10/01/2025 08:39
Cạnh tranh Mỹ-Trung về chip bán dẫn: Sai lầm đắt giá
Hai nền kinh tế hàng đầu liên tục tung ra các biện pháp trừng phạt mới. Giới chuyên gia lo ngại tranh chấp về chip sẽ càng trở nên “nóng” hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Theo bài viết trên tạp chí kinh tế Handelsblatt của Đức, các nhà sản xuất chất bán dẫn (chip) hàng đầu thế giới đang khuyến cáo về hậu quả nghiêm trọng của cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành nhà sản xuất chip NXP của Hà Lan ông Kurt Sievers cảnh báo rằng, việc tách rời trong lĩnh vực chip là một sai lầm nguy hiểm và tốn kém. Sẽ không có quốc gia nào trên thế giới độc lập hoàn toàn về chất bán dẫn, điều đó “đơn giản là không thể”.
Ông Kurt Sievers cho rằng bất cứ quốc gia nào nỗ lực cho điều này đều sẽ phải “trả giá đắt”. Tại đó, các thiết bị điện tử sẽ trở nên vô cùng đắt đỏ, không còn phù hợp với khả năng thanh toán của người tiêu dùng.
Các nhà phân tích tại công ty cung cấp thông tin thị trường toàn cầu về những ngành công nghệ Trendforce đã cảnh báo ngành chip bán dẫn phải chuẩn bị cho một “thời kỳ hỗn loạn” sắp tới. Thời kỳ này sẽ được đặc trưng bởi những thay đổi về chính trị, hạn chế thương mại và tái tổ chức chuỗi cung ứng trong ngành.
Nhiều ý kiến cho rằng chi phí sản xuất ngày càng tăng cao do ngành chip không còn được hưởng lợi từ quy mô thị trường toàn cầu như trước. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành nhà sản xuất chip NXP cho rằng, điều quan trọng nhất đối với ngành chip là quy mô thị trường toàn cầu rộng mở.
Vai trò quan trọng của nguồn cung
Nhưng điều này không quan trọng đối với Mỹ và Trung Quốc. Cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đều coi lĩnh vực chip có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia của họ.
Không chỉ Chủ tịch NXP Kurt Sievers lo lắng về điều này. Chủ tịch công ty chip STMicroelectronics ông Jean-Marc Chery cũng kêu gọi các chính trị gia tạm dừng các kế hoạch áp đặt hạn chế tiếp theo. Ông nhấn mạnh: “Với tư cách là một ngành sản xuất, chúng tôi phải truyền tải thông điệp rằng quá nhiều hạn chế sẽ gây rủi ro cho sự đổi mới”.
Ông Jean-Marc Chery cho biết việc phát triển các sản phẩm khác nhau cho Trung Quốc và phương Tây sẽ cần rất nhiều vốn. Do đó, sẽ tốt hơn nếu sử dụng tất cả sức mạnh của ngành sản xuất chip để hiện đại hóa công nghệ. Công ty STMicroelectronics của Pháp và Italy là nhà sản xuất chip lớn thứ hai châu Âu sau công ty Infineon của Đức.
Vào những ngày cuối năm 2024, Chính phủ Mỹ đã mở cuộc điều tra về chip bán dẫn của Trung Quốc, những loại được sản xuất bằng công nghệ cũ. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, mục đích của cuộc điều tra này là để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ khỏi những sản phẩm chip được Trung Quốc trợ cấp.
Nếu kết quả cuộc điều tra kéo dài vài tháng tới đây xác nhận những lo ngại của Mỹ, chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sau đó có thể áp đặt mức thuế cao đối với chip sản xuất từ Trung Quốc.
Hệ quả tức thời
Ngược lại, mới đây Trung Quốc cũng mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ. Nvidia là nhà cung cấp chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới. Chính phủ Mỹ đã cấm tập đoàn có trụ sở tại California này bán chip bán dẫn tiên tiến nhất của họ tại thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc gần đây còn hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng để sản xuất chip, như gali, germani và antimon. Các hiệp hội công nghiệp Trung Quốc cũng khuyến khích những công ty địa phương xem xét lại việc mua chip của Mỹ. Thay vào đó, những lựa chọn thay thế từ chính các nhà sản xuất chip Trung Quốc được khuyến khích sử dụng.
Nhiều nhà sản xuất chip phương Tây đã phản ứng lại với thuế quan của Mỹ và đang tìm kiếm địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Theo các nhà phân tích tại công ty Trendforce, một số nhà sản xuất đã bắt đầu dịch chuyển công đoạn sản xuất sử dụng nhiều lao động từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất
Với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng, xu hướng này có khả năng sẽ tăng lên, mở ra cơ hội cho việc sản xuất và thử nghiệm chip bán dẫn ở nhiều nước. Theo Trendforce, các công ty Mỹ phụ thuộc vào sản phẩm của Trung Quốc có thể phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong ngắn hạn, nếu chính phủ sắp tới của Mỹ tăng thuế nhanh chóng và mạnh mẽ.
Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất chip trên thế giới đang chuẩn bị cho giai đoạn bất ổn. Ông Isao Matsumoto, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty sản xuất bán dẫn Rohm của Nhật Bản, cho biết công ty này đang theo dõi tình hình và có thể đưa ra phản ứng nếu cần thiết. Hiện công ty Rohm chỉ sản xuất ở Nhật Bản và đang tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động.
Việc Mỹ tăng thuế sẽ là trở ngại đối với Rohm. Tại Mỹ, chỉ có một số nhà sản xuất chip nước ngoài sản xuất trên quy mô lớn.
Những bất đồng thương mại cũng đang có nguy cơ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp chip. Trong nhiều tháng, hoạt động kinh doanh của không ít nhà sản xuất đã và đang bị thu hẹp. Theo hiệp hội ngành bán dẫn thế giới, doanh thu của ngành ước tính tăng gần 20% lên khoảng 627 tỷ USD trong năm 2024. Tuy nhiên, sự gia tăng phần lớn đến từ sự bùng nổ của chip AI.
Với tư cách nhà cung cấp chip AI hàng đầu, Nvidia nói riêng đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong năm 2024. Các nhà sản xuất chip nhớ cũng ghi nhận doanh thu tăng mạnh vì những sản phẩm này rất cần thiết cho những ứng dụng AI.
Mặt khác, nhiều nhà sản xuất chip cho ngành công nghiệp ô tô, ứng dụng công nghiệp, máy tính và điện thoại thông minh đang phải vật lộn với thua lỗ, trong đó có nhiều trường hợp đối mặt với tình hình khó khăn nghiêm trọng.
Chủ tịch NXP Sievers hy vọng cuộc cạnh tranh trong ngành chip sẽ sớm kết thúc. Bởi vì giá cả bị đẩy lên cao là điều không nhà sản xuất nào mong muốn. Ông Sievers cho rằng sớm hay muộn thì các chính phủ cũng sẽ hiểu điều này.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp