23/07/2018 10:26
Amazon, Toyota, Alcoa tìm cách giảm ảnh hưởng "cơn bão thuế quan" của ông Trump
Các công ty lớn đang tích cực tìm giải pháp nhằm chống lại tác động từ chính sách thương mại bảo hộ của chính quyền Trump.
Đối đầu gián tiếp
Dù cố gắng tránh đối đầu nào với ông Donald Trump, nhưng các công ty lại muốn gây ảnh hưởng nhiều nhất có thể nhằm ngăn cản ông từ bỏ các thỏa thuận thương mại, hoặc đưa ra những khoản thuế lên hàng nhập khẩu.
Amazon, công ty bán lẻ trực tuyến và điện toán đám mây lớn nhất thế giới, có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan đối với các mặt hàng được bán qua mạng và các thành phần liên quan tới trung tâm dữ liệu của họ, theo một nguồn tin giấu tên được Reuters dẫn lời.
Alcoa, tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ chính phủ Mỹ. Ảnh: Alcoa |
Các công ty lớn, từ Amazon đến Toyota Motor và Alcoa đang tích cực tìm giải pháp nhằm chống lại tác động từ chính sách thương mại bảo hộ của chính phủ Mỹ, đồng thời là các mức thuế mới.
Các công ty này, một mặt đang cố gắng tránh né bất kỳ cuộc đối đầu nào với ông Trump, nhưng mặc khác lại muốn gây ảnh hưởng nhiều nhất có thể để ngăn tổng thống Mỹ từ bỏ các thỏa thuận thương mại đa phương, hoặc đưa ra mức thuế mới trên một loạt các hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Trong những tuần gần đây, đại diện của Toyota Motor Bắc Mỹ, công ty con của Toyota Nhật Bản, đã gặp các thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ nhằm thảo luận về tác động tiềm tàng của thuế quan. Toyota là hãng có thể bị ảnh hưởng nặng nề, nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi kế hoạch áp đặt thuế quan đối với xe và phụ tùng nhập khẩu.
Giám đốc điều hành của General Motors cho biết, trong vài tháng qua hãng cũng tổ chức các cuộc họp với chính quyền và Quốc hội Mỹ, nhằm bày tỏ lo ngại về tác động bất lợi đối với ngành sản xuất xe hơi đến từ các chính sách thương mại của chính phủ. Tương tự Toyota, General Motors cũng là hãng xe có thể bị tổn thương nếu Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hoặc áp đặt thuế mới. Thuế quan sẽ dẫn đến sự giảm doanh thu cả trong và ngoài nước, công ty cho biết vào tháng Sáu.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ đã lên kế hoạch thuê Everett Eissenstat, cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia và cố vấn về các vấn đề kinh tế quốc tế của Trump. Các nguồn thạo tin cho Reuters biết, Eissenstat sẽ phụ trách các nỗ lực chèo chống General Motors vượt qua các vấn đề về chính sách công. Tuy nhiên, hãng xe này vẫn chưa xác nhận việc có thuê Eissenstat hay không.
Trong khi đó, các công ty phải hứng chịu thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu, có hiệu lực từ tháng Sáu, cũng đang đẩy mạnh việc vận động những nhân vật có uy tín và các cơ quan hữu quan trong chính quyền Mỹ tác động nhằm tạo ra ít nhất là những điều chỉnh chính sách.
Giám đốc điều hành của Alcoa, tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, đã nói với các nhà đầu tư tại một hội nghị trong tuần qua rằng Alcoa đang trong "các cuộc thảo luận tích cực" với chính quyền của ông Trump, Bộ Thương mại và các thành viên của Quốc hội về việc loại bỏ thuế quan, hoặc ít nhất tạo ngoại lệ đối với nhôm của Canada. Trong tuần vừa qua, Alcoa phải gánh chịu thêm 14 triệu USD/tháng cho các khoản chi phí phụ trội, chủ yếu từ thuế đánh vào nhôm nhập khẩu từ Canada.
Thành công bước đầu
Ngoài thuế thép và nhôm đã được áp dụng, chính quyền ông Trump đã đe dọa thuế suất 10% trên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu từ đồ nội thất đến các bộ định tuyến mạng.
Amazon, có trụ sở tại Seattle, lo ngại mức thuế như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức mua trong mùa mua sắm quan trọng. Công ty đã xác định một loạt mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế mới, một số trong số đó có giá trị cao. Đồng thời, Amazon cũng đánh giá tác động tiềm năng đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Một kho hàng của Amazon. Ảnh: Reuters |
Trong số các mối quan tâm của Amazon, chi phí nhập khẩu tăng cao đối với các thành phần được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu hoặc cho bộ phận điện toán đám mây sẽ kém cạnh tranh hơn. Trong khi Amazon Web Services là đơn vị sinh lợi cao nhất của công ty này.
Amazon không phải là trường hợp duy nhất trong ngành công công nghệ số gặp khó bởi chính sách thuế của chính quyền ông Trump. Dean Garfield, giám đốc của Hội đồng Công nghệ thông tin, cho biết đối thủ của Amazon là Microsoft, Alphabet của Google và những doanh nghiệp khác là thành viên của hội đồng cũng chịu áp lực tương tự.
Vận động qua kênh các quan chức chính phủ và các thành viên của Quốc hội, dù biết có thể tốn kém nhưng chưa chắc đạt kết quả mong muốn, các công ty vẫn xác định "còn nước còn tác". Trên thực tế, một số cố gắng đã thành công.
Chẳng hạn, Apple đã nhận được sự bảo đảm từ chính quyền Trump rằng, những chiếc iPhone hấp dẫn của họ sẽ xuất xưởng từ Trung Quốc mà không phải chịu thuế quan, tờ New York Times đưa tin tháng trước.
Advertisement
Advertisement