16/01/2024 17:16
Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS năm học 2024-2025
Từ năm học tới, học sinh hoàn thành chương trình THCS sẽ được cấp bằng tốt nghiệp nhưng không ghi loại giỏi, khá hay trung bình như trước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm nay công bố thông tư 31/2023 về việc xét công nhận tốt nghiệp THCS. Theo đó, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp ở bậc học này khi hoàn thành chương trình học tập và rèn luyện lớp 9, đồng thời không nghỉ học quá 45 buổi một năm.
Bằng tốt nghiệp cũng không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình như quy định cũ (năm 2006). Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/2, áp dụng với học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2024-2025.
Các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần.
Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
Các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 1 lần ngay sau khi kết thúc năm học.
Theo Thông tư 31, học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS nếu không quá 21 tuổi, đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, có đầy đủ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp.
Quy trình xét tốt nghiệp THCS như sau: Trưởng Phòng GD-ĐT thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của mỗi trường, gồm ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, đại diện bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoặc Tổng phụ trách Đội.
Thành viên của hội đồng có ít nhất 7 người, phải là số lẻ. Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ học sinh, lập danh sách những em đủ điều kiện tốt nghiệp THCS và phê duyệt. Dựa vào danh sách này, Phòng ra quyết định công nhận tốt nghiệp THCS và cấp bằng cho học sinh.
Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo lắng nếu không thực hiện xếp loại sẽ không phân loại được học sinh, đồng thời sẽ không tạo được động lực cho học sinh trong quá trình tham gia học tập.
Theo tạp chí Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội) nhận định: "Từ trước đến nay, việc đánh giá xếp loại đều được thể hiện cụ thể tại bằng tốt nghiệp. Việc bỏ xếp loại đánh giá trên bằng tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến động lực học tập của học sinh, cần có sự phân định rõ ràng giữa xếp loại giỏi, khá, trung bình".
Về phía phòng giáo dục và đào tạo, cô Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) nói: "Bằng tốt nghiệp không ghi xếp loại sẽ không đánh giá được năng lực của học sinh trong cả 4 năm học. Quá trình học sinh nỗ lực phấn đấu học tập để đạt xếp loại giỏi nên được thể hiện thông qua việc xếp loại giỏi trên bằng tốt nghiệp".
"Có thể nói, việc bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp trung học cơ sở không chỉ ảnh hưởng tới học sinh mà còn là phụ huynh với những băn khoăn về học lực của các em", cô Hương nói thêm.
Thay đổi số lần xét công nghiệp tốt nghiệp khiến công tác chuẩn bị cũng như quá trình thực hiện xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh mất nhiều thời gian và phải hoàn thiện nhiều thủ tục. Đơn cử như các trường sẽ phải thực hiện lặp lại việc thành lập hội đồng xét công nhận tốt nghiệp, đề xuất danh sách xét tốt nghiệp.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement