18/12/2022 11:14
Châu Á giải quyết các vấn đề về lương thực và năng lượng như thế nào?
Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai số ra mới đây có bài viết khẳng định không nơi nào tốt hơn Nga để thảo luận về vấn đề lương thực và năng lượng mà châu Á và Nam Bán cầu nói chung đang đối mặt.
Nga là vựa lúa mỳ của châu Á và là nhà cung cấp chính các nguồn năng lượng trên thế giới. Tại châu Á, các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực từ khu vực Biển Đen, là một trong 6 vựa lương thực chính của thế giới.
Các quốc gia chính của khu vực Biển Đen sản xuất 12% tổng lượng thực phẩm được bán trên thế giới; những nước này kiểm soát 29% xuất khẩu lúa mỳ thế giới, 19% xuất khẩu ngô và 78% xuất khẩu dầu hướng dương.
Một thị trường có nguồn cung ngày càng thu hẹp
Hơn 1 tỷ người ở châu Á và châu Phi có nguy cơ sẽ bị đói nếu không có nguồn cung cấp lương thực từ Nga và một số quốc gia trong khu vực.
Ấn Độ - quốc gia lớn nhất ở Nam Bán cầu - đã có thể tự túc về sản xuất lương thực thông qua nhiều thập kỷ lên kế hoạch cẩn thận. Tuy nhiên, nước này vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón và dầu ăn đến từ khu vực Biển Đen.
Tình hình ở các quốc gia châu Á khác là khác nhau. Bangladesh và Indonesia - những quốc gia có dân số khổng lồ, phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc lương thực của Nga. Ví dụ, gần 55% lúa mỳ nhập khẩu của Bangladesh đến từ Nga và các nước láng giềng.
Ngoài ra, trong những thập kỷ gần đây, một quá trình gọi là "thịt hoá" đã diễn ra ở châu Á. Trong 4 thập kỷ vừa qua, mức tiêu thị thịt bình quân đầu người ở châu Á đã tăng gấp 5 lần. Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia đã trở thành những nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm gia súc, gia cầm và thuỷ sản. Tất cả quá trình sản xuất thịt này đều cần thức ăn chăn nuôi mà các thành phần chính (ngô và đậu tương) đến từ Nga.
Trong vài năm qua, đại dịch và các yếu tố địa chính trị đã gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực lớn. Cuộc khủng hoảng này được xem là tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia và cộng đồng có thu nhập thấp ở Nam Bán cầu. Khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp lương thực của Nga, đặc biệt là lúa mỳ, ngô và dầu hướng dương. Hầu hết trong số họ là các nước nghèo ở châu Á và châu Phi phụ thuộc vào nhập khẩu.
Maximo Torero Cullen, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tuyên bố rằng "1/5 lượng calo mà con người tiêu thụ vượt qua ít nhất một biên giới quốc tế".
Cuộc khủng hoảng hiện nay dẫn đến hai kịch bản. Thứ nhất, các quốc gia chuyển sang tự cung tự cấp hoặc tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế. Thứ hai, các chuỗi cung ứng mới đang nổi lên.
Một số nguồn nhập khẩu thực phẩm thay thế đang nổi lên, chẳng hạn như Australia và Canada (ngô) và Pháp, Mỹ (lúa mỳ).
Tuy nhiên, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng trong vài năm qua đã dẫn đến tình trạng thiếu phân bón và thuốc trừ sâu ngay cả ở những quốc gia này, dẫn đến giảm sản lượng và tăng chi phí tương ứng.
Tương lai của thị trường năng lượng và thực phẩm
Những gì xảy ra với an ninh lương thực cũng xảy đến với an ninh năng lượng. Sự thiếu hụt trầm trọng các nguồn năng lượng dẫn đến tình trạng căng thẳng nghiêm trọng đối với các quốc gia Nam Bán Cầu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Một xu hướng đáng lo ngại là việc mở lại các nhà máy điện than và điện hạt nhân ở một số nước Tây Âu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Rõ ràng là cái giá môi trường phải trả cho những hành động như vậy sẽ do các nước đang phát triển ở châu Á và các khu vực khác gánh chịu.
Ấn Độ tập trung vào việc tuân thủ 4 nguyên tắc an ninh năng lượng: khả năng chi trả; khả năng sử dụng; khả năng chấp nhận và tính khả thi. Nước này đang tập trung vào các giải pháp thay thế sạch hơn – bao gồm khí đốt tự nhiên và các nguồn năng lượng tái tạo – để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ. Đến năm 2030, theo kế hoạch Ấn Độ sẽ tăng tỷ lệ khí đốt trong tiêu thụ năng lượng lên 15%.
Ấn Độ đứng thứ 4 trên thế giới về công suất năng lượng tái tạo và trong 7 năm qua, năng lượng từ nhiên liệu phi hóa thạch đã tăng hơn 25% ở nước này. Quốc gia này có mục tiêu đạt 450 gigawatt (Gw) công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt vào năm 2030, trong đó khoảng 280 Gw (hơn 60%) dự kiến đến từ năng lượng Mặt Trời.
Giới lãnh đạo của Ấn Độ và phần lớn châu Á hiện đang quan tâm đến việc đảm bảo công bằng về năng lượng và lương thực, nghĩa là đảm bảo khả năng cung cấp năng lượng và lương thực trên đầu người cao hơn, đồng thời giảm lượng khí thải carbon.
Cần lưu ý rằng lĩnh vực thực phẩm tiêu thụ hơn 30% tổng năng lượng trên thế giới. Ví dụ, gần 20% lượng khí thải nhà kính ở các quốc gia châu Á có mức GDP thấp đến từ việc nấu ăn và thực phẩm tại nhà.
Với nhu cầu sản xuất lương thực ngày càng tăng, điều quan trọng là tìm kiếm giải pháp thay thế năng lượng sạch hơn cho sản xuất lương thực toàn cầu, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên.
Thách thức lớn mà thế giới hiện đang phải đối mặt là phát triển các hệ thống lương thực toàn cầu phát thải ít khí nhà kính hơn, cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy và có thể ứng phó với giá năng lượng biến động, đồng thời hỗ trợ an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Hợp tác Nga-Ấn Độ
Quan hệ đối tác năng lượng giữa châu Á và Nga có tầm quan trọng rất lớn. Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho hầu hết châu Á.
Châu Á nằm ở ngã tư của hai khu vực quan trọng là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và lục địa Á-Âu. Ấn Độ là một đối tác tích cực ở cả hai khu vực nhằm thúc đẩy phát triển hoà bình và bền vững.
Để tăng cường hợp tác khu vực ở Á-Âu và giải quyết các vấn đề hậu cần, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố thành lập một hành lang năng lượng Bắc-Nam nối Urals với Ấn Độ Dương đi qua Trung Á và Iran. Cây cầu năng lượng này rất quan trọng đối với nhau cầu lương thực và năng lượng trong tương lai của Ấn Độ và châu Á.
Cuối cùng, cần hiểu rằng các vấn đề khí hậu, đại dịch, gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột quân sự không phải là "sản phẩm" của Nam Bán Cầu, nhưng các quốc gia ở Nam Bán Cầu, bao gồm châu Á và châu Phi, lại là nạn nhân chính của những vấn đề này.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement