ông Johnson về việc tổ chức bầu cử sớm để phá thế bế tắc hiện nay. 293 trong tổng số 650 thành viên Hạ viện Anh bỏ phiếu ủng hộ ông Johnson, không đủ tỷ lệ 2/3 bắt buộc để đề xuất này được chấp thuận. 

Với luật mới được thông qua, ông Johnson có vẻ đã mất quyền kiểm soát quá trình đưa Anh rời khỏi EU. Luật mới yêu cầu ông xin hoãn trừ khi ông đạt được thỏa thuận mới tại hội nghị thượng đỉnh của EU vào tháng tới. 

Các lãnh đạo EU nhiều lần nói rằng họ chưa nhận được đề xuất cụ thể nào trước thềm thượng đỉnh vào ngày 17-18/10, nơi ông Johnson hy vọng có thể đạt được thỏa thuận. 

“Chính phủ sẽ thúc đẩy đàm phán thỏa thuận, trong khi vẫn chuẩn bị cho việc rời đi mà không có thỏa thuận”, ông Johnson nói trước quốc hội sau khi có kết quả bỏ phiếu về đề xuất bầu cử sớm. 

“Tôi sẽ đến hội nghị thượng đỉnh quan trọng đó vào ngày 17/10 và dù quốc hội có nghĩ ra bao nhiêu cách để trói tay tôi thì tôi vẫn sẽ đạt được một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia... Chính phủ sẽ không trì hoãn Brexit thêm nữa”, ông tuyên bố. 

Thủ tướng Anh Boris Jonhson tại Quốc hội Anh. Ảnh: CNBC.
Thủ tướng Anh Boris Jonhson tại Quốc hội Anh. Ảnh: CNBC.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nói rằng đảng của ông sẵn sàng đồng ý bầu cử sớm, nhưng sẽ không ủng hộ ông Johnson làm điều này cho đến khi Brexit chắc chắn được hoãn. Brexit, chuyển động địa chính trị quan trọng nhất của Anh trong mấy thập kỷ, cho đến giờ vẫn là một câu hỏi dù đã 3 năm trôi qua kể từ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân. 

Luật mới được thông qua ngày 9/9, với sự đồng ý của Nữ hoàng Elizabeth, sẽ yêu cầu ông Johnson phải trì hoãn thời hạn 31/10 trừ khi quốc hội thông qua một thỏa thuận muộn nhất đến ngày 19/10. 

Đáp lại lo ngại chính phủ có thể bất tuân luật, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định trước quốc hội rằng chính phủ sẽ tôn trọng pháp quyền. Nhưng ông nói thêm: “Đôi khi tình hình có thể phức tạp hơn vì có những luật mâu thuẫn nhau hoặc cố vấn pháp lý trái ngược”. 

Bầu cử trước năm 2020

Trong tối qua, Hạ viện Anh cũng đã thông qua mà không cần bỏ phiếu yêu cầu của thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn rằngThủ tướng Anh phải tuân thủ luật về ngăn chặn Brexit không thoả thuận mới được Nghị viện thông qua. Tuy nhiên, bất chấp tất cả các nỗ lực này từ phía Nghị viện Anh lẫn các đảng đối lập, không có gì đảm bảo là Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tuân thủ luật này. 

Trong tối 9/9, ông Johnson vẫn khẳng định lại lần nữa là ông sẽ không yêu cầu EU gia hạn Brexit, tức là từ chối tuân thủ luật. Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ ông Johnson tuyên bố là có đến 20 cách mà ông Johnson có thể sử dụng để né tránh việc phải tuân thủ luật ngăn Brexit không thoả thuận. 

  Ông Johnson có nguy cơ buộc phải từ chức và thậm chí ngồi tù nếu từ chối thực thi luật ngăn Brexit không thỏa thuận. Ảnh: Sky News.

Ông Johnson có nguy cơ buộc phải từ chức và thậm chí ngồi tù nếu từ chối thực thi luật ngăn Brexit không thỏa thuận. Ảnh: Sky News.

Tuy nhiên, có một số kịch bản được nhắc đến nhiều. Kịch bản đầu tiên, đó là ông Boris Johnson hoàn toàn phớt lờ luật này. Khi đó thì chắc chắn chính trường Anh sẽ rơi tiếp vào một cơn bão khủng hoảng hiến pháp và chính trị bởi một Thủ tướng đã không tôn trọng quyền lực cao hơn của Nghị viện, điều ít khi xảy ra trong nền dân chủ lấy quyền lực nghị viện làm trọng tâm như Vương quốc Anh. 

Khi đó, mọi việc sẽ phải đưa ra giải quyết trước Toà án và ông Boris Johnson sẽ đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt, thậm chí phải ngồi tù. Vì thế, đây sẽ là kịch bản nguy hiểm cả về mặt chính trị và thể chế cho nước Anh lẫn cho số phận cá nhân ông Johnson.

Khả năng thứ hai, đó là cùng lúc với việc gửi thư đề nghị EU gia hạn Brexit đến 31/01/2020 như luật của Nghị viện Anh yêu cầu, ông Boris Johnson có thể gửi một lá thư thứ hai cho EU nói rõ rằng chính phủ Anh không muốn gia hạn và đề nghị EU không phê chuẩn yêu cầu từ Anh. Tuy nhiên, như cảnh báo của cựu thẩm phán Toà án tối cao của Anh, ông Sumption, thì Toà án Anh không phải ngu ngơ để mặc cho Thủ tướng Anh hành động như thế và như vậy cũng là phạm luật.

Cách tiếp theo mà ông Boris Johnson có thể dùng, đó là từ chức và khi đó nước Anh sẽ phải có một lãnh đạo khác đến Brussels đề nghị EU gia hạn Brexit, trong khi chờ đợi tuyển cử sớm. Người đó nhiều khả năng là thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn và khi đó ông Johnson sẽ tung ra chiến dịch vận động tranh cử quy mọi thất bại và hậu quả Brexit lên phe Công đảng.

Chính quyền của ông Boris Johnson rung chuyển

Ông Johnson trở thành thủ tướng từ tháng 7, sau khi người tiền nhiệm Theresa May không thể thuyết phục quốc hội thông qua thỏa thuận mà bà đạt được với EU. 

Jo Johnson, em trai Thủ tướng Anh, từ chức Bộ trưởng Kinh doanh và nghị sĩ đảng Bảo thủ hôm 5/9 do bất đồng về Brexit với anh.

  Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và em trai Jo Johnson. Ảnh: Financial Times.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và em trai Jo Johnson. Ảnh: Financial Times.

Bộ trưởng Kinh doanh, nghị sĩ đảng Bảo thủ Jo Johnson quyết định từ chức vì "bị giằng xé giữa lòng trung thành gia đình, lợi ích quốc gia" và những "căng thẳng không thể giải quyết", theo bài đăng trên Twitter của ông sau khi nộp đơn từ chức.

Thêm một thành viên quan trọng trong nội các Anh từ chức để phản đối thủ tướng Boris Johnson. Tối 7/9, bà Amber Rudd, bộ trưởng Lao Động và đặc trách về chế độ hưu bổng của Anh thông báo rời khỏi nội các và từ bỏ đảng. Lý do là bà bất bình trước việc thủ tướng Johnson khai trừ khỏi đảng hơn 20 nghị viên chống đối kế hoạch "Brexit No Deal" của ông.

Ông Boris Johnson đã đến Dublin sáng 9/9 và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar. Trong cuộc hội đàm đó thì ông Varadkar đã nói rất rõ các quan ngại của phía Ireland về tình hình Brexit hiện nay và cho rằng nếu một thoả thuận Brexit mà không có điều khoản “chốt chặn – backstop” thì với Ireland sẽ đồng nghĩa với việc không có thoả thuận, tức là Ireland sẽ ngăn chặn điều đó. 

Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar đã đề nghị ông Boris Johnson sớm đưa ra các đề xuất cụ thể liên quan đến vấn đề backstop và tuyên bố là Ireland sẽ không chấp nhận đứng bên lề và nhận các lời hứa suông từ phía Anh. Cuộc gặp nhìn chung không đưa ra được các bước đi cụ thể nhưng cũng giúp hai bên hiểu rõ hơn các quan điểm của nhau, dù khác biệt vẫn còn rất lớn.

Trong tất cả các nước EU thì Ireland là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất một khi Brexit không thoả thuận diễn ra. Về kinh tế, ước tính là Ireland sẽ mất khoảng 5% GDP nếu Brexit không thoả thuận diễn ra do Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của khoảng 900.000 doanh nghiệp Ireland. Ngoài ra, Brexit không thoả thuận cũng sẽ cản trở hàng hoá Ireland xuất khẩu sang EU do phần lớn số hàng này được vận chuyển qua các cảng của Anh. 

MINH TUẤN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement