14/08/2019 09:28
Anh sẽ phạt Youtube, Facebook 5% doanh thu nếu không xóa nội dung độc hại
Chính phủ Anh sắp ban hành quy định các công ty công nghệ như YouTube, Facebook phải nộp 5% doanh thu nếu không xóa các nội dung độc hại.
Cụ thể quy định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 19/9/2020, nếu các hãng công nghệ không tuân thủ luật pháp ở Anh, họ sẽ phải tiến hành nộp phạt “đáng kể” nếu không đủ nhanh để xóa các nội dung độc hại được yêu cầu, không chỉ đánh vào kinh tế, án phạt còn có thể khiến các công ty này bị hạn chế hay đình chỉ hoạt động, theo CNET.
Các nội dung độc hại trong lệnh cấm bao gồm việc thúc đẩy bạo lực, lạm dụng trẻ em và cả các hành vi khiêu dâm. Đây được xem là một giải pháp tạm thời được đưa ra nhằm điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn trên Internet. Điều luật này sẽ được quản lý và thi hành bởi Cơ quan giám sát truyền thông Anh (Ofcom).
Bà Margot James - người đứng đầu Ủy ban kỹ thuật số của Anh cho biết: “Sẽ có những phương thức trừng phạt nặng tay, và không thể không có hình phạt về tài chính. Hình phạt này phải đủ sức răn đe. Chúng ta có thể nhìn vào mức phạt của ICO để thấy điều đó”.
Bà cũng cho rằng mạng xã hội không hoàn toàn có lỗi khi những nội dung độc hại xuất hiện. Tuy nhiên, trách nhiệm của họ là gỡ bỏ những nội dung này, nên nếu không làm được thì đó là lỗi của mạng xã hội.
“Chúng ta cần gỡ bỏ những nội dung đó trước khi nó gây ảnh hưởng. Đó là vấn đề chúng tôi muốn nói đến. Nếu để tới vài tuần thì đã quá muộn”.
Ngoài ra giới giám đốc điều hành các hãng mạng xã hội cũng có thể chịu trách nhiệm cá nhân nếu nội dung bất hợp pháp không được gỡ xuống trong một khung thời gian nhất định.
Theo đại diện Ofcom, đây chỉ là bước đầu trong việc điều chỉnh các hành vi chia sẻ video trực tuyến. Cơ quan giám sát truyền thông Anh sẽ phối hợp với Chính phủ trong việc triển khai quy định này. Ofcom thậm chí còn có các kế hoạch xa hơn nhằm bảo vệ người dùng và buộc các công ty Internet phải quan tâm hơn tới người sử dụng sản phẩm của họ.
Tại Anh, điều này ngày càng được quan tâm hơn sau vụ tự tử của cô bé Molly Russell (14 tuổi) gây xôn xao dư luận vào năm 2017, sau khi em xem các nội dung video tự sát trên mạng xã hội.
Ngoài mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm, nhắn tin online và trang web lưu trữ tệp tin cũng sẽ bị điều chỉnh và kiểm duyệt theo luật mới. Các trang web phát video trực tuyến nhắm đến trẻ em cũng bị buộc phải chặn nội dung độc hại như bạo lực hoặc khiêu dâm.
Quy định trên sẽ được đệ trình trước Quốc hội Anh vào mùa hè này trước khi được chính thức thông qua, theo Telegraph.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp