28/08/2017 06:07
Alibaba và Tencent đã đặt cược những gì để có ngày hôm nay?
Để có được khối tài sản khổng lồ, 2 tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc không ngại mạo hiểm trong những lĩnh vực kinh doanh mới mẻ và hào phóng.
Tập đoàn Alibaba, đế chế thâu tóm gần như toàn bộ nền thương mại điện tử của Trung Quốc vừa bỏ ra 8 tỉ USD để đầu tư vào chuỗi cửa hàng bán lẻ của tập đoàn Suning Commerce nhằm chứng minh rằng Alibaba có thể thay đổi phong cách mua sắm truyền thống của người dân nước này.
Trong khi đó, tập đoàn Tencent đang mở rộng đế chế game của mình bằng cách thu mua hàng loạt studio và các nhà phát triển nội dung để gây dựng một đế chế giải trí mới. Những vụ đặt cược hàng tỉ USD này đã đem lại trái ngọt được chứng minh trong bản báo cáo doanh thu vừa công bố hồi tuần trước.
Năm 2017, sau khi tăng trưởng 73%, các giao dịch cổ phiếu của Alibaba đã đem về giá trị gấp 64 lần. Với Tencent, hai con số này lần lượt là 71% và 56 lần. Để dễ hình dung, Alphabet chỉ tăng 30 lần và Facebook còn khiêm tốn hơn với 38 lần.
Quy mô các vụ thu mua và các thỏa thuận của Alibaba và Tencent – tổng giá trị lên tới 55 tỉ USD trong năm 2016 và 2017 – đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ, bởi 2 công ty này từ trước đến nay mới chỉ có những phát triển dè dặt và bước đi thận trọng.
Sự phát triển thần kỳ này còn một phần là nhờ tham vọng duy trì vị trí đứng đầu trong ngành công nghiệp của mình của Alibaba và Tencent. Như Chủ tịch Alphabet Eric Schmidt đã nói, các đối thủ cạnh tranh trong giới công nghệ có thể chỉ thua kém bạn 1 cú click chuột.
Những bước đi của Alibaba có vẻ gây nhiều bất ngờ hơn khi tập đoàn này bắt đầu thu mua 2 chuỗi cửa hàng bách hóa Liên Hoa (Giang Tây) và Tam Giang (Quý Châu) trước cả khi Amazon mua lại Whole Foods. Jack Ma còn quyết định chi một số tiền không nhỏ để đầu tư vào các cửa hàng bởi ông tin rằng thương mại điện tử đơn thuần sẽ gặp thách thức lớn trong tương lai.
Nhưng các siêu thị và cửa hàng bách hóa chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Điều Alibaba thực sự muốn là cải tổ toàn bộ ngành bán lẻ, và không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.
Tập đoàn này còn có một cơ sở dữ liệu khổng lồ được kết hợp một cách đặc biệt với công nghệ đám mây, có thể tạo ra cuộc cách mạng cho các thương hiệu muốn quản lý kho hàng của mình, giúp họ đáp ứng ngay lập tức được nhu cầu của khách hàng.
Các lớp giao dịch trung gian sẽ sớm trở nên thừa thãi và bị loại bỏ. Phong cách bán lẻ kiểu mới này được kỳ vọng sẽ giúp Alibaba định hình mô hình kinh doanh trong tương lai.
Trong khi đó, Tencent lại đặt cược vào điều bình dị hơn, nhưng cũng không hề kém tham vọng. Honour of Kings (Danh dự của những vị vua) chính là phiên bản nội bộ của League of Legends (Liên minh huyền thoại) đã đem về 3 tỉ USD doanh thu chỉ trong năm nay.
Chuỗi thành công liên tiếp của game này đã giúp Tencent chuyển mình đầy thành công từ game trên nền tảng máy tính sang nền tảng di động và thể hiện năng lực không thể coi thường của đội ngũ phát triển. Tencent cũng vừa thực hiện thương vụ mua lại Riot Games và Supercell Oy với giá 8,6 tỉ USD.
Không dừng lại ở đó, công ty game có trụ sở tại Thâm Quyến này đang tìm nguồn doanh thu mới từ các quảng cáo qua mạng xã hội nổi tiếng WeChat của chính mình với hàng trăm triệu người dùng. So với doanh thu 98% từ quảng cáo của Facebook, con số 13,9% của Tencent quả thật còn quá khiêm tốn.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Li Muzhi thuộc Arete Research Service, trong khi ngành công nghiệp game và quảng cáo có thể coi là lành mạnh và bền vững, sự trông đợi của các nhà đầu tư vào doanh thu từ dịch vụ đám mây, thanh toán điện tử và các hình thức kinh doanh mới mẻ khác khó có thể được đảm bảo lâu dài.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp