Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chỉ nên đánh thuế bất động sản sau năm 2020

Phân tích

17/11/2017 07:46

Đánh thuế tài sản nếu chỉ áp dụng cho TP.HCM sẽ gây tác động bất lợi trong dân chúng, dẫn đến sự dịch chuyển về dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến tỉnh thành khác.

TP.HCM có dáng dấp của một siêu đô thị với dân số khoảng 13 triệu người. Trong đó, có khoảng 3 triệu người nhập cư, đã đóng góp đến 1/3 GDP, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và trong nhiều năm cũng là địa phương thu hút nguồn vốn FDI cao nhất của cả nước, khối lượng công việc hành chính cũng lớn nhất nước.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 định hướng, tạo cơ chế và điều kiện để TP.HCM bứtphá. Đến nay rất cần được bổ sung những chính sách và cơ chế mới để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển theo phương châm "Thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố".

Bản thân tôi rất hoan nghênh dự thảo Quy định cơ chế đặc thù cho TP.HCM đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này. Quy định cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện để TP.HCM bứt phá, phát triển mạnh mẽ để thực hiện vai trò đầu tàu của nền kinh tế, là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật công nghệ, xây dựng đô thị thông minh, hiện đại ngang tầm các đô thị hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, các tầng lớp nhân dân có chất lượng sống tốt.

Việc đánh thuế tài sản sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản TP.HCM.

Qua nghiên cứu về đề xuất dự kiến thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TP.HCM trong dự thảo Quy định cơ chế đặc thù cho thành phố, tôi thấy thuế tài sản, trọng tâm là thuế bất động sản là sắc thuế được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng đối với người sở hữu tài sản đã tạo nguồn thu ngân sách ổn định và bền vững.

Ví dụ, bang California của Hoa Kỳ đánh thuế bất động sản khoảng 1,23%/năm trên giá trị tài sản. Như vậy, sau khoảng 81 năm sẽ thu thuế được 100% giá trị của bất động sản và mở ra chu kỳ thu thuế tiếp theo.

Tuy nhiên, Quốc hội nên xem xét thật cẩn trọng, chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TP.HCM tại thời điểm hiện nay mà nên dời lại sau năm 2020 thì phù hợp hơn. Nếu thực hiện thì áp dụng đồng thời trên cả nước, không nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản chỉ riêng tại TP.HCM hoặc bất cứ tỉnh thành nào.

Bởi vì nền kinh tế đất nước và thị trường bất động sản vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa thật sự vững chắc, giá nhà vẫn còn rất cao, gấp khoảng trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội, thu nhập của người dân nhìn chung vẫn còn thấp và chưa thật ổn định.

Đối với TP.HCM, dù tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh hàng năm, thu nhập GDP đầu người hiện đã vượt mức 5.000 USD/người và dự kiến sẽ vượt mức 10.000 USD/người vào năm 2020 nhưng chi phí thực tế để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tại TP.HCM vẫn rất đắt đỏ so với các tỉnh.

Nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản thì có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách TP.HCM nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất của Sài Gòn tăng lên, kể cả giá đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng tăng lên, đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo, làm cho cuộc sống đắt đỏ hơn nữa. Đặc biệt là tác động làm giảm sức cạnh tranh của thành phố, bởi lẽ các địa phương khác chưa thực hiện đánh thuế tài sản.

Dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ để tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế. Giá nhà đất hiện tại đang cao so với thu nhập của người dân, mà một nguyên nhân là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất.

Tiền sử dụng đất mặc dù không gọi là thuế, nhưng là một khoản nộp vào ngân sách Nhà nước rất lớn. Thông thường, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư, chiếm khoảng trên dưới 30% giá nhà phố, chiếm khoảng trên dưới 50% giá nhà biệt thự.

Do vậy, khi áp dụng sắc thuế tài sản thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi. Ngày 8/11/2013, UBND TP.HCM đã đề nghị Chính phủ bỏ chế định thu tiền sử dụng đất và thay thế bằng thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, với thuế suất khoảng 10 hoặc 15% giá đất trong bảng giá đất sát giá thị trường của các tỉnh thành.

Về cơ chế thí điểm, tôi cho rằng chỉ nên thực hiện cơ chế thí điểm nếu mục đích nhằm tăng thêm quyền lợi hoặc làm giảm bớt đi nghĩa vụ đối với đối tượng bị tác động. Do vậy, việc thực hiện cơ chế thí điểm đánh thuế tài sản mà chỉ áp dụng cho TP.HCM sẽ làm tăng nghĩa vụ nộp thuế đối với mọi chủ thể sở hữu tài sản, làm giảm thu nhập thực tế, sẽ gây tác động bất lợi trong các tầng lớp dân cư, có thể dẫn đến sự dịch chuyển về dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến các tỉnh thành khác và sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản TP.HCM.

Khi xây dựng Luật thuế tài sản, thuế nhà, đất vào thời điểm sau năm 2020 thì cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta như chưa nên đánh thuế đối với nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn hoặc người chỉ có một nhà để ở, có giá trị dưới 1 tỉ đồng ở đô thị, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.

LÊ HOÀNG CHÂU
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement