16/07/2020 06:59
Bất chấp dịch COVID-19, giao thương hai chiều Việt-Mỹ vẫn tăng 4% trong 5 tháng đầu năm
Đó là thông tin được công bố tại buổi giao thương trực tuyến diễn ra vào chiều 15/7 giữa đại diện thương mại Việt Nam và Mỹ.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ ngày 15/7 đã có buổi kết nối, giao thương trực tuyến nhằm tìm kiếm cơ hội giới thiệu năng lực và hợp tác, vượt qua những khó khăn kinh tế do hậu quả của đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu suốt thời gian qua.
Giao thương Việt- Mỹ vẫn tăng bất chấp dịch Covid-19. |
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, các đại diện của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Cơ quan hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của bang New York, Văn phòng xúc tiến thương mại Vietrade tại New York và gần 80 doanh nghiệp của hai nước đã tham dự buổi kết nối, giao thương.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Đặng Đình Quý đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam nhằm nối lại các hoạt động thương mại sau đại dịch, cho rằng chính những người đứng mũi chịu sào doanh nghiệp thời khủng hoảng là những “anh hùng” góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước bởi kinh tế, thương mại là một phần quan trọng trong nền tảng phát triển quan hệ song phương Việt-Mỹ.
Đại sứ khẳng định cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng mang lại những cơ hội rất lớn và các cơ quan liên quan của hai nhà nước chắc chắn sẽ tạo những điều kiện tốt nhất hỗ trợ để các doanh nghiệp thành công hơn nữa, làm giàu cho chính mình, cho đất nước và đóng góp nâng tầm mối quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới.
Đồng tình với quan điểm của Đại sứ Đặng Đình Quý, ông Bùi Huy Sơn nhận định buổi giao thương trực tuyến này sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp Mỹ biết tới tiềm năng đầy hứa hẹn của Việt Nam đồng thời cũng giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường khổng lồ của Mỹ.
Trả lời câu hỏi của đại diện một doanh nghiệp Việt Nam băn khoăn liệu doanh nghiệp có phải trả phí để được kết nối với các đối tác phù hợp phía Mỹ, ông Sơn khẳng định các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm làm cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm bạn hàng Mỹ phù hợp mà doanh nghiệp không phải trả bất cứ chi phí gì.
Phát biểu từ Hà Nội, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú cho biết kể từ khi đại dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động thương mại quốc tế bị gián đoạn, Cục đã tích cực phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài cũng như các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức nhiều sự kiện giao thương trực tuyến, nhất là ở những thị trường truyền thống và tiềm năng của Việt Nam như Mỹ, Ấn Độ, Nga hay Singapore và thu hút được hàng trăm các doanh nghiệp tham gia.
Theo ông An Thế Dũng, Giám đốc Văn phòng xúc tiến thương mại Vietrade của Bộ Công thương tại New York, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thường kỳ tại Mỹ bị hủy hoãn vô thời hạn, kể cả những sự kiện rất lớn như Hội chợ Thủy sản Boston, Hội chợ Thủ công mỹ nghệ New York, Hội chợ Thương hiệu cá nhân Chicago, khiến doanh nghiệp của hai nước mất cơ hội giao thương trực tiếp. Hoạt động thương mại cũng bị ảnh hưởng đáng kể do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy dẫn đến sự chuyển dịch sản xuất từ một số quốc gia sang các nước khác an toàn hơn nhưng chưa có được quy mô sản xuất lớn đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đặt hàng.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng những thành quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua đã khiến Việt Nam càng chứng tỏ là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong thời khủng hoảng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nhiều thế mạnh như sự năng động và lực lượng lao động trẻ, dồi dào.
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong thời kỳ đại dịch, Việt Nam vẫn nhận được hàng trăm thư giao dịch mỗi ngày và hàng nghìn lượt doanh nghiệp truy cập trang web của Cục Xúc tiến Thương mại để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Thương mại hai chiều Việt-Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2020 vẫn duy trì ở mức tăng trưởng hơn 4%, trong đó xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng 3%. Ông Dũng khẳng định đó là tín hiệu tích cực cho thấy dòng chảy thương mại vẫn tiếp tục gia tăng và Cơ quan Đại diện Thương mại Vietrade New York đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, sản phẩm, kết nối đối tác.
Tuy nhiên, các cơ quan thương mại phía Việt Nam thừa nhận hiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Ví dụ, với một số sản phẩm y tế như quần áo bảo hộ và găng tay, một số doanh nghiệp lớn trong nước cho biết hiện đã vượt quá công suất, không thể nhận tiếp đơn hàng cho tới cuối năm 2020. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không xuất được hàng.
Bà Lauren Merkel, đại diện Empire State Development, Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp của bang New York, khẳng định Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ thương mại rất chặt chẽ và giới chức bang New York, đặc biệt là Thống đốc Andrew Cuomo, luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn với các doanh nghiệp của New York và ngược lại.
Đại diện Cơ quan thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, ông Daniel Pint, đã giới thiệu với các doanh nghiệp Việt Nam về các doanh nghiệp Mỹ, cũng như những yêu cầu cụ thể liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa của các công ty này. Ông Pint cho biết cơ hội làm ăn với Mỹ là rất nhiều và phía Mỹ sẵn sàng tạo cơ hội cho các đối tác đủ năng lực và tiêu chuẩn.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương Việt-Mỹ có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng trưởng khá cao và ổn định. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ và Việt Nam tăng trung bình 20% mỗi năm, từ khoảng 41,28 tỷ USD vào năm 2015 lên 58,8 tỷ USD năm 2018 và 75,72 tỷ USD năm 2019 - cao gấp 75 lần so với con số của năm 2000.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ, còn Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7% mỗi năm và quy mô dân số gần 100 triệu người với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa chất lượng của Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng hứa hẹn cho các công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, viễn thông, hàng không và tài chính - ngân hàng.
Advertisement
Advertisement