24/05/2024 07:59
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế Việt Nam còn nhiều cơ hội và niềm tin của các nhà đầu tư
Thảo luận tổ về tình hình KT-XH, sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KT-XH quý I vừa qua mặc dù không đạt được một số chỉ tiêu, nhưng được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta không quá lạc quan, nhưng lắng nghe, không chủ quan, nhưng cũng không quá bi quan.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2029. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, không tô hồng kết quả, nhưng cũng không nên bi quan, cần tập trung vào những nhiệm vụ giải pháp nào đến cuối năm.
"Điểm sáng ở đây là sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị và sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ. Chúng ta cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Sự chỉ đạo quyết liệt, không ngơi nghỉ của Chính phủ từ điều hành các chính sách tài khóa - tiền tệ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đến giải quyết những ách tắc khó khăn của nền kinh tế... Đây là yếu tố hỗ trợ chúng ta phục hồi phát triển trong giai đoạn vừa qua", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, công tác lập quy hoạch đã cơ bản hoàn thành, từ tổng thể quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương... giúp nền kinh tế phát triển nhanh hơn bền vững hơn. Điểm sáng nữa là trong xuất khẩu và FDI cho thấy nền kinh tế Việt Nam còn nhiều cơ hội và niềm tin của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế của nền kinh tế như: Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng, thị trường vàng có nhiều diễn biến phức tạp, giá vé máy bay tăng cao gây ảnh hưởng đến thị trường du lịch...
Làm rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế Việt Nam đang gặp những khó khăn cùng chung của thế giới. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Khi mà kinh tế bên ngoài biến chuyển một thì ảnh hưởng đến Việt Nam lớn hơn nhiều.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, đang cơ cấu lại nên cũng có những khó khăn từ nội tại và có độ trễ, không thể thay đổi trong "ngày một, ngày hai" được.
Bên cạnh đó là các thách thức bao gồm vấn đề già hoá dân số, biến đổi khí hậu, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn chuyển biến chậm, chưa là động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn còn rất khó khăn, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu một số điểm tích cực.
Thứ nhất, nổi lên là kinh tế vĩ mô nói chung, quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đang cho thấy nền tảng tương đối tốt.
Thứ hai, nhiều chính sách, các đổi mới đã và đang đẩy mạnh và ban hành rất nhanh, tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc hiện nay.
Thứ ba, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, dù còn chậm nhưng cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực.
Thứ tư, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng như của các bộ, ngành, địa phương đang phát huy những hiệu quả rất cao.
Về giải pháp và nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tập trung vào những giải pháp trong ngắn hạn, có tính đến dài hạn.
Đồng thời, tập trung vào đẩy mạnh 3 động lực gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cũng như đẩy mạnh các động lực mới: Chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
"Chúng ta cũng phải tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà ta có điều kiện tham gia sâu hơn, ví dụ như chip bán dẫn", ông Dũng lưu ý. Cùng với đó là đẩy mạnh đào tạo nguồn lực, đẩy nhanh các dự án đầu tư công quan trọng.
Nhấn mạnh vấn đề thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lấy ví dụ, việc cho áp dụng hiệu lực Luật Đất đai từ ngày 1/7, sớm hơn 6 tháng để tháo gỡ các ách tắc cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, cải thiện thể chế còn có nghĩa là giải quyết các ách tắc, vướng mắc hiện nay; bổ sung và điều chỉnh đồng bộ một số luật cần thiết; tạo điều kiện để cán bộ dám nghĩ dám làm.
Ngoài thể chế, có một vấn đề đó là phải cải cách thêm nữa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn. Phải xem xét thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực thế nào, môi trường đầu tư kinh doanh thế nào, các thủ tục đầu tư xây dựng thế nào…
"Chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp, bỏ xin - cho, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm. Nếu chúng ta không đẩy nhanh các cải cách, thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể sẽ tìm đến nước khác", ông Dũng nhấn mạnh.
Đối với các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương đã ban hành và áp dụng, cần đánh giá xem nếu chính sách đó đúng, trúng và hiệu quả thì nên nhân rộng cho các địa phương khác.
Ngoài ra, cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, giúp khơi thông nguồn lực, chỉ cần giải quyết nhanh cho các dự án đang bị tắc, khơi thông được là đã thúc đẩy rất nhiều cho nền kinh tế, tạo niềm tin và nguồn lực mới.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp