14/08/2023 07:50
Bất động sản chưa thể 'thở phào'
Một loạt dự án bất động sản ở nhiều địa phương bắt đầu được gỡ vướng pháp lý sau quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, song các chủ đầu tư chưa thể “thở phào” vì nhiều nguyên nhân…
Nhiều dự án được gỡ vướng…
Chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland Bùi Thành Nhơn tham dự hội nghị tại Hà Nội với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành về hướng tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, dự án NovaWorld Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã có những chuyển động mới.
Đại diện Novaland cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì kết luận giữ nguyên chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp tháng 4/2019, nghĩa là không thay đổi mục tiêu dự án là đầu tư khu biệt thự, khu phố thương mại để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án. Trong quá trình triển khai, nếu có nội dung điều chỉnh thuộc trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về việc chuyển hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần, Tổ công tác xác định vấn đề này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Bình Thuận theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành và đề nghị UBND tỉnh căn cứ Điều 172 - Luật Đất đai 2013 để xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Trước đó, tỉnh đã có chủ trương cho phép chủ đầu tư được chuyển sang trả tiền thuê đất một lần với phần diện tích xây dựng biệt thự và khu phố thương mại.
Cùng với NovaWorld Phan Thiết, dự án Aqua City (Đồng Nai) của doanh nghiệp này cũng được gỡ dần các nút thắt vốn đã bế tắc cả năm nay. Cụ thể, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai ban hành công văn thông báo 2 căn nhà thuộc dự án đã đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.
“Mặc dù số căn nhà đủ điều kiện đưa vào kinh doanh chỉ là con số lẻ trong tổng số 752 căn biệt thự thuộc phân khu I và V, song đây sẽ là tiền lệ để hàng trăm căn nhà khác được phép hoàn thiện hợp đồng mua bán, nhận bàn giao nhà và quan trọng hơn là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, đại diện Novaland nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, sở dĩ được nhìn nhận như tiền lệ là bởi trước khi có công văn trên, 752 căn biệt thự tại dự án Aqua City từng được Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai từ năm 2020, song đến tháng 11/2022 quyết định này bị hủy với lý do chủ đầu tư chưa được các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh tài chính. Để có được thông báo đủ điều kiện kinh doanh, có 2 khách hàng đầu tiên đồng ý ký thỏa thuận ba bên với chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh.
Không chỉ dự án của Novaland, nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư khác cũng dần có lối ra sau thời gian dài ngưng trệ do vướng pháp lý. Chẳng hạn, tại TP.HCM, 41 dự án nhà ở thương mại trong tổng số 62 dự án không đáp ứng được điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư vì thiếu đất ở đã được Chủ tịch UBND Thành phố gợi mở hướng xử lý.
Cụ thể, người đứng đầu chính quyền Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, làm việc, hướng dẫn thực hiện đầu tư theo các phương án đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nếu chủ đầu tư vẫn mong muốn tiếp tục đầu tư dự án nhà ở thương mại thì đề nghị nghiên cứu phương án lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.
… nhưng lộ trình thực thi còn dài
Cần làm nhanh và kịp thời hơn nữa bởi hiện nay, một số dự án được gỡ vướng mới dừng ở bước chủ trương, còn việc thực thi vẫn rất chậm do tâm lý e ngại của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, ông rất cảm kích nỗ lực của Chính phủ, lãnh đạo Thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, song cần làm nhanh và kịp thời hơn nữa bởi hiện nay, một số dự án được gỡ vướng mới dừng ở bước chủ trương, còn việc thực thi vẫn rất chậm do tâm lý e ngại của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền.
Chia sẻ của vị lãnh đạo doanh nghiệp trên không hẳn là không có cơ sở, bởi ngay trong thông báo kết luận tại cuộc họp lần 3 (ngày 27/7/2023) của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cũng bày tỏ sự “sốt ruột” với tiến độ thực hiện chỉ đạo của các sở, ngành, quận, huyện.
Trước đó, tại cuộc họp lần thứ 2 (ngày 6/7/2023), ông Mãi đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện rà soát, tổng hợp và làm việc với chủ đầu tư để có ý kiến gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư gỡ vướng cho các dự án số 3A-3B Tôn Đức Thắng của Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Phương Nam 3A-2; dự án căn hộ Lê Thành của Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành; dự án Khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành của Công ty TNHH Bất động sản Tâm Đại Thành Công; dự án Moonlight Centre Point của Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Tiến và dự án Khu dân cư NBB Garden III của Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy.
Tuy nhiên, đến cuộc họp lần thứ 3, các đơn vị này vẫn chưa có ý kiến. Do đó, ông Mãi một lần nữa yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận 8 và quận Bình Tân khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại thông báo trước đó, có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/8/2023 để tổng hợp, thẩm định trình UBND Thành phố xem xét, quyết định trước ngày 15/8/2023, không được chậm trễ.
Bên cạnh tốc độ gỡ vướng chậm, cũng phải thừa nhận rằng, việc dự án vẫn “bất động” cũng có một phần nguyên nhân xuất phát từ chính các chủ đầu tư.
Chẳng hạn, tại dự án Shizen Home (quận 7, TP.HCM) của Công ty Gotec Land - một trong những dự án đầu tiên được Thành phố có chủ trương cho phép được bán nhà ở hình thành trong tương lai hồi đầu năm 2023, song đến nay vẫn chưa chính thức được Sở Xây dựng gửi thông báo cấp phép. Nguyên nhân là do những vấn đề nội tại trong doanh nghiệp liên quan đến việc dự án được dùng làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu của Nam Land.
Tương tự, việc UBND TP.HCM tổ chức họp và đưa ra hướng giải quyết với những dự án không đáp ứng điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư được đánh giá là một nỗ lực lớn trong việc gỡ vướng cho các dự án bất động sản. Song, đại diện một doanh nghiệp vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn, trong đó phương án chuyển dự án thương mại sang đầu tư nhà ở xã hội sẽ là lối thoát nhanh nhất, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ về chính sách nhưng phải chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.
Với những dự án vẫn theo đuổi mục tiêu triển khai nhà ở thương mại, doanh nghiệp buộc phải tham gia đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đấu thầu lại không đảm bảo doanh nghiệp đang triển khai dự án đó sẽ trúng thầu.
Trong trường hợp trúng thầu, doanh nghiệp sẽ mất thêm vài năm để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho dự án. Vì thế, dự án nào hiện đã bán hàng dưới hình thức góp vốn, đặt cọc thì doanh nghiệp phải đàm phán, trả lại tiền cho khách hàng, trong khi việc thương lượng với hàng trăm khách hàng và chuẩn bị một khoản tiền lớn để trả lại trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp