13/08/2019 17:51
Cận kề ngày 1/9, nhiều công ty đa quốc gia tháo chạy khỏi Trung Quốc
Ngày 1/9 sắp tới, Mỹ dự kiến áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Nhiều công ty đã rời Trung Quốc nhằm tránh bị đánh thuế.
Trước những căng thẳng ngày một leo thang và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột gia tăng chiến tranh thương mại với Trung Quốc sau quyết định áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Bắc Kinh.
Sự tăng thuế đột ngột của “ông chủ nhà trắng” nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Việc dẫn đến động thái căng thẳng leo thang này vì ông Trump cho rằng Trung Quốc không thực hiện lời hứa mà ông Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp vào hồi tháng 6 tại Osaka, Nhật Bản trong việc mua nông sản Mỹ.
Lần tăng thuế mới này đã khiến nhiều doanh nghiệp đa quốc gia “dắt nhau” rời khỏi Trung Quốc. Để tránh bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều công ty quyết định di dời chuỗi sản xuất đến các nước khác, điển hình là khu vực Đông Nam Á.
Nhà máy sản xuất Foxconn, một đối tác sản xuất của hãng Apple ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Apple
Nguồn tin của Nikkei cho biết, Apple cho rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sẽ là một rủi ro lớn và rủi ro thậm chí ngày càng tăng. Vì vậy, Apple đã lên kế hoạch yêu cầu các nhà cung cấp chính của họ giải quyết vấn đề chi phí, bằng cách di dời 15%-30% việc sản xuất của mình khỏi Trung Quốc sang các nước Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam là hai điểm đến được đánh giá cao cho việc chuyển sản xuất iPhone.
Hãng Data Electronics Inc. chuyên cung cấp linh kiện cho Apple cũng đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Thái Lan để giảm chi phí. Foxconn, Pegatron, Wistron và Quanta là các nhà lắp ráp chính của iPhone và Macbook đều đã được Apple đề nghị đánh giá các lựa chọn sản xuất ngoài Trung Quốc.
HP và Dell, những nhà sản xuất PC hàng đầu, cũng nghĩ đến việc chuyển 30% sản lượng máy tính xách tay sang khu vực Đông Nam Á.
Samsung
Samsung là một “gã khổng lồ” khác muốn cắt giảm hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sau khi họ đóng cửa dây chuyền sản xuất tại Thâm Quyến vào tháng 5/2018, sau đó là nhà máy ở Thiên Tân vào tháng 12. Samsung cũng đang cân nhắc việc chuyển dây chuyền sản xuất TV từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Samsung vẫn là nhà cung ứng vi mạch lớn của các công ty Trung Quốc. Ảnh: Vietnam Insider. |
Tuy nhiên, họ đang cực kỳ thận trọng khi thực hiện chiến lược dời đi, theo Jason Wright - nhà sáng lập công ty phân tích Argo Associates, ông đang giám sát số lượng các công ty Hàn Quốc đang có ý định rời khỏi Trung Quốc. Samsung vẫn là nhà cung ứng vi mạch lớn của các công ty Trung Quốc như Huawei và việc di dời có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hiện tại.
Công ty Đường sắt Quốc gia Canada
CEO của Công ty Đường sắt Quốc gia Canada Jean-Jacques Ruest cho biết: "Các nhà máy, đặt biệt là cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ có thể di rời rất nhanh chóng. Và nhiều trong số đó đã rút khỏi Trung Quốc. Họ đang chuyển tới Việt Nam, Bangladesh, Indonesia.
Thương hiệu thời trang
Theo trang Sourci, những thương hiệu lớn như Coach và Deckers đã lên kế hoạch di dời chuỗi sản xuất của họ đến Campuchia, Việt Nam như những điểm đến hấp dẫn. Adidas, Nike và Uniqlo cũng đã đóng cửa các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.
Một nghiên cứu gần đây của ngành thời trang Mỹ cũng dự đoán lượng sản phẩm từ Trung Quốc sẽ sụt giảm trong hai năm tới.
Các doanh nghiệp Nhật Bản
Công ty Nintendo vẫn đang chủ yếu lắp ráp các máy chơi game Switch của họ tại Trung Quốc, nhưng theo báo Financial Times, họ cũng đã bắt đầu dời nhà máy sản xuất sang Việt Nam và có kế hoạch tăng sản lượng hàng hóa thêm tại đây.
Kobe Steel, một công ty thép lớn của Nhật cho biết, họ đã chuyển nhà máy sản xuất linh kiện máy đào đất thuỷ lực sang Thái và Mỹ. Những công ty khác như Mitsubishi Electric, Komatsu và Toshiba cũng đã chuyển một số dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc sang các nước khác.
Tập đoàn Sumitomo (Công ty thương mại tổng hợp toàn cầu) đã lên kế hoạch chuyển những dây chuyền sản xuất công nghiệp nặng tại Trung Quốc về Nhật Bản.
Dynabook là đơn vị sản xuất máy tính thuộc tập đoàn Sharp. Công ty này cũng đang xem xét kế hoạch di dời nhà máy đến Việt Nam để đáp ứng những quy tắc thương mại của Mỹ. “Chúng tôi buộc phải chọn biện pháp bền vững để tránh rủi ro thuế quan, đồng thời đáp ứng những điều kiện thương mại của chính phủ Mỹ”, CEO Dynabook Kiyofumi Kakudo cho biết.
Nguyên nhân các công ty Nhật tăng tốc di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc vì từ ngày 1/9 tới, những mặt hàng chủ lực của Nhật từ máy tính xách tay, điện thoại thông minh tới quần áo trẻ em sẽ nằm trong danh sách chịu thuế mới của Mỹ với Trung Quốc.
Trung Quốc nỗ lực giữ chân
Thời gian qua, có thể thấy Trung Quốc cũng đang nỗ lực hết sức để giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài bằng việc tung ra những lợi ích đặc biệt để thuyết phục rằng những lợi thế từ việc ở lại sẽ lớn hơn những ảnh hưởng tiêu cực phải đối mặt từ chính sách phạt thuế của Washington.
Để ngăn chặn xu hướng này, Bắc Kinh thực sự đang trải thảm đỏ với doanh nghiệp nước ngoài. Tesla là một ví dụ gần đây khi công ty sản xuất xe điện đã thuê được khu đất với giá ưu đãi để xây dựng một nhà máy mới tại ngoại ô thành phố Thượng Hải.
Nhiều khả năng thị trường thế giới phân chia thành 2 mảng trong và ngoài Trung Quốc đang tăng cao. Ảnh: Nikkei. |
Trung Quốc cũng dần mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2018, khi căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng 3,5%, đạt khoảng 70,7 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Từ cuối tháng 6, Trung Quốc cũng thông báo nới lỏng các hạn chế về đầu tư nước ngoài trong 7 lĩnh vực, trong đó có dầu và khí đốt. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nỗ lực xúc tiến các kế hoạch mở cửa thêm lĩnh vực tài chính.
Trong thực tế cũng có một số trường hợp doanh nghiệp có thể không cần dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc mà chỉ đổi lại chức năng ở các cơ sở sản xuất của họ. Theo đó, họ chuyển hàng hóa sản xuất cho thị trường Mỹ tới quốc gia không bị phạt thuế, dành cơ sở sản xuất tại Trung Quốc sản xuất hàng hóa phục vụ các thị trường khác.
Trong khi đó, đón bắt xu thế muốn rút chân ra khỏi Trung Quốc của nhiều công ty đa quốc gia, Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines... cũng đang ra sức thu hút đầu tư với những chính sách ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp.
Theo Hãng tin Bloomberg, Ấn Độ đã lên kế hoạch thu hút bằng các biện pháp cụ thể với các chính sách ưu đãi như giảm thuế (tax break), thời gian miễn thuế (tax holiday) cho các lĩnh vực như điện tử, đồ gia dụng, xe điện, giày dép, đồ chơi.
Biện pháp này của Bộ Thương mại Ấn Độ cũng là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm giúp Ấn Độ giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu. Cùng với đó, Ấn Độ cũng sẽ xây dựng thêm các khu công nghiệp có chi phí phải chăng ở các vùng ven biển Ấn Độ.
Advertisement
Advertisement