11/09/2023 12:35
Bùng phát dịch đau mắt đỏ mùa tựu trường và biện pháp phòng tránh
Số ca mắc đau mắt đỏ tại Hà Nội, TP. HCM và một số địa phương tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Chỉ trong hai tuần, Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghi nhận 1.700 trường hợp đau mắt đỏ, chiếm trên 50% tổng số bệnh nhân đến khám. Nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ với biến chứng mờ mắt kéo dài thậm chí cả tháng.
Trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với các năm gần đây, theo yêu cầu của Sở Y tế, nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã phối hợp với Bệnh viện Mắt TP. HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM đã tiến hành khảo sát nhanh tìm tác nhân đối với những bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ.
Theo kết quả báo cáo nhanh, enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay, trong đó, chiếm ưu thế là Enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là Adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).
Các bác sĩ cho biết, ngoài các triệu chứng thông thường của viêm kết mạc cấp do Adenovirus, dịch năm nay có diễn biến kéo rất dài với triệu chứng nặng nề khiến điều trị khó khăn hơn.
Dịp tựu trường cũng là lúc các bệnh viện ở TP. HCM ghi nhận nhiều trẻ bị đau mắt đỏ. Các bác sĩ cảnh báo bệnh có thể lây lan thành dịch, nhất là mùa tựu trường khi trẻ giao lưu, tiếp xúc với bạn bè nhiều hơn nhưng không cách ly, điều trị trẻ bệnh kịp thời. Từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận gần 72.000 ca đau mắt đỏ, 1/3 trong số đó là trẻ em đang đi học.
Những điều cần biết về đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại.
Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Viêm kết mạc do vi rút Adenovirus là một nguyên nhân phổ biến gây ra đau mắt đỏ, và thường xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí mắt khó mở, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Trong trường hợp này, người bị bệnh nên tạm nghỉ ở nhà (nghỉ làm/nghỉ học từ 5-7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp.
Người bệnh đau mắt đỏ không cần kiêng gì trong chế độ ăn uống. Bởi đây là bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra. Chỉ cần lưu ý chế độ sinh hoạt để tránh lây lan cho người lành.
Đau mắt đỏ do Adeno virus cần ít nhất ngoài 2 tuần để khỏi hoàn toàn. Thông thường tâm lý người bệnh khi dùng thuốc theo chỉ định một vài ngày chưa đỡ sẽ đi khám lại.
Chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ
Trước tình trạng này, Sở Y tế TP. HCM đã đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa. Ngành y tế khuyến cáo với tính chất lây lan rất mạnh, qua các đường tiếp xúc trực tiếp, người dân cần tăng cường đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên.
Đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra và thường gặp ở Việt Nam là tuýp 8. Về bản chất, không dùng các thuốc kháng sinh để điều trị nguyên nhân virus. Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh với mục đích phòng bội nhiễm, biến chứng nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân đau mắt đỏ do Adeno virus chủ yếu sẽ được điều trị triệu chứng. Và mọi loại thuốc sử dụng cần phải có chỉ đinh của bác sĩ trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp