12/07/2023 17:54
Loạt vi phạm khi thực hiện cơ cấu ngân hàng yếu kém
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện phương án tái cơ cấu, sáp nhập, cơ cấu lại tổ chức tín dụng sau sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt còn hạn chế, vi phạm.
Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, giai đoạn 2013-2017 xuất hiện trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Về thực hiện Đề án 254, NHNN chưa thực hiện phân loại TCTD yếu kém đối với NHTM Phương Nam (PNB), VAB theo quy định tại Kế hoạch triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD của NHNN.
Ngoài ra, NHNN phê duyệt một số cơ chế xử lý, tái cơ cấu TCTD yếu kém, hợp nhất, sáp nhập còn hạn chế, khuyết điểm.
Chẳng hạn như việc cho phép Sacombank trích lập dự phòng, phân bổ dự phòng rủi ro chưa chặt chẽ về pháp lý; phê duyệt cho VAB, MSB giãn thời gian thực hiện kiến nghị tại kết luận thanh tra đối với nội dung thoái lãi dự thu, xuất toán thu nhập những chưa thông báo, phối hợp với Bộ Tài chính là chưa thực hiện đúng theo Nghị định của Chính phủ.
Cơ cấu lại ngân hàng yếu kém xảy ra nhiều vi phạm
Cũng theo kết luận Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện phương án tái cơ cấu, sáp nhập, cơ cấu lại TCTD sau sáp nhập được NHNN phê duyệt còn hạn chế, vi phạm.
Ví dụ, một số TCTD chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị thanh tra như việc VietBank và Sacombank vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng; Sacombank, HDBank chậm xử lý khắc phục vi phạm về sở hữu chéo, góp vốn, mua cổ phần; ABBank chưa thực hiện xong thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết; kết quả cơ cấu lại Sacombank có nhiều bất cập...
Về thực hiện Đề án 843. Kết luận Thanh tra nêu rõ: kế hoạch xử lý nợ xấu theo Đề án 843 của một số ngân hàng như (LPB, MSB, ABBank, VAB, SHB, BacABank, Seabank, BaovietBank, VietBank) chưa đánh giá đầy đủ, đúng thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng; chưa xây dựng lộ trình dự phòng và xử lý nợ đối với những khoản vay của Vinashin.
Giai đoạn 2013-2017, NHNN báo cáo tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm, ở mức dưới 3% nhưng thực chất tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý vẫn trên 3%. Qua kiểm tra phát hiện một số ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ xấu hoặc chưa chuyển nợ xấu theo quy định trong thời hạn thu hồi nợ theo kiến nghị như: Sacombank, NAB.
Việc cấp tín dụng với một số khách hàng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có thiếu sót, vi phạm; có trường hợp chậm trả gốc, lãi nhưng TCTD chưa chuyển nợ quá hạn, nợ xấu.
Có tình trạng tập trung tín dụng cho một khách hàng, một dự án nhưng thẩm định điều kiện vay vốn, giải ngân có thiếu sót, vi phạm, theo Dân Việt.
Về xử lý nợ xấu tại VAMC, thông báo cho hay việc xử lý thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt dù đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại các hạn chế, thiếu sót.
Cụ thể, có trường hợp mua nợ xấu dựa trên thông tin thiếu cơ sở pháp lý, chưa đảm bảo minh bạch. Việc theo dõi thu hồi nợ xấu chưa sát, để cho ABBank thu nợ nhưng không nộp kịp thời vào tài khoản.
Một số ngân hàng trích lập thiếu dự phòng như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Xây dựng, Hàng hải, Đông Á, Ngân hàng Đại chúng,…SeaBank chưa thoái hết lãi dự thu đối với khoản nợ xấu bán cho VAMC đến 31/7/2018 là 390 tỷ đồng. Ngoài ra, việc mua nợ có tình trạng tài sản đảm bảo chưa đáp ứng điều kiện, chưa được định giá.
Việc mua nợ theo giá thị trường tại VAMC được thực hiện từ tháng 8/2017, chậm theo quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN. Năm 2017, VAMC mua nợ vượt vốn điều lệ thực cấp; mua không đúng phương án NHNN phê duyệt,…
Các đơn vị tư vấn thẩm định giá (Công ty CP Thẩm định giá BTC Value thẩm định giá khoản nợ của Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa, Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang tại Sacombank; công ty CP Đầu tư và Thẩm định giá Việt Nam thẩm định giá khoản nợ của Công ty CP Thuận Kiều tại VietinBank vi phạm quy định thẩm định giá.
Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo NHNN khắc phục những tồn tại; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu giai đoạn 2012-2015, cá nhân, tập thể, đơn vị liên quan về những khuyết điểm trong thực hiện cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu.
NHNN cũng cần rà soát, hoàn thiện thể chế, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới. Các TCTD khắc phục tồn tại, khuyết điểm, vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền.
Thanh tra Chính phủ đề nghị VAMC rà soát vai trò trong tham gia xử lý nợ xấu, chấn chỉnh trong việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện đúng quy định, rà soát các vi phạm phát hiện qua thanh tra để khắc phục các tồn tại, theo Dân trí.
Các TCTD khắc phục tồn tại, khuyết điểm, vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền.
Bộ Tài chính cũng được Thanh tra Chính phủ kiến nghị chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với vi phạm của các đơn vị thẩm định liên quan.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp