30/11/2023 15:02
Cam rớt giá thê thảm, 2.000 đồng một kg vẫn ế
Cam sành tại các nhà vườn Đồng Nai, miền Tây rớt giá mạnh, còn 2.000-4.000 đồng một kg, giảm 50% so với mức đáy tháng 6, nhưng thương lái cũng không muốn mua.
Nhà vườn đồng bằng sông Cửu Long đang có một vụ cam buồn. Những trái cam sành đạt chuẩn, đẹp chỉ có giá bán 2.000 đồng/kg. Một khu vườn thu hoạch được 1 tấn nhưng bán chỉ được 2 triệu đồng.
Giá cam hiện nay không bằng số lẻ cách đây vài năm, khi đó cam sành có giá 15.000 đồng/kg. Đó là cái thời được cho là hoàng kim của cây cam sành.
Chỉ riêng năm nay, cam sành đã 2 lần rớt giá. Những hộ chuyên canh trên đất nhà còn có thể cầm cự với hi vọng giá sẽ tăng trở lại. Còn những ai thuê đất, với mức bình quân 70 triệu đồng/ha thì xem như lỗ chồng lỗ.
Các nhà vườn ở miền Tây như Vĩnh Long và Bến Tre cho biết vụ cam năm nay tới mùa thu hoạch nhưng không có nhiều thương lái ghé mua. Cam chín nhiều nên phải "bán tháo" với giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, đa phần nhà vườn đều lỗ, không đủ để bù đắp chi phí phân bón, nhân công.
Khảo sát tại các chợ truyền thống ở TP. HCM và cửa hàng online cho thấy giá cam sành bán ra thấp kỷ lục. Tại chợ, giá bán lẻ là 8.000 đồng, nếu khách mua 5 kg chỉ 35.000 đồng, tức khoảng 7.000 đồng/kg. Còn những người bày bán trên vỉa hè thì chỉ bán với giá 20.000 đồng/3kg.
Mặc dù giá thấp, sức mua trên thị trường vẫn rất yếu. Chị Loan - chủ cửa hàng trái cây trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) - cho biết lượng cam bán ra giảm 30% so với trước đó do người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn khác tốt hơn.
"Ba ngày nay, tôi chỉ bán được vài chục kg cam nên đang tạm ngưng và thay thế bằng quýt đường, cam Vinh được khách chuộng hơn", chị Loan chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Nai, sản lượng cam năm nay đạt hàng triệu tấn, trong đó, riêng Vĩnh Long khoảng 1 triệu tấn. Hiện, nguồn cung trên thị trường đang dư thừa - đây là một áp lực lớn trong khâu tiêu thụ khi sức mua trên thị trường quá yếu.
Để tháo gỡ khó khăn, Ban thường vụ Hội kiến nghị trước mắt ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân có cam tới đợt thu hoạch không nên neo lại. Việc neo lại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tuổi thọ của cây và gây tồn đọng sản lượng cục bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá đầu ra của cam sành.
Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản lượng cam sành đang còn tồn động và sắp thu hoạch.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên tiếp tục mở rộng diện tích cam sành, tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã và áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất tốt để kết nối tìm đầu ra ổn định.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp