31/10/2018 11:36
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Dự án bô xít Tây Nguyên đến nay cơ bản đạt yêu cầu
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay (31/10), Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết dự án boxite Tây Nguyên đến nay cơ bản đạt yêu cầu
Liên quan đến dự án bô xít Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về hiệu quả kinh tế các công trình này. Trước chất vấn trên, ông Trần Tuấn Anh cho hay, bô xít Tây nguyên gồm 2 dự án sản xuất alumin tại Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng). Năm 2013, dự án tại Tân Rai đi vào hoạt động, đạt công suất thiết kế phê duyệt, sản lượng hiện là 650.000 tấn alumin.
Dự án bô xít Tây Nguyên đến nay cơ bản đạt yêu cầu. Ảnh: Internet |
Dự án Nhân Cơ hoạt động năm 2016 và đã có sản phẩm đầu tiên, đạt 77% công suất thiết kế vào cuối cuối năm 2017 và năm 2018 đạt hơn 85% với khoảng 580.000 tấn; dự kiến năm 2019 đạt 100% công suất thiết kế.
Bộ trưởng Công Thương khẳng định, "dự án đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu đặt ra trong báo cáo khả thi được phê duyêt. Một số vấn đề dư luận lo ngại liên quan tới chất lượng công nghệ, bảo vệ môi trường, sự vận hành ổn định, an toàn nhà máy và các tác động đời sống người dân..., đến nay cơ bản đạt được theo yêu cầu".
Ngoài ra, ông Tuấn Anh cho biết điểm thuận lợi hiện nay là thị trường alumin phát triển tốt, giá bán tăng liên tục. Giá alumin năm 2017 bình quân 344 USD một tấn, năm 2018 hơn 480 USD và tháng 4/2019 giá có thể lên "đỉnh" khoảng 672 USD.
Nhắc lại mục tiêu tổng thể trong xây dựng dự án bô xít Tây Nguyên, Bộ trưởng Tuấn Anh nói, "không đơn thuần ở khai thác, chế biến alumin xuất khẩu, mà đây là tổ hợp dự án lớn và được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn".
Cụ thể, giai đoạn đầu là triển khai xây dựng 2 dự án alumin, kế tiếp sẽ thực hiện dự án điện phân nhôm. Tuy nhiên, dự án điện phân nhôm chỉ được triển khai trên cơ sở đánh giá lại kết quả thực hiện 2 nhà máy ở Tân Rai và Nhân Cơ.
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, địa phương để có đánh giá toàn diện, tổng thể hiệu quả dự án trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, chính trị... Dự kiến việc tổng kết sẽ kết thúc vào cuối năm 2018, sau đó Bộ Công Thương xin ý kiến cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư tiếp theo.
Vì sao nâng Cục quản lý thị trường lên Tổng cục? Đại biểu Lý Tiết Hạnh chất vấn về sự thay đổi mô hình hoạt động của lực lượng quản lý thị trường khi "nâng cấp" Cục quản lý thị trường lên thành Tổng cục và chuyển quản lý các chi cục tại địa phương theo ngành dọc, thay vì địa phương quản lý như trước. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hội nhập sâu rộng... đang đặt ra nhiều vấn đề quản lý nhà nước, bao gồm cả mô hình quản lý thị trường; trong khi đó hoạt động gian lận thương mại, hàng giả... diễn biến phức tạp, tinh vi, liên kết chặt chẽ trong và ngoài nước nên đòi hỏi sự cập nhật mô hình, phối hợp thường xuyên của lực lượng quản lý thị trường. "Sự cắt khúc tổ chức của quản lý thị trường trước đây đã dẫn đến một số tồn tại, nên cần tổ chức lại", ông Tuấn Anh nói. "Chúng tôi chỉ thay đổi mô hình tổ chức, còn bản chất chỉ đạo lực lượng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, chính quyền địa phương", Bộ trưởng Công Thương khẳng định và cho biết tới đây Bộ sẽ xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương, gắn với mục tiêu cụ thể của địa phương; số hoá công tác quản lý thị trường để khắc phục hạn chế. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp