Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công: 247.000 tỷ đồng trong 35 ngày

Chính sách - Hạ tầng

28/11/2023 18:01

Số vốn đầu tư công chưa giải ngân còn khoảng 247.000 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch giao nhưng chỉ còn 35 ngày để chi tiêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về kiểm điểm, đánh giá tình hình, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Số liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố, việc giải ngân đến hết tháng 10/2023 đạt gần 389.700 tỷ đồng (55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng 3,68% và tăng trên 99.000 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Ước giải ngân đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461.000 tỷ đồng (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122.600 tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92,76%), Văn phòng Quốc hội (83,61%), Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%), Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%).

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công: 247.000 tỷ đồng trong 35 ngày- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Một số tỉnh có kết quả giải ngân cao như Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%).

Theo vùng, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ giải ngân bình quân cao (lần lượt là 82,25% và 73,87%).

Có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16.200 tỷ đồng.

Có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%, theo Dân Việt.

Đặc biệt, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (còn khoảng 247.000 tỷ đồng). Như vậy, với ngân sách trên, áp lực giải ngân cho 35 ngày còn lại của năm 2023 lên đến hơn 7.057 tỷ đồng/ngày.

Lý do giải ngân chưa đạt kỳ vọng, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên vật liệu tăng cao, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, nhưng số khác lại chậm trễ. Vướng mắc nữa được bộ này nêu là thể chế, chính sách và đặc thù quy mô vốn năm nay lớn, tăng 130.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2022.

Trước thực tế này, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình và yêu cầu các cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để "không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy", phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền giải pháp linh hoạt để năm nay giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn, tức hơn 676.000 tỷ đồng.

Bộ này cũng được yêu cầu sớm trình Chính phủ dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư vốn công năm 2024, không để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả".

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành, nhất là qua dịch vụ công trực tuyến. Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kiểm soát giá và bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là xăng, dầu, sắt thép.

Các Bộ gồm Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm nguồn cung cát, đất đắp nền cho các dự án đường bộ cao tốc.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement