13/03/2020 10:41
Cách ly người nghi nhiễm Covid-19 tại nhà như thế nào là an toàn?
Những ai cần cách ly tại nhà và cách ly như thế nào cho đúng cách đảm bảo an toàn cho gia đình?
Những việc cần làm khi tự cách ly
Ngoài cách ly tập trung tại các địa điểm của địa phương, việc cách ly tại cộng đồng (cách ly tại nhà) cũng là một trong những biện pháp chống viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19). Theo Bộ Y tế, biện pháp cách ly trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với các trường hợp bị bệnh, các trường hợp nghi ngờ và các trường hợp đi về từ vùng có dịch Covid-19.
Tuy không có các triệu chứng của bệnh như: ho, sốt, khó thở,... nhưng chỉ cần những ai có một trong những yếu tố sau thì phải tự giác cách ly tại nhà để tránh dẫn đến trường hợp xấu hơn. Các trường hợp đó như: sống chung nhà, đồng nghiệp, chung nhóm du lịch, tiếp xúc gần trong vòng 2m, ngồi cùng hàng hoặc trước sau 2 hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay…
Cách ly đúng cách bảo vệ gia đình. |
Cần cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú đúng thời gian quy định (tối đa 14 ngày) và tốt nhất là nên ở phòng riêng. Trường hợp không có phòng riêng mà phải ở cùng gia đình. Giường của người cách ly phải đặt cách giường của người khác tối thiểu 2m.
Phòng cách ly phải được vệ sinh hằng ngày, thông thoáng. Hạn chế để nhiều đồ vật trong phòng.
Tự đo thân nhiệt của cơ thể ít nhất 2 lần/ngày (sáng/chiều). Khi đo xong thì hãy viết tình trạng sức khỏe vào phiếu theo dõi sức khỏe hằng ngày.
Khi cách ly, phải hạn chế di chuyển ra ngoài, không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc những người khác. Không được ăn uống chung với các thành viên trong gia đình.
Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn và rửa tay ít nhất 30 giây.
Thông báo cho những cán bộ y tế phụ trách theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn 2 lần/ngày. Liên hệ ngay lập tức với họ khi bạn xuất hiện các triệu chứng như: ho, sốt, khó thở,...
Người cách ly phải tự thu gom khẩu trang, giấy vệ sinh, khăn, đã qua sử dụng và cho vào thùng rác riêng.
Các thành viên ở gần người cách ly phải làm gì?
Hàng ngày hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.
Hàng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi lưu trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.
Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi khi người được cách ly có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.
Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly, nếu có yêu cầu.
Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú.
Ngoài việc đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và tránh tiếp xúc nơi đông người, khu vực nhiễm bệnh...Bác sĩ cũng khuyên người dân súc họng bằng dung dịch sát khuẩn, hãy để dung dịch xuống sâu nhất trong vùng cổ họng mà bạn có thể chịu được. Mỗi lần súc chỉ nên dùng 5ml, vì nếu sử dụng càng nhiều sẽ càng khó đưa dung dịch xuống cổ họng hơn. Thời gian cho mỗi lần súc là khoảng 2 phút và có 3 lần đưa xuống họng và mỗi lần khoảng 15 giây. Sau khi súc xong thì để nguyên, không súc miệng lại với nước. Tiến hành súc họng trước khi đi ra ngoài và ngay sau khi về nhà. Nếu đang ở trong vùng dịch thì phải thường xuyên súc theo định kỳ thời gian tác dụng của mỗi loại nước súc miệng. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp