29/11/2023 15:31
Chốt 4 môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, không bắt buộc thi Ngoại ngữ
Chiều 29/11, Bộ GDĐT tổ chức họp báo chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chiều 29/11. Theo đó, hai môn thi bắt buộc gồm Toán và Ngữ văn. Đề Ngữ văn ra dưới dạng tự luận, Toán dạng trắc nghiệm, tương tự hiện nay.
Thí sinh sẽ thi thêm hai môn lựa chọn từ các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, cũng theo hình thức trắc nghiệm.
Như vậy, dù là môn học bắt buộc ở cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ và Lịch sử được xếp vào nhóm môn thi lựa chọn.
Theo đó, thí sinh phải thi hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Ngoài ra, thí sinh cần chọn 2 môn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Phương thức xét công nhận tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Đến năm 2030 sẽ thí điểm thi trên máy tính
Theo Bộ GD-ĐT, lộ trình triển khai thực hiện Phương án thi bắt đầu từ năm 2025. Giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy.
Đến giai đoạn sau 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức Kỳ thi; Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức Kỳ thi; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức Kỳ thi; Phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi; Hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương; Chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo Lịch thi chung và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement