Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump đối diện cuộc chiến pháp lý cam go

Phân tích

16/02/2019 00:08

Tổng thống Donald Trump ngày 15/2 chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico dù dự đoán mình sẽ gặp rắc rối với quyết định này.

CNN đưa tin Tổng thống Trump đã họp báo tại Vườn Hồng của Nhà Trắng để thông báo các quyết định của mình. Ông Trump đã chính thức dùng quyền hành pháp để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Tổng thống Donald Trump ký Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: Nhà Trắng.
Tổng thống Donald Trump ký Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: Nhà Trắng.

Phát biểu tại cuộc họp báo, chủ nhân Nhà Trắng nói: "Chúng ta đang phải tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia trên biên giới phía nam và chúng ta phải xử lý điều đó bằng cách này hay cách khác". Ông nhấn mạnh quyết định xây dựng tường biên giới không phải để hoàn thành lời hứa lúc tranh cử mà là để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh tại biên giới.

Theo CNBC, với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump có thể có ngân sách khoảng 8 tỷ USD từ các bộ ngành, đủ kinh phí 5,7 tỷ USD phục vụ việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico mà không cần đến sự chuẩn thuận của quốc hội.

Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump đối diện cuộc chiến pháp lý cam go

Phát biểu với các phóng viên vào sáng thứ Sáu, Quyền Tham mưu trưởng Nhà Trắng Mick Mulvaney cho biết, ông Trump dự định sẽ tạo ra một ngân sách trị giá 8 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới. Trong đó, Quốc hội dành 1,375 tỷ USD trong dự luật tài trợ của Bộ An ninh Nội địa. 600 triệu USD khác sẽ đến từ các quỹ tịch thu ma túy của Bộ Tài chính. Bộ Quốc phòng sẽ cung cấp phần còn lại, dưới hình thức 2,5 tỷ USD từ quỹ quân sự cho các hoạt động chống ma túy và 3,6 tỷ USD từ ngân sách xây dựng quân đội.

Các nghị sỹ Dân chủ đã chuẩn bị phản đối tuyên bố của ông Trump về tình trạng khẩn cấp là một động thái không hợp hiến khi có mục đích chi trả cho bức tường của ông mà không được Quốc hội thông qua. Chính ông Trump cũng dự đoán việc vượt mặt quốc hội lần này sẽ khiến mình bị vướng vào thách thức pháp lý.

Cũng tại Nhà Trắng, ông Trump thông báo ký ban hành đạo luật ngân sách cho chính phủ hoạt động, vốn được quốc hội thông qua trước đó.

Quyền ban bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống

Theo Hiến pháp Mỹ, các quyết định về việc sử dụng nguồn quỹ từ người đóng thuế và hoạch định chính sách sẽ do Quốc hội đưa ra.

Tuy nhiên, một bộ luật năm 1976 cho phép Tổng thống “vượt mặt” Quốc hội và quyết định sử dụng nguồn quỹ trong trường hợp có tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đạo luật khẩn cấp quốc gia không định nghĩa cụ thể “tình trạng khẩn cấp” là như thế nào. Theo các chuyên gia pháp lý, điều này cho phép Tổng thống có thể dễ dàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Đạo luật cũng trao quyền cho Quốc hội kiểm định lại việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả 2 viện. Điều này sẽ khó khăn trong bối cảnh hiện nay do Thượng viện do đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump chiếm đa số còn Hạ viện do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát.

Mỹ đã có khoảng 30 sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia có hiệu lực, trong đó có 1 sắc lệnh liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979 và 1 sắc lệnh về dịch cúm lợn năm 2009.

Các bộ luật đặc biệt của Mỹ cho phép Tổng thống có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Một bộ luật cho phép Tổng thống có thể sử dụng ngân sách xây dựng của Bộ Quốc phòng nếu số tiền này vẫn chưa được phân bổ cho dự án nào. Trong khi một bộ luật khác cho phép Quân đội Mỹ đình chỉ các dự án dân sự và sử dụng các nguồn quỹ hay điều động nhân sự cho các dự án “thiết yếu đối với việc bảo vệ quốc gia”.

Kiện tụng tại tòa

Có rất ít tiền lệ về các vụ kiện tụng liên quan đến sắc lệnh tình trạng khẩn cấp của Tổng thống và các chuyên gia pháp lý cũng đang tranh cãi.

Elizabeth Goitein, luật sư tại Trung tâm Brennan về Tư pháp, nói rằng, có căn cứ để kết luận việc xây tường biên giới là bị cấm theo nhiều đạo luật cấp quyền cho sắc lệnh Tổng thống về tình trạng khẩn cấp.

Theo Tòa án tối cao Mỹ, cá nhân các nghị sỹ Hạ viện không thể khởi kiện ra tòa về sắc lệnh khẩn cấp của Tổng thống, nhưng Hạ viện với tư cách là một cơ quan thì có cơ sở pháp lý để khởi kiện.

Năm 2015, một tòa án thượng thẩm ở Washington nói rằng, Hạ viện với tư cách là một cơ quan có thể khởi kiện đối với cách thức chính quyền Tống thống Obama đã chọn để chi tiền cho một phần Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, mà quốc hội Mỹ đã không đồng ý cấp ngân sách.

Các cá nhân hay doanh nghiệp bị hủy hợp đồng vì việc chuyển đổi ngân sách của quân đội, các chủ đất tư bị thu hồi tài sản cũng có thể khởi kiện ông Trump ra tòa, theo Robert Chesney, một giáo sư về luật an ninh quốc gia tại đại học Texas.

Tuy nhiên, có một vấn đề thực tế đối với Tổng thống Trump. Cho dù ông có thể chứng minh được tình trạng khẩn cấp có tồn tại, thì ông cũng sẽ phải tìm cách để lấy tiền xây tường biên giới từ số tiền còn lại trong khoảng 10,4 tỷ USD cho các dự án xây dựng quân đội trong năm tài khóa hiện tại kết thúc vào ngày 30/9.

Quân đội Mỹ không tiết lộ còn bao nhiêu tiền trong ngân sách xây dựng. Cũng chưa rõ liệu nguồn tiền còn lại này có đủ để đạt tiến triển đáng kể trong việc xây tường biên giới hay không.

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement