Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bộ Tài chính chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quản trị rủi ro

Doanh nghiệp

21/04/2023 09:44

Trong công văn, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phải nhận dạng các rủi ro trọng yếu như rủi ro bảo hiểm, thị trường, hoạt động, đối tác, thanh khoản... để đảm bảo an toàn hoạt động.

Sau những lùm xùm liên quan hoạt động của các công ty bảo hiểm nhân thọ, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thực hiện quản trị rủi ro.

Cụ thể, căn cứ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Thông tư 70/2022 của Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện đúng quy định pháp luật về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ.

Bộ Tài chính chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quản trị rủi ro - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong đó, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thiết lập, triển khai hệ thống quản trị rủi ro nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh. Hoạt động quản trị rủi ro của doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật.

Cơ quan quản lý bảo hiểm lưu ý các doanh nghiệp phải tổ chức quản trị rủi ro với 3 tuyến bảo vệ độc lập gồm: các bộ phận nghiệp vụ; bộ phận quản trị rủi ro, kiểm toán tuân thủ và các bộ phận kiểm soát khác; bộ phận kiểm toán nội bộ.

Các doanh nghiệp cần nhận dạng các rủi ro trọng yếu như rủi ro bảo hiểm, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro đối tác (bao gồm rủi ro pháp lý, rủi ro gian lận), rủi ro thanh khoản và các rủi ro khác theo đánh giá của doanh nghiệp bảo hiểm có thể gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, cơ quan điều hành yêu cầu các doanh nghiệp theo dõi trạng thái rủi ro và đánh giá kịp thời, cảnh báo sớm khả năng vi phạm các hạn mức rủi ro, hạn chế nguy cơ xảy ra rủi ro để bảo đảm an toàn trong hoạt động; lập các báo cáo nội bộ về theo dõi rủi ro và gửi đến các cá nhân, bộ phận có liên quan, theo Dân trí.

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng cần kiểm soát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ theo các hạn mức rủi ro tương ứng; kiểm tra sức chịu đựng theo quy định, có các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời các rủi ro để bảo đảm tuân thủ các hạn mức rủi ro.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và quy định pháp luật. Cụ thể, không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau, không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ gửi tiền tại các cổ đông, thành viên là tổ chức tín dụng.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn viên, giới thiệu sản phẩm của đại lý và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định, theo Zing.

Thực hiện kiểm tra, giám sát các khoản doanh thu, chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo tuân thủ pháp luật về thuế, pháp luật kinh doanh bảo hiểm và pháp luật có liên quan.

"Hội đồng Quản trị, Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật, các bộ phận có liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định, tự chịu trách nhiệm về việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết với bên mua bảo hiểm", Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chỉ đạo.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement