08/06/2022 11:28
Bộ Tài chính nói gì về "bong bóng chứng khoán"?
Sáng 8/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các đại biểu cho rằng: Thị trường chứng khoán đang phát triển, nhưng cũng có những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu về bong bóng trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, những năm vừa qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.
Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….
Mới đây, tại báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đã nêu tên 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2021. Các công ty này đã vay tổng số nợ lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, lãi vay dao động 8-12,9 %/năm.
Những "ông lớn" bất động sản trong danh sách gồm Công ty cổ Tập đoàn Địa ốc No va (Novaland) phát hành 6.938 tỷ đồng, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phát hành 6.000 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (TNR Holdings) phát hành 4.000 tỷ đồng.
Điểm cần lưu ý là nhiều doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu với tỷ lệ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Điển hình như Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ đồng nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.
Hay Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần.
Bộ Tài chính cũng công bố danh sách 20 doanh nghiệp phát hành nhiều trái phiếu nhất trong năm 2021. Đáng chú ý, trong top 10 tất cả đều là các ngân hàng, với tổng số nợ lên tới 150.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm vừa qua với 22.700 tỷ đồng. Xếp sau lần lượt là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 22.200 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) huy động 18.847 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), huy động 17.500 tỷ đồng…
Thực tế, trong những năm gần đây, nhóm tổ chức tín dụng và bất động sản thường xuyên có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất. Với năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng chiếm tới 36,18% thị phần, còn doanh nghiệp bất động sản là 33,16%.
Trong năm 2021, Bộ Tài chính cho biết tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng). Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm phần lớn với gần 95%, tương đương 605.520 tỷ đồng, tăng tương ứng 39% so với năm liền trước.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, trong Kỳ họp thứ 4 tới sẽ bàn về việc sửa đổi Luật Giá, mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm, tăng cường giúp cho Bộ Tài chính trong quản lý giá để thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, về giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược; trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Đối với thị trường trái phiếu chính phủ, trong 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đúng Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 để huy động vốn cho NSNN. Theo đó, khối lượng huy động TPCP trên thị trường trong 5 tháng đầu năm là 53.812 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân 5 tháng đầu năm đạt 15,37 năm (tăng 1,45 năm so với cuối năm 2021), lãi suất phát hành bình quân đạt 2,42% (tăng 0,12% so với cuối năm 2021).
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lũy kế từ đầu năm đến ngày 27/5/2022, tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ ra thị trường đạt 186.060 tỷ đồng.
Đối với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được 2.700 tỷ đồng TPCPBL, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3.07 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 2,3%. Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa phát hành TPCPBL.
Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm, chính quyền các địa phương chưa phát hành TPCQĐP.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement