05/06/2018 10:29
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thấy người nước ngoài mua đất ở đâu thì báo cho Bộ!
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời thế nào về vấn đề người nước ngoài mua đất, đất ven biển và một số vấn đề khác trong phiên chất vấn sáng nay.
Trong phiên chất vấn sáng nay (5/6) các ĐBQH tập trung chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề người nước ngoài mua đất, đất ven biển và một số vấn đề khác.
Báo điện tử VnExpress thông tin, tại phiên chất vấn, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt vấn đề giao dịch mua bán đất đai phức tạp tại 3 nơi sắp thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc), nhất là có thông tin người nước ngoài đã mua nhà khu vực này.
"Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu yên tâm trước khi bấm nút thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt", ông Tiến nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, thực tế theo quy định hiện hành thì người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua chung cư ở đô thị. "Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị", ông Hà khẳng định.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. (Ảnh Vnexpress) |
Trưởng ngành tài nguyên cũng mong "đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho Bộ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam", ông Hà nhấn mạnh.
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội thảo luận ở hội trường lần cuối vào ngày 23/5, dự kiến biểu quyết thông qua vào 15/6.
Theo quy định của dự thảo Luật, "căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định".
Liên quan đến vấn đề quyền sử dụng bờ biển, báo điện tử Dân Trí dẫn lời đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho biết, nguyên lý bãi biển là của toàn dân, người dân có quyền tự do xuống tắm. Nhưng thực tế bờ biển thậm chí đã bị chắn rào bởi các doanh nghiệp kinh doanh phía trên. Đặc khu như Phú Quốc đã diễn ra tình trạng như vậy. Giải quyết việc này thế nào?
Về thông tin này, Bộ trưởng Hà khẳng định như thế là chưa đúng quy định. Ông dẫn lại ví dụ về Đà Nẵng đã làm được việc quản lý bờ biển, tránh để chia cắt, manh mún như vậy, là vì áp dụng đúng quy định của luật. Giải quyết việc này cần có sự thoả thuận, đối thoại với cả những nhà đầu tư đã được cấp dự án trước khi luật Môi trường biển có hiệu lực.
Bộ trưởng Hà khuyên đại biểu an tâm về Formosa! Theo thông tin trên Zing News ĐQ Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) hỏi Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong suốt quá trình Bộ trưởng trả lời chất vấn, Bộ trưởng có đề cập đến vấn đề kiểm soát chặt chẽ các công nghệ, hệ thống xử lý nước thải, chất thải và chúng ta đã được biết vấn đề về sự cố môi trường của Formosa nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, đặc biệt là vấn đề xử lý sự cố đã xảy ra và đến nay đã đạt được hiệu quả rất tích cực. Theo báo cáo, hiện Formosa mới tiếp tục vận hành lò cao số 2, các biện pháp giám sát thường xuyên, đột xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương. Bài học về Formosa rất đắt giá, xin hỏi Bộ trưởng có tin tưởng và đảm bảo hoạt động của Formosa sẽ không gây ra sự cố tái diễn như trước đây không? Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: Nói về Formosa, chúng ta đã thay đổi toàn phương pháp quản lý. Chúng ta yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công nghệ giám sát trực tuyến. Có 3 mức đề phòng sự cố: Nơi sản xuất, trong nhà máy, ngoài nhà máy. Hồ sinh học hiện nay nước có thể đạt loại A. Giám sát khâu nào chặt chẽ khâu đó thì không ngành nghề nào để xảy ra ô nhiễm được. Với Formosa, tôi báo cáo để đại biểu yên tâm. |
Advertisement
Advertisement