03/06/2020 17:37
Bộ Nông nghiệp yêu cầu tăng cường hỗ trợ để người nuôi heo tái sản xuất
Bộ Nông nghiệp yêu cầu các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn heo, nhất là phải có chính sách hỗ trợ cụ thể trong tình hình hiện nay.
Ngày 2/6, Bộ NN&PTNN vừa có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp triển khai những giải pháp tối ưu để tái đàn và tăng đàn heo, bảo đảm nguồn cung thịt heo trong nước thời gian tới.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, xét về tỷ lệ tái đàn heo trong tháng 4/2020 so với thời điểm trước dịch thì tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Lai Châu đứng đầu với tỷ lệ 68%; tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Đồng Tháp có tỷ lệ tái đàn thấp nhất lần lượt là 36% và 21%.
Theo đó, trên cơ sở báo cáo của cơ quan chuyên môn của tỉnh, đến nay các tỉnh, thành tái đàn heo vẫn còn đạt mức thấp so với thời điểm trước khi có bệnh Dịch tả heo châu Phi.
Ngoài ra, cần đưa ra chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn theo tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn heo, theo Tin tức.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp, với tình hình hiện nay, đến cuối quý III, đầu quý IV, nguồn cung thịt heo trong nước mới trở lại bình thường như giai đoạn trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Khi đó, tình hình nguồn cung gây áp lực lên giá heo hơi mới có thể được lắng xuống.
Sau một thời gian dài áp dụng một loạt biện pháp từ tăng đàn, tái đàn đến nhập khẩu thịt heo từ các nước nhưng không thể hạ được giá heo hơi trong nước, mới đây, Bộ NN&PTNN đã quyết định cho nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp cho phép nhập khẩu heo sống để giảm nhiệt thị trường heo hơi trong nước.
Với quyết định này, Cục Thú y phải phân tích rủi ro nhập khẩu heo sống, dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.
Các doanh nghiệp nhập khẩu thì cần phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước, thực hiện cách li heo sống nhập khẩu 30 ngày.
Với tiến độ hiện nay, cơ quan quản lí cho biết dự kiến qua giữa tháng 7, heo sống "ngoại" mới chính thức được đưa vào Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp, lượng thịt heo nhập khẩu tính đến cuối tháng 5 là 67.000 tấn, tăng rất mạnh so với cùng kì. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt vẫn không mấy mặn mà với thịt heo đông lạnh, do duy trì thói quen lựa chọn thịt nóng ngay sau giết mổ, theo Đời sống và Pháp lý.
Do đó, Bộ Nông nghiệp cho rằng việc nhập khẩu heo sống về giết thịt là một trong những biện pháp tiếp theo để giúp hạ giá thịt trong nước, đáp ứng thị hiếu thích ăn thịt nóng của người Việt.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement