18/10/2017 04:13
Bộ Công Thương: Có thể cắt giảm 90% điều kiện kinh doanh
Có khoảng 55,5% trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương đã được đề xuất cắt giảm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, con số này sẽ có thể nâng lên đến 70 -80% thậm chí là 90%.
Hôm nay (18/10), tại buổi tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh ‘trói’ doanh nghiệp” của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương đã có những chia sẻ rõ hơn về quyết định cắt giảm 55,5% (tương đương với 675 điều kiện kinh doanh) trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực công thương.
Khi đưa ra quyết định trên, Bộ Công Thương cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bộ có thể tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh lên đến 70 – 80%.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Vụ trưởng Tân hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các doanh nghiệp và cho rằng, “cắt giảm 70 – 80% chỉ là con số ước lượng, thậm chí có thể lên tới 90%”.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh bị trùng lặp, đại diện Bộ cũng khẳng định, “Bộ đã rà soát và phát hiện có 18 điều kiện kinh doanh bị trùng lặp liên quan thuộc Phụ Lục. Đồng thời, các điều kiện này đã được đề xuất bãi bỏ và sẽ được bãi bỏ tại văn bản quy phạm pháp luật đang được triển khai xây dựng”.
Đồng tình với quan điểm của ông Tân, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương cũng cho rằng, việc loại bỏ điều kiện kinh doanh trói doanh nghiệp chính là thay đổi phương thức quản lý nhà nước. Ngoài ra, “chúng ta nên chuyển hẳn cách quản lý, từ việc trói doanh nghiệp sang việc tạo ra môi trường linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh thêm.
Được biết, các mặt hàng được, nghề, được cắt giảm điều kiện kinh doanh là: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Advertisement
Advertisement