28/10/2022 12:16
Bộ Tài chính nói gì về đề nghị tăng lương từ 1/1/2023?
Theo Bộ Tài chính, nếu tăng lương cơ sở vào đầu năm 2023 sẽ tạo thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá. Việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế - xã hội nói chung.
Tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 là đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về vấn đề dự toán chi ngân sách năm 2023.
Mặc dù xác định đây là nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, cấp thiết, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 và giá cả xăng dầu, hàng hóa cơ bản… tác động tới nhân dân cả nước (trong đó có độ ngũ cán bộ, công chức, viên chức), nhưng trước nguy cơ lạm phát cao, thì việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế - xã hội nói chung.
Vì vậy, Chính phủ tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023. Thay vào đó, đề xuất từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%), cơ bản bù đắp mức độ trượt giá thời gian qua.
Trước đề nghị tăng lương sớm 6 tháng của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính lý giải 1/1/2023 là thời điểm đầu năm gần với Tết Dương lịch và Âm lịch, nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Vì vậy, nếu thực hiện tăng lương vào thời điểm này sẽ tạo thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát, theo Zing.
Ngoài vấn đề tăng lương, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài.
Hồi âm đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết tại các báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 trình Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo nhu cầu và nguồn tích lũy để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
Do bối cảnh thế giới, trong nước đang chịu áp lực lạm phát lớn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lùi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương sau năm 2023. Trường hợp các áp lực lạm phát giảm, không có biến động lớn về kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ khẩn trương trình các cấp thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.
Về ý kiến đề nghị cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội đảm bảo cao hơn chuẩn nghèo đô thị, Bộ Tài chính cho rằng chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 có mức tăng đáng kể so với giai đoạn trước (chuẩn nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.500.000 đồng/tháng, mức cũ là dưới 700.000 đồng/tháng; tăng 2,15 lần).
Hơn nữa, đây chỉ là tiêu chí, điều kiện để được hưởng các chính sách hiện hành hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chứ không phải là mức thực được hưởng. Do đó, việc so sánh chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023 với chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 là chưa đồng nhất và cần được xem xét kỹ.
Chuẩn nghèo là tiêu chí được áp dụng cho giai đoạn dài, đến hết năm 2025; trong khi đó trợ cấp người có công được điều chỉnh hàng năm căn cứ vào khả năng của NSNN và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ xã hội.
Theo Bộ Tài chính, mức trợ cấp người có công dự kiến điều chỉnh tăng 20,8% từ 1/7/2023, cũng là mức tăng khá.
Tính từ thời điểm tháng 7/2019 đến nay, lương cơ bản đã 4 năm giữ nguyên nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm liên tục biến động tăng, khiến đời sống của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tại Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp