13/10/2017 08:30
Bộ Công Thương tiếp tục xem xét, rà soát để cắt giảm các điều kiện kinh doanh
Cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ chẳng nói lên điều gì, nếu việc đó không mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định như vậy tại cuộc họp với Ban soạn thảo về cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh ngày 13/10 tại Bộ Công Thương nhằm đánh giá những tác động của việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện đối với môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như hoạt động quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách gắn liền với công tác cải cách hành chính, cải cách thế chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục làm quyết liệt trong thời gian tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh 5 nguyên tắc cơ bản về tiêu chí rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương sẽ phải thực hiện.
Đó là cần chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh; tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
Bộ trưởng cho rằng, gỡ khó cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành thuộc mọi lĩnh vực và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo chứ không phải của riêng cá nhân hay bộ, ngành nào. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành thì mục tiêu chung rất khó đat được.
“Đừng nhìn vào các con số mà nhìn vào thực tế bởi 675, 700 và thậm chí 1.000 – con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Con số có thể cao hơn hoặc cũng có thể thấp hơn, điều đó không quan trọng mà quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không, có tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp hay không. Cắt giảm là thực chất chứ không phải đưa các con số ra cho đẹp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Phó phòng Xây dựng Pháp Luật, Ban Pháp chế (Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, việc cắt giảm một loạt các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương thời gian qua là mạnh mẽ và chưa từng có và tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng băn khoăn về kế hoạch cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào; quá trình chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ triển khai từ bao giờ và thực hiện ra sao. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ xử lý thế nào đối với các Nghị định thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.
Nhiều ý kiến cũng chia sẻ, cần có các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định liên quan đến công tác hậu kiểm để cho các doanh nghiệp căn cứ vào đó mà tuân thủ và phải có người đủ tiêu chuẩn để đi kiểm tra sự tuân thủ đó bởi toàn hệ thống vẫn còn có những lỗ hổng, chưa sẵn sàng cho hậu kiểm.
Đối với công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương, Bộ trưởng chỉ đạo tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính công, khi đã đưa lên trực tuyến thì cần có sự phối hợp đồng bộ các thủ tục.
Bộ trường nhấn mạnh, không chỉ dừng lại ở Quyết định 3610a hay con số 675, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xem xét, rà soát kỹ lưỡng để cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đang có nhiều băn khoăn, nhưng có thể thực hiện được nếu tăng vai trò cũng như trách nhiệm của cấp cơ sở trên cơ sở công khai, minh bạch cùng với công cụ giám sát. Bộ trưởng Trần Tuấn Anhcho biết.
Tại sao Bộ Công Thương không sớm có sự điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh xăng dầu?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Bộ Công Thương sẽ làm sau khi có sự rà soát, xem xét một cách kỹ lưỡng, đầy đủ bởi xăng dầu là một lĩnh vực có đặc trưng rất riêng, liên quan đến các các thành phần, lĩnh vực kinh tế của đất nước.
Theo Bộ trưởng, trong kinh doanh các ngành hàng như rượu, thuốc lá, xăng dầu, khí... thường xây dựng theo quan điểm của những người làm luật là cơ quan hành chính, quản lý nhà nước và chỉ hướng về mục tiêu đơn giản là quản cho chặt mà nhiều khi không đánh giá lại và thực hiện đúng nội hàm quản lý nhà nước là gì. Vì vậy, trong quá trình rà soát, sửa đổi, cần chú ý đến tính thực tiễn hơn nữa.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp