Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Bức tranh' kinh doanh ngành ngân hàng nửa đầu năm 2023

Ngân hàng

21/07/2023 17:59

Ngành ngân hàng bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 2, những mảnh ghép đầu tiên trong "bức tranh" kinh doanh ngành ngân hàng nửa đầu năm 2023 đã dần lộ diện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, kết quả kinh doanh của một số ngân hàng không mấy khả quan.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 638 tỷ đồng, tương ứng với 23% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank ở mức 2,86%.

ABBank cho biết nợ xấu có xu hướng tăng theo diễn biến chung của toàn ngành dẫn tới phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong quý vừa qua. Dù vậy, các khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của ABBank đạt 154.344 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 90.374 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022; huy động vốn đạt 95.754 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, theo TTXVN.

'Bức tranh' kinh doanh ngành ngân hàng nửa đầu năm 2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngày 19/7, TPBank công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo TPBank, 2023 được đánh giá là một năm khó khăn nên ngân hàng đã đưa ra những kế hoạch phát triển thận trọng ngay từ sớm. Thực tế, kết quả kinh doanh nửa đầu năm chưa như kỳ vọng.

Cụ thể, đến cuối tháng 6, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỷ đồng.

TPBank cho biết tổng tài sản tính đến cuối tháng 6 đạt gần 343.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ; tổng huy động đạt trên 302.000 tỷ đồng, tăng 9,6%; tổng dư nợ trên thị trường 1 tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đạt mức gần 7%.

Trước đó, LPBank công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 đạt 880 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ thực hiện được 41% kế hoạch về lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tháng 4, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay ở mức 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 của BacABank cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý vừa qua nhưng lũy kế 6 tháng vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong quý 2 của BacABank giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, đạt mức 474 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ở nửa còn lại của bức tranh vẫn có một số ngân hàng ghi nhận kết quả tích cực sau 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) kết thúc 6 tháng đầu năm đạt 3.548 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Kết quả này đến từ sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. Trong đó, tổng thu thuần của MSB trong 6 tháng đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2022; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh hơn 86%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%. Biên lãi ròng (NIM) lũy kế 4 quý gần nhất của ngân hàng đạt 4,26%, tiếp tục ổn định ở mức cao trên thị trường.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 237.800 tỷ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn ngành. Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tại 30/6/2023 của MSB được kiểm soát ở mức 1,73%.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế tính đến ngày 30/06/2023 đạt 4.755 tỷ, tăng 63,5% so cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng tài sản của Sacombank tăng hơn 5% so đầu năm lên mức hơn 622.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời tăng 7,5%.

Tổng huy động đạt hơn 549.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đạt hơn 460.000 tỷ đồng, tăng gần 5% nhờ tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi với quy mô hơn 25.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Sacombank cũng đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu với số thu gần 2.700 tỷ nợ gốc và lãi tồn đọng, nâng tổng mức thu hồi xử lý lũy kế từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu lên gần 90.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 2%.

Cũng ghi nhận tăng trưởng dương, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) công bố lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện 57% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản PG Bank giảm 4% so với đầu năm, đạt 46.986 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% lên 30.249 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 0,1% xuống 31.228 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số dư nợ xấu của PG Bank tại thời điểm cuối tháng 6/2023 lên mức 839,9 tỷ đồng, tăng 12,8% so với hồi đầu năm, chiếm 2,77% trong tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng lại giảm chi phí dự phòng rủi ro 39% xuống còn 87 tỷ đồng.

Trước đó, một số công ty chứng khoán cũng dự báo lợi nhuận ngân hàng trong nửa đầu năm sẽ có sự phân hóa mạnh. Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính có 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý 2/2023 so với cùng kỳ, bao gồm: ACB, Techcombank, TPBank và VPBank. Trong số này, TPBank có mức sụt giảm lợi nhuận dự báo mạnh nhất từ 21 - 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng như: BIDV, VietinBank, Vietcombank hay HDBank, MB... Nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận không quá cao so với cùng kỳ hoặc thậm chí đi ngang, theo Vnbusiness.

Mặc dù vậy, theo công ty chứng khoán VCBS, phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong nửa đầu năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong nửa sau năm 2023.

Với sự phân hóa này, VCBS cho rằng, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp hơn nhưng vẫn đem lại mức lợi nhuận có thể chấp nhận được trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement