13/12/2018 15:57
Bản chất cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhìn từ vụ bắt giữ CFO của Huawei
Nhìn vào vụ việc liên quan tới Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người ta có thể thấy được phần nào nguồn cơn dẫn đến những căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo yêu cầu của Washington, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở sân bay Vancouver (Canada) khi đang làm thủ tục nối chuyến bay. Bà Mạnh Vãn Chu - thành viên ban quản trị tập đoàn viễn thông Huawei và là con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi - đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ do cáo buộc gian lận tài chính liên quan tới việc vi phạm các lệnh cấm bán thiết bị công nghệ cao cho Iran.
Financial Times nhận định, tổng thống Mỹ Donald Trump đơn giản chỉ tập trung vào cán cân thương mại hàng hóa không cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, điều càng tồi tệ hơn từ khi ông khai hỏa cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, những nhân vật có tư tưởng cứng rắn đối với Trung Quốc trong hàng ngũ quan chức Mỹ lại quan tâm tới một vấn đề khác, đó là duy trì vị thế siêu cường thế giới trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ.
Dù Trump có hiểu hay không, đây vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến thương mại hiện nay. Huawei là mối lo của Washington bởi quan hệ của tập đoàn này với quân đội và giới tình báo Trung Quốc, và cũng bởi thành công của Huawei trên cương vị nhà sản xuất thiết bị viễn thông đã tạo ra viễn cảnh u ám là tiềm lực công nghệ của Trung Quốc sánh ngang, hoặc thậm chí là vượt hẳn Mỹ.
Với mục tiêu tham vọng “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, Bắc Kinh đã xác định các ngành công nghiệp mà họ muốn chiếm lĩnh bằng mọi giá, kể cả qua việc mua và chuyển giao hay thậm chí là đánh cắp công nghệ từ Mỹ và các nước phát triển khác.
Những lực lượng nòng cốt của Trung Quốc đã nghiên cứu mô hình của Thung lũng công nghệ Silicon, xem đó là tổ hợp nghiên cứu và phát triển của Lầu Năm Góc. Họ tái tạo và xây dựng một mô hình quân-dân sự phức hợp để thúc đẩy kỹ thuật và công nghệ quy mô tới mức khiến nhiều quan chức Mỹ không khỏi lo ngại.
Tuy nhiên, thực tế hiện trạng ngành công nghệ Trung Quốc vẫn chưa thực sự đáng lo ngại tới mức độ này và Trung Quốc chủ yếu vẫn là cơ sở sản xuất-lắp ráp giá rẻ và công nghệ thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lấy ví dụ về mặt hàng bút bi. Khoảng 3.000 doanh nghiệp tại Trung Quốc sản xuất 38 tỷ bút bi mỗi năm, chiếm gần 80% toàn thế giới. Tuy nhiên, tới tận tháng 1/2017, vẫn không có bất kỳ doanh nghiệp nào trong số này có thể sản xuất trọn vẹn một chiếc bút bi thành phẩm. Khoảng 90% đầu bi và ruột mực được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức và Thụy Sỹ.
Trong khi đó, sau hàng thập kỷ nỗ lực và đổ hàng tỷ USD đầu tư cho ngành sản xuất chất bán dẫn nội địa, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu tới 95% các vi mạch công nghệ cao để lắp đặt cho các máy tính và máy chủ trong nước. Trong năm 2016, Trung Quốc đã chi khoảng 227 tỷ USD để nhập khẩu vi mạch, lớn hơn số tiền nhập khẩu dầu mỏ dù họ là nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.
Xét trên nhiều khía cạnh, mục tiêu phát triển trong lĩnh vực công nghệ của Chính quyền Bắc Kinh cũng tương tự cách họ tham gia các sự kiện thể thao tầm cỡ như Thế vận hội. Bị ám ảnh bởi việc giành huy chương vàng, quốc gia này đầu tư nhiều nguồn lực cho các môn thể thao vốn thường bị nhiều quốc gia khác phớt lờ như bắn cung, bắn súng, bi đá trên băng,… để có thể dễ dàng tìm kiếm chiến thắng.
Tuy nhiên, thực tế là thành tích của Trung Quốc trong các sự kiện quốc tế nhìn chung vẫn thấp, và Trung Quốc vẫn tụt hậu trong điền kinh, bóng đá hay bóng rổ, các môn thể thao mà thành công phụ thuộc vào sự đầu tư từ gốc rễ và bài bản lâu dài.
Sự ám ảnh kiểu này của Trung Quốc cũng thể hiện trong ngành công nghệ tiên phong. Bên cạnh những thành công ấn tượng trong việc phổ biến hóa hình thức thanh toán số, Trung Quốc cũng đã đạt tiến bộ trong việc phát triển thành công thiết bị lặn dưới biển và gạo lai cấy. Tuy nhiên, nhìn chung Trung Quốc chưa có nhiều đột phá đặc biệt và nền kinh tế của họ vẫn chủ yếu nhờ vào sức lao động và ứng dụng công nghệ trình độ thấp.
Nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ tại Trung Quốc cho rằng hệ thống giáo dục của quốc gia này chính là rào cản hạn chế những tư tưởng cách tân bởi quá nhấn mạnh phương pháp học thuộc lòng, rập khuôn và hạn chế sự sáng tạo.
Không phải vô tình mà nhiều nhà cách tân và có tài năng của Trung Quốc lại là những người được đào tạo ở Mỹ và quyết định lựa chọn ở lại quốc gia này sau khi tốt nghiệp. Trung Quốc ngày nay còn lâu mới đủ sức đe dọa vị thế bá chủ về công nghệ của Mỹ như nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang tích cực đẩy mạnh mục tiêu cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ quân sự, nơi họ dồn phần lớn nỗ lực.
Thực tế lịch sử cho thấy lợi thế không thuộc về Mỹ. Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc đã tìm cách duy trì vị thế hàng đầu của mình trong ngành sản xuất lụa bằng cách thanh trừng bất cứ ai tìm cách đem tơ tằm hoặc kén nhộng ra nước ngoài. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, Trung Quốc đã để mất bí mật này vào tay Nhật Bản.
Vào cuối thế kỷ 18, Anh đã tìm cách cản trở việc di cư của các công nhân ngành dệt cùng máy móc để ngăn các thuộc địa cũ của Mỹ có cơ hội thúc đẩy công nghiệp hóa với các công nghệ của Anh. Tuy nhiên, Mỹ sau đó vẫn phát triển thịnh vượng nhờ nền tảng các công nghệ đánh cắp được từ Anh và châu Âu.
Chính quyền Trump cần để tâm tới những bài học kể trên bởi ngay cả khi Mỹ có thể cản trở đà phát triển công nghệ của Trung Quốc thì những nỗ lực này trong dài hạn chắc chắn cũng sẽ dần trở nên vô tác dụng,Financial Times nêu quan điểm.
Advertisement
Advertisement