31/01/2021 16:53
Bí thư Chí Linh: Chúng tôi cần chi viện vì nhân lực đã hết
Lãnh đạo TP Chí Linh cho biết bệnh viện dã chiến ở đây đang thiếu các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị ca mắc COVID-19. Địa phương mong có thêm sự hỗ trợ từ Trung ương.
Tâm dịch Chí Linh (Hải Dương) đã trải qua 4 ngày giãn cách xã hội. Cơ quan chức năng bước đầu khoanh vùng được các địa điểm có người nhiễm bệnh để khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh dự báo vẫn còn phức tạp vì số lượng F1 đang cách ly rất lớn. Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng đã chia sẻ với Zing về tình hình hiện nay tại địa phương.
Hy vọng dập dịch sau 10 ngày
- Thưa ông, sau 4 ngày giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP Chí Linh hiện thế nào?
- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP đã tập trung đưa những ca F1 vào khu cách ly. Chúng tôi truy vết đến đâu, làm đến đó. Số lượng truy vết được trong 4 ngày là hơn 5.000 F1, để đưa về cách ly tại 11 điểm.
Đây là số lượng tương đối lớn, trong đó những khu có số lượng đông. Ví dụ, khu trường Đào tạo nghề Việt Nam - Canada hơn 1.000 người, trường Đại học Sao đỏ cơ sở 2 gần 700 người.
Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng. Ảnh: Thạch Thảo. |
Vì thế, cơ sở thiết bị vật chất bước đầu chưa thể đáp ứng được ngay. Lực lượng tham gia trong khu cách ly, nhất là ngành y tế và hậu cần chưa đảm bảo. Nguồn nhân lực tại chỗ của TP Chí Linh đã hết do phải chia ra các khu cách ly, 156 thôn và 17 khu phong tỏa.
Hiện chúng tôi cần sự hỗ trợ, chi viện của tỉnh, kể cả Trung ương, mới sắp xếp được ổn định trong các khu cách ly theo đúng quy định.
Về việc thực hiện các nhiệm vụ như truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để khoanh vùng, chúng tôi đề nghị Bộ Y tế tăng cường lực lượng để đẩy nhanh hơn, thần tốc hơn.
- Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Chí Linh thần tốc truy vết, xét nghiệm tất cả trường hợp liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19, và phải xem đây là nhiệm vụ số một cần thực hiện ngay. Chí Linh đã xác định trách nhiệm này thế nào để phối hợp các cơ quan chuyên môn?
- Trách nhiệm của Chí Linh là truy vết, còn lấy mẫu phẩm, xét nghiệm để đưa ra kết quả thuộc về ngành y tế. Vì vậy, có kết quả Chí Linh mới truy vết được. Muốn truy vết nhanh thì phải chờ kết quả xét nghiệm.
Có kết quả xét nghiệm, chúng tôi mới xác định đâu là F1, F2. Với tinh thần chủ động, Chí Linh đã lập đầy đủ danh sách nghi ngờ. Về mặt chuyên môn chúng tôi chưa có và phải chờ.
Hiện chúng tôi phối hợp chặt chẽ, trông chờ kết quả thần tốc trong công tác xét nghiệm, lấy mẫu, sàng lọc để truy vết, đưa F1 vào khu cách ly để khoanh vùng.
Như thế, việc lấy mẫu phẩm là nhiệm vụ cấp bách và phải thần tốc hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng trên địa bàn, đặc biệt là quân đội, công an để xác định các địa điểm và đưa các ca F1, dữ liệu ca F2 để đưa đi cách ly.
Nhân lực cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến của Chí Linh đang thiếu. Ảnh: Thạch Thảo. |
- Ông đánh giá thế nào công tác truy vết của thành phố đến giờ phút này?
- Bước đầu, tôi cho rằng TP đã khắc phục được những khó khăn. Nếu tiến độ nhanh hơn thì việc khoanh vùng, dập dịch sẽ đảm bảo và chắc chắn trong vòng 10 ngày sẽ thực hiện được.
Tuy nhiên, Tết Nguyên đán này không được như mọi năm, vẫn thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế, người dân cần sẵn lòng chia sẻ, cùng chung tay với thành phố, các cấp, các ngành để giúp cho dịch bệnh trên địa bàn được dập tắt, nhằm sớm chuyển sang trạng thái bình thường.
- Ông nhiều lần nhắc đến vấn đề chi viện nhân lực ngành y để dập dịch. Với tình hình hiện nay, Chí Linh mong muốn Trung ương hỗ trợ những gì?
- Hiện Chí Linh có các chuyên gia của Bộ Y tế đang trực tại đây để hỗ trợ, họ rất vất vả. Tuy nhiên, nguồn lực để tập trung điều trị những ca F0 tại Bệnh viện dã chiến 1 đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh còn thiếu.
Chúng tôi rất cần những chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn, có kinh nghiệm trong các đợt dập dịch.
Chúng tôi mong Bộ Y tế cân nhắc cử các bác sĩ có chuyên môn, nghiệp vụ và có kinh nghiệm về hỗ trợ Chí Linh. Ví dụ như các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực, bác sĩ đa khoa, điều dưỡng.
Tôi cho rằng đây là những nguồn nhân lực mà Trung tâm Y tế TP Chí Linh chưa đáp ứng được và cần có sự chi viện, hỗ trợ lớn hơn nữa từ Trung ương và tỉnh.
Mong bà con không ra ngoài chúc Tết
- Nhìn lại lần COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng, Chí Linh học hỏi được những kinh nghiệm gì từ cách chống dịch của Đà Nẵng?
- Chí Linh là thành phố trực thuộc tỉnh, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương. Chúng tôi học được sự quyết liệt và vào cuộc thần tốc của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, ca dương tính của Chí Linh khác với địa phương khác, khi diễn ra ở khu công nghiệp. Đây là điều chưa có trong tiền lệ, chưa có kịch bản nào cả. Vì vậy, trong vài ngày đầu, chúng tôi có sự lúng túng nhất định.
Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo của cấp trên, đến nay việc truy vết, khoanh vùng và cách ly đã có hiệu quả bước đầu. Trong đó có sự đồng tình rất cao của người dân.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nữa mà Chí Linh gặp phải là khu cách ly chưa đảm bảo.
- Khó khăn ở khu cách ly mà ông nói đến gồm những gì? Và TP Chí Linh đã có giải pháp nào để giải quyết tình hình?
- Lượng F1 cách ly hiện nay hơn 5.000, nếu tiếp tục truy vết thì sẽ tăng lên, gây khó khăn cho công tác vận chuyển, đưa vào khu cách ly tập trung.
Việc đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, giãn cách và lực lượng tham gia phục vụ cũng là một vấn đề lớn đối với cấp thành phố. Chưa kể, việc vào khu cách ly không đảm bảo còn dễ dẫn đến lây chéo.
Vì thế, TP Chí Linh đã đề xuất phương án cho các trường hợp F1 cách ly tại nhà. Việc này cũng nhằm phát huy tính cộng đồng và trách nhiệm của gia đình đối với việc tham gia chống dịch.
Trong thời gian đó, chính quyền sẽ cử lực lượng y tế giám sát, hướng dẫn về việc cách ly, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe hàng ngày. Cấp ủy chính quyền cũng sẽ tổ chức giám sát, phong tỏa đối với gia đình có F1.
Quân đội khử trùng ở TP Chí Linh. Ảnh: Thạch Thảo. |
- Tết Nguyên đán đã cận kề, Chí Linh đã chuẩn bị những gì để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân?
- Trong các khu phong tỏa, thành phố đã báo cáo với tỉnh giao cho ngành Công Thương phối hợp cùng. Việc triển khai trước hết là tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con. Ngược lại, các nhu yếu phẩm phục vụ Tết cho bà con cơ bản sẽ được đảm bảo.
Việc lưu thông, vận chuyển của các xe vào TP lấy hàng rồi chở ra tiêu thụ đang gặp rào cản vì một số địa phương bạn không ủng hộ. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc sát sao của Chính phủ, Bộ Y tế để có phương án cho địa phương khác nhận diện các xe này chở từ khu vực Chí Linh đã được đảm bảo trong vấn đề khử khuẩn. Ví dụ như có thể dán logo vào xe.
- Ông có khuyến cáo gì để người dân ăn Tết Nguyên đán an toàn trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp?
- Việc chăm lo người dân một cái Tết đầm ấm như mọi năm là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, Tết này diễn ra khi thành phố bùng phát dịch COVID-19.
Chúng tôi mong muốn người dân ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của cơ quan chuyên môn và TP Chí Linh.
Chính quyền thành phố mong bà con đón cái Tết tại nhà, không ra ngoài chúc Tết. Chúng tôi khuyến cáo các gia đình nên dùng hệ thống công nghệ thông tin, mạng xã hội chúc Tết nhau. Đó cũng là hành động ủng hộ thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Xin cám ơn ông!
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương, tính đến sáng 31/1, tỉnh Hải Dương có 181 người mắc COVID-19
Tỉnh này hiện có 32 ổ dịch ở 4 huyện, TP và thị xã (Chí Linh 14, Kim Thành 4, Nam Sách 2 và Kinh Môn 12). Số người đang cách ly là 13.426.
Advertisement
Advertisement