26/10/2018 14:15
Bất chấp việc "ép" đối tác bằng thuế, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn không ngừng tăng
Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng thêm 1 tỷ USD vào tháng Chín, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thu hẹp khoảng cách với các đối tác.
Xuất khẩu tăng 1,8% lên 140,9 tỷ USD từ tháng 8 đến tháng 9 và nhập khẩu tăng 1,5% lên 217 tỷ USD, số liệu từ cơ quan thống kê của Mỹ cho biết. Như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng trước ở mức 76 tỷ USD, bất chấp những cố gắng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc sử dụng thuế quan như công cụ để thúc ép các đối tác điều chỉnh cán cân thương mại. Cùng kỳ năm ngoái, khi xuất khẩu của Mỹ tăng hơn 10 tỷ USD, thì nhập khẩu đã tăng hơn 20 tỷ USD.
Tháng 9 đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng, theo UPI. Mỹ vốn phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đồng thời gây sức ép lên các đối tác thương mại lớn như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada, Mexico... mà một trong những lý do chủ yếu là nhằm thay đổi cán cân thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ.
Theo Cục Thống kê Mỹ, sự thay đổi lớn nhất thể hiện ở các mặt hàng như thực phẩm, thức ăn và đồ uống xuất khẩu, giảm gần 9% từ tháng 8 -9/2018. Khoản thâm hụt lớn nhất là xuất khẩu đậu tương, giảm 95%. Đặc biệt, thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc đã tăng lên. Xuất khẩu dầu sang Trung Quốc sau khi lập kỷ lục xuất 1 tỷ USD, đã giảm xuống mức bằng 0 trong vòng chỉ 2 tháng. Xuất khẩu xe hơi của Mỹ sang Trung Quốc giảm gần 600 triệu USD so với tháng trước.
Theo các phân tích mới nhất cho thấy, các vòng thuế đáp trả của Bắc Kinh nhắm vào "hậu phương", gây ảnh hưởng đến các bang sản xuất ô tô, đậu nành và chế biến dầu hỏa. Điều này có nghĩa là các bang quan trọng từng ủng hộ ông Trump (và đảng Cộng Hòa) thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, như Nam Carolina, Iowa và Texas... bị ảnh hưởng và gây áp lực lên cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11 sắp tới.
Sau khi Mỹ - Trung Quốc áp đặt hàng tỷ USD giá trị thuế quan đối với hàng nhập khẩu của nhau và Mỹ cùng các đối tác thương mại hàng đầu ký kết nhiều thỏa thuận, mà trong đó có không ít sự nhượng bộ theo đòi hỏi của chính quyền ông Trump, tình trạng thâm hụt thương mại vẫn tăng. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính hiệu quả của chính sách thương mại sử dụng công cụ thuế quan hiện tại của Mỹ.
Vẫn còn qua sớm để trả lời, bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và đối tác khác còn chưa ráo mực. Do đó, vũ khí thuế ưa thích của ông Trump sẽ cần được thời gian kiểm chứng có hiệu quả hay không.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp