01/05/2017 06:00
Cấm xe máy, tranh luận hay 'ném đá'?
Sau khi đưa ra đề xuất cấm, hạn chế xe máy tại hội thảo, TS Phạm Xuân Mai và TS Lương Hoài Nam cho biết cuộc sống của họ bị đảo lộn bởi rất nhiều lời chửi bới chứ không phải tranh luận. Vì sao như vậy?
Trước một vấn đề xã hội, hễ có một ý kiến trái chiều đưa ra, dù chưa biết đúng hay sai, đã gặp phải rất nhiều ý kiến phản đối, thậm chí lăng mạ.
Đó là tình trạng thường thấy hiện nay. Văn hóa tranh luận ở VN đang có vấn đề? Làm sao để xã hội cổ vũ việc tranh luận trái chiều thúc đẩy phát triển và hạn chế những cơn phẫn nộ “a dua” của dư luận?Tuổi Trẻghi nhận các ý kiến khác sau đây:
*Ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc số đông
Trên nhiều diễn đàn, chúng ta thấy thiếu vắng văn hóa tranh luận lành mạnh. Dễ thấy hiện tượng chỉ cần xuất hiện ý kiến khác với số đông là tha hồ nhận “gạch đá” và những lời xỉa xói khó nghe. Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông, đừng lấy số đông ra lấn át để cho rằng như vậy là đúng.
Còn nhớ, thời kỳ bao cấp, khi có ý kiến xóa bỏ bao cấp, đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thì lập tức số đông cho rằng tư tưởng đó sai, đi ngược lại quan điểm, đường lối chung. Nhiều người yêu cầu vẫn phải duy trì tem, phiếu, duy trì chế độ bình quân chủ nghĩa.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh đổi mới là tất yếu, làm theo năng lực hưởng theo lao động, chứ không phải hưởng theo bình quân như trước đây.
Nhiều năm hoạt động ở nghị trường với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi luôn xác định cho mình khi tranh luận phải vì lợi ích chung. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng đã chịu không ít tổn thương, va đập khi nêu chính kiến của mình.
Cách đây hơn 5 năm khi tôi nói “buông lỏng quản lý đất đai là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí”, hay gần hơn, khi phát biểu “ở hoàng hôn nhiệm kỳ, nhiều quan chức coi là chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh”, tôi đã nhận nhiều tin nhắn đe dọa, khủng bố tinh thần.
Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng được nền tảng văn hóa tranh luận đúng nghĩa, bởi lẽ tinh thần phản biện càng cao thì xã hội ngày càng phát triển. Nhưng mọi phản biện đều phải thực hiện một cách có văn hóa.
Thứ vũ khí quan trọng nhất của cuộc tranh luận là lý lẽ thì không có, nhưng những lời lẽ không hay thì sẵn sàng được buông ra chỉ có thể tạo nên những cuộc cãi vã vô bổ mà không đem lại lợi ích gì.
Việc này không phải ngày một, ngày hai có được ngay, mà phải bồi đắp một cách bền bỉ, kiên trì. Nếu giáo dục cứ buộc học sinh tiếp cận một chiều sẽ dẫn đến sau này các em hoặc dễ thỏa hiệp hoặc hùng hổ tranh luận mà bất chấp lý lẽ vì thiếu vắng kỹ năng.
Nền giáo dục mới đã đặt học sinh vào trung tâm, càng có trách nhiệm bồi dưỡng cho các em cả kỹ năng, tâm thế và kiến thức để sẵn sàng bước vào những tranh luận lành mạnh và có ích.
* TS Lê Minh Hùng (phó trưởng khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM):
“Cưỡng tình đoạt lý”
Với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, bất kể một quan điểm, một phát biểu nào đó mà không vừa ý đám đông thì người nêu ra quan điểm đó ngay lập tức nhận được “gạch đá”. Rồi không bao lâu sau, hình ảnh, gia đình, thân thế, sự nghiệp, đời sống riêng tư đều bị chia sẻ và tấn công trên mạng.
Điều đó làm cho cuộc sống của những người đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những người có ý nghĩ khác đám đông không dám nêu ý kiến, không dám phát biểu, người nghĩ đúng cũng không dám nói, người có ý muốn cải cách cũng đành chịu. Vì áp lực dư luận dữ dội quá.
Tại sao như vậy? Theo tôi, đó không phải là biểu hiện của dân chủ hay tự do ngôn luận, mà đó là văn hóa giao tiếp ứng xử, khi nói chuyện với người khác, thấy họ có ý kiến trái với mình thì xông vào chửi là biểu hiện của thói hung hãn “cưỡng tình đoạt lý” chứ không phải tranh luận khoa học.
Những “phát biểu” đó thường không dựa trên cơ sở khách quan khoa học mà dựa vào tình cảm, cảm tính.
Muốn thay đổi điều đó trong bối cảnh hiện nay thì từ nhà trường, gia đình và xã hội đều cần phải thay đổi cách tư duy và giáo dục. Lấy việc giáo dục, giao tiếp ôn hòa làm quan trọng, để họ nhận thức được rằng phản ứng như vậy là xấu xí.
* TS Lương Hoài Nam:
Cần tạo môi trường tranh luận lành mạnh
Các đề xuất, nghiên cứu liên quan đến vấn đề phát triển giao thông của các nhà khoa học khi đưa ra có những quan điểm khác nhau là chuyện bình thường. Thật ra càng nhiều quan điểm khác nhau càng tốt để cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng quan để cân nhắc, lựa chọn các hướng đi cho phù hợp.
Tuy nhiên, xem các phản biện, tranh luận trên báo chí, đặc biệt trên mạng xã hội, liên quan các đề xuất về vấn đề này thấy các tranh luận bị bóp méo hoàn toàn theo hướng kích động dư luận xã hội phản ứng, ngôn ngữ mạng gọi là “ném gạch đá”.
Không chỉ vậy, bản thân các nhà khoa học như tôi hay TS Phạm Xuân Mai (trong vấn đề đề xuất hạn chế xe máy) còn bị nhắn tin chửi bới, thậm chí đe dọa tính mạng... Khi đó buộc lòng nhà khoa học không muốn can dự đến các vấn đề này nữa, còn các cơ quan quản lý quyết định thế nào là tùy.
Câu chuyện này không được giải quyết thì sẽ rất đáng tiếc bởi các nghiên cứu tâm huyết rồi sẽ không dám đưa ra đề xuất nữa.
Có lẽ trước các đề xuất của giới khoa học, giới lãnh đạo cần vào cuộc để xem lại các nhà khoa học đã kiến nghị gì và thực tế đã bị bóp méo như thế nào, chính kiến của lãnh đạo và các cơ quan quản lý nghĩ như thế nào về vấn đề này nhằm thông tin định hướng.
Ngoài ra, các lãnh đạo, các cơ quan quản lý cũng phải tạo được môi trường tranh luận, góp ý, phản biện lành mạnh. Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ các nhà khoa học sẽ tiếp tục đóng góp, đề xuất các nghiên cứu của mình góp phần giải quyết những vấn đề bức bách hạ tầng, giao thông đô thị.
Ngược lại, nếu một đề xuất đưa ra tiếp tục bị bóp méo, công kích và đe dọa như vậy chắc chẳng nhà khoa học nào dám tham gia góp ý nữa.
Bỏ bóng đá người
Đó là một cách nói trong bóng đá, khi các cầu thủ thay vì theo đường bóng để cản phá, ngăn chặn, lái nó theo hướng của mình thì lại nhè vào cầu thủ đối phương để triệt hạ, để chơi xấu. Tôi đã hơn một lần mượn tạm cách nói này của sân cỏ để nói về sân báo chí, dư luận khi một ý kiến được đưa ra không được bàn luận thấu đáo, triệt để về nội dung của nó, thay vào đó các ý kiến tranh luận lại tập trung vào công kích người nói ra ý kiến đó.
Tình trạng này phải nói là khá phổ biến, nếu không nói là rất phổ biến, trong xã hội ta, nhất là từ khi có mạng xã hội. Nói cách khác, xã hội ta chưa phát triển văn hóa tranh luận. Bất kỳ một ý kiến nào đưa ra công luận đều có dư luận ngược chiều khen chê, đồng tình phản đối ở những mức độ khác nhau.
Cho nên mới có sự trao đổi ý kiến, tức là những ý kiến nói đi nói lại, tập trung vào nội dung của các ý kiến được phát ra. Còn người nói các ý kiến đó có quan trọng không?
Có và có. Có ở chỗ nếu người nói là người có quyền uy và có thẩm quyền thì phải rất cân nhắc, thận trọng phát ngôn của mình cho xứng với địa vị, để một khi đã nói ra thì ý kiến của mình ít bị phản bác, chống đối nhất, đạt được sự đồng thuận cao nhất. Và có ở chỗ mọi chủ thể phát ngôn đều bình đẳng bình quyền như nhau, đúng sai là ở nội dung ý kiến, không phải ở địa vị, chức vụ của người nói.
Quan trọng là thế, để ý kiến được đưa ra nghiêm túc và bàn luận nghiêm túc, chứ không phải nhìn người nói mà bàn ý kiến hay lấy ý kiến để nói người. Ý kiến bị phản đối nhiều thì dù người nói ra có ở ngôi cao nào cũng bị mất uy tín, ảnh hưởng. Ý kiến được tán thành nhiều thì dù người nói ra có bình thường đến mấy cũng được tôn trọng, lắng nghe.
Buồn thay và xấu hổ thay vì những điều ngỡ ai cũng biết đó lại không được thực thi trong các cuộc bàn luận, tranh cãi hiện nay trên mặt báo, trên mạng xã hội quanh ý kiến của một ai đó về một ai đó.
Ví như ý kiến về việc hạn chế xe máy theo một lộ trình nhất định để dần dần giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở một đô thị lớn như TP.HCM. Một ý kiến thẳng thắn, mạnh mẽ, được trình bày tại một hội nghị bàn chuyên về chuyện giao thông đường sá, được nói ra từ một người đã để công sức quan sát, nghiên cứu thực trạng giao thông của TP. Ý kiến đó khả thi đến mức nào là điều nên bàn luận, tranh luận để cùng người nói ra tìm giải pháp.
Tiếc thay, dư luận đã “ném đá” vào người nói, đã quy chụp cho ông những điều xúc phạm, nghĩa là đã “bỏ bóng đá người”. Trên sân cỏ, hiện tượng này của bóng đá Việt Nam có nhiều và trên sân báo chí cũng không phải là ít. Đó là một thực trạng đáng buồn cả về nhận thức và đạo đức.
Tôi nhớ một câu nói được cho là của văn hào Pháp Voltaire khi bàn về thái độ trong tranh luận, đại ý: Tôi hoàn toàn đối lập với quan điểm của anh, nhưng tôi sẵn sàng đấu tranh đến chết để bảo vệ cho anh quyền nói lên quan điểm ấy.
Đó là một thái độ văn minh, tôn trọng ý kiến người khác và tôn trọng người khác, trong tranh luận chỉ tập trung vào ý kiến nói ra, ngay cả khi bất đồng sâu sắc. Không có thái độ văn minh này, sự tiến bộ xã hội về cả vật chất và tinh thần sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường phát triển.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp