19/03/2018 07:53
Bế tắc nhà ở xã hội: Người nghèo lẫn doanh nghiệp vẫn ngóng chính sách
Nguồn cung ít trong khi nhu cầu lớn nên việc người dân thu nhập thấp mua được một căn hộ nhà ở xã hội ở không hề đơn giản.
Cung không theo kịp cầu
Với mục tiêu là tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội có điều kiện sở hữu nhà ở, sau 9 năm triển khai, chương trình phát triển nhà ở xã hội đã đem lại những hiệu quả quan trọng. Nguồn vốn Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng không hề nhỏ nhằm thực thi chính sách, một khoản đầu tư an sinh xã hội hữu ích nhất đối với người dân.
Tuy nhiên với chừng đó thời gian và tiền bạc, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn như một chiếc bánh chưa tròn với những góc khuyết đáng tiếc mà nguyên nhân gây nên chủ yếu từ chính sách khiến cho nhiều đối tượng đến thời điểm này đành bỏ ngỏ ước mơ về một nơi an cư.
Trong cơn lốc tăng giá của thị trường bất động sản, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân lao động không thể át được một thực tế là đang có một độ chênh rõ rệt về nguồn cung cho các đối tượng. Hàng ngàn người nghèo, người lao động có nhu cầu về nhà ở vẫn chưa có cơ hội được tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách ưu đãi này.
Số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trong năm 2017 TP.HCM chỉ mở bán 1.654 nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và đối tượng chính sách.
Đây là số căn hộ thuộc 4 dự án chung cư nhà ở xả hội giành cho người thu nhập thấp thuộc Khu dân cư Hạnh Phúc (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cao 22 tầng, 672 căn hộ. Tổ hợp nhà ở xã hội quận Tân Bình cao 12 tầng, 168 căn hộ. Dự án 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân cao 15 tầng, 718 căn hộ. Dự án khu nhà ở gia đình cán bộ lực lượng vũ trang Quân khu 7 ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cao 15 tầng, 96 căn hộ.
Dự án Green River ở quận 8 với 1.554 căn hộ trong đó có 80% là nhà ở xã hội (1.243 căn) và 20% dành tái định cư (311 căn). Tuy nhiên, người mua phải vay tiền với lãi suất thương mại. |
Cùng với Hà Nội, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về xây dựng nhà ở xã hội nhưng đến nay thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp mới phần nào đáp ứng được nhu cầu, giải quyết được chỗ ở cho một bộ phận công chức, viên chức, người lao động có thu nhập ổn định.
Bởi ngoài thủ tục khắt khe thì số lượng nhà ở xã hội quá hạn chế nhưng nhu cầu lại rất lớn. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện tại TP.HCM có gần 480.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. Trong đó có gần 80.000 hộ là cán bộ, công chức, viên chức. 13.000 hộ dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị không đủ điều kiện bồi thường hoặc bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại và khoảng 300.000 hộ nhập cư có nhu cầu thuê nhà ở xã hội.
Do đó, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất 140,41ha, quy mô hơn 44.700 căn, phấn đấu hoàn thành khoảng 30.000 căn. Hiện đã có 8 dự án khởi công với hơn 4.200 căn, 12 dự án đã chấp thuận đầu tư gần 12.000 căn và 19 dự án đã có chủ đầu tư hoặc chủ trương đầu tư.
Để đạt được chỉ tiêu đề ra, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM giao UBND quận huyện vùng ven rà soát các quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất sạch để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.
Đồng thời cho phép hoán đổi quỹ đất công có diện tích lớn hơn 1ha lấy quỹ đất nhà ở xã hội sở hữu nhà nước để cho thuê với các đối tượng không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thuộc các dự án chỉnh trang đô thị hoặc di dời ven kênh rạch.
Sở Xây dựng cũng tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Điều chỉnh lãi suất vay mua nhà ở xã hội 3-3,5%/năm, thời hạn cho vay tối thiểu 20 năm, ân hạn từ 6 tháng đến 3 năm mà người vay chưa phải trả lãi.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, dân số thực của TP.HCM hiện nay xấp xỉ 13 triệu người và có thêm khoảng 3 triệu người dân nhập cư. Đáng báo động là trong số đó những người nghèo đang dần dần mất khả năng mua nhà.
Quá khó
Nguồn cung ít trong khi nhu cầu lớn nên việc người dân thu nhập thấp mua được một căn hộ nhà ở xã hội ở không hề đơn giản. Ngay cả khi đã mua được nhà, việc huy động nguồn tài chính để nộp tiền nhà lại càng thêm khó khăn. Nhiều người dân lao động vẫn đau đáu ngóng đợi nguồn vốn ưu đãi khi gói 30.000 tỷ đồng đã kết thúc.
Tính đến thời điểm này, TP.HCM vẫn chưa có dư nợ tín dụng về nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội dù Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý bố trí khoảng 1.200 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành các quyết định về lãi suất ưu đãi 4,8%/năm đối với loại nhà ở này.
Như vậy, chính sách ban hành nhanh nhưng ngân sách lại bố trí chậm đã khiến người mua nhà trong thời gian qua phải trả lãi suất cao và tiếp tục phải đối mặt lãi suất thả nổi ở các năm tiếp theo.
Anh Đoàn Thanh Trà, nhân viên lái xe tải ở quận Bình Tân từ Quảng Nam vào Sài Gòn 12 năm nay. Anh Trà đã rất vui mừng vì được biết lại có chương trình cho vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp nối gói 30.000 tỷ đồng.
Lễ công bố thông tin dự án nhà ở xã hội của Nam Long ở Bình Chánh dưới cái tên Ehomes đã thu hút hàng trăm người, vì giá rẻ. |
Nhưng gần một năm nay, khi quyết định mua căn hộ 60m2 tại một dự án ở quận 8, TP.HCM. Dù đã nộp tiền đợt thứ 3 nhưng anh Trà buộc phải vay vốn theo lãi suất thương mại 8% trong 2 năm đầu, sau đó lãi suất sẽ lên 11-11,5%. Theo anh Trà, gói vay này đối với thu nhập của 2 vợ chồng anh là quá cao.
Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội, dự kiến năm nay nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng. Để thực hiện tốt chương trình này, ngân hàng đang thực hiện các giải pháp về nghiệp vụ, tập huấn triển khai. Đồng thời phối hợp với chính quyền các cấp để giải ngân nguồn vốn đến đúng đối tượng và nhanh nhất.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Nguyệt Nga, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vạn Thái Land cho biết, hồi cuối năm 2016, khi khởi công dự án Topaz Home tại quận 12, chỉ có 450 căn nhà ở xã hội nhưng có tới hơn 500 hồ sơ đăng ký.
Để có ngày khởi công dự án này, doanh nghiệp phải trải qua nhiều quy trình thủ tục. Tuy nhiên, nếu càng để thời gian kéo dài thì doanh nghiệp càng thiệt hại nên phải cố gắng. Mức lợi nhuận của doanh nghiệp thì bị khống chế không quá 10%. Dù lãi ít nhưng Vạn Thái Land vẫn chấp nhận để phát triển dự án bởi nhu cầu nhà ở của thị trường TP.HCM là rất lớn.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận, thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang phải qua nhiều khâu, nhiều cửa. Tuy nhiên, một phần trong đó là do các Luật, Nghị định. Đó là điều lãnh đạo Sở Xây dựng rất băn khoăn.
“Một dự án hoàn thành phải mất ít nhất 2 năm chi phí đầu tư. Sở đã tiếp thu, lắng nghe để giải quyết có lý, có tình trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án”, ông Tuấn nói.
Giấc mơ an cư của người nghèo đô thị... xa vời. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị đang khó tiếp cận nhà ở. Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở diện tích nhỏ mà việc giá bất động sản tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời. “Nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thời gian qua không đạt được như kỳ vọng và nhu cầu người dân. Ngoài nguồn cung sản phẩm phải có tín dụng đi kèm hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp”, ông Châu nói. |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp